Ghi chép từ chuyến nghiên cứu thực tế đầu năm 2019

Trong chuyến nghiên cứu thực tế của Khoa Nhà nước và pháp luật đầu năm 2019 tại phường Hàm Tiến - TP Phan Thiết, được nghe các đồng chí lãnh đạo và công chức văn phòng, tư pháp báo cáo những kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của phường năm 2018; đồng thời phản ánh những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ để phục vụ tốt hơn cho nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi cho phường trong công tác quản lý.

Những kết quả đạt được

Hàm Tiến có thế mạnh về du lịch, do đó có 94 dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư, trong đó có 75 dự án đã đi vào hoạt động; 10 dự án khác đang xúc tiến các bước triển khai thực hiện. Lượng du khách đến Hàm Tiến ngày càng đông; năm 2018 có 593.846 lượt khách (tăng 78.104 lượt so với năm 2017).

Trên lĩnh vực đánh bắt hải sản, đạt 60 tấn (vượt 20% chỉ tiêu giao). Thu ngân sách địa phương được 9,2 tỷ đồng (đạt 100% chỉ tiêu giao), giao quân nhập ngũ 14/14 người (đạt 100% chỉ tiêu). An ninh - trật tự đô thị cơ bản được giữ vững; quản lý  môi trường, nhất là tình trạng nước đọng gây ô nhiễm môi trường được giải quyết tốt. Công tác chăm lo cuộc sống cho hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo... luôn được thực hiện tốt. Cải cách hành chính cơ bản đáp ứng sự hài lòng của người dân. Trong năm tiếp nhận 7483 hồ sơ, trong đó chỉ có 12 hồ sơ trễ hẹn (chiếm 0,16%). Quy chế dân chủ cơ sở và công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị phản ánh của công dân được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Số đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận trong năm 2018 là 49 đơn; đã giải quyết 42 đơn (đạt 85,71%). Đáng lưu ý có những vụ khiếu nại kéo dài hơn chục năm thì đến nay đã được giải quyết dứt điểm, thỏa đáng. Ở Hàm Tiến, địa bàn phát triển kinh tế - xã hội sôi động trong những năm gần đây, nhưng cũng là nơi có thể dễ phát sinh những tiêu cực. Tuy vậy năm qua không một đơn thư nào tố cáo sai phạm xảy ra trong đội ngũ cán bộ, công chức của phường và trong nhân dân.

Những thành tích mà nhân dân và cán bộ phường Hàm Tiến phấn đấu đạt được là sự nỗ lực cố gắng lớn. Do vậy năm 2018, Hàm Tiến được UBND TP công nhận là đơn vị dẫn đầu Phan Thiết về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tuy vậy, Hàm Tiến vẫn còn kiến nghị với cấp trên:

Những vướng mắc cần được tháo gỡ

Thứ nhất; trên lĩnh vực công tác hộ tịch. Việc cấp phôi giấy đăng ký khai sinh cho trẻ em, mỗi tháng phường chỉ được “phân phối” số lượng rất khiêm tốn số lượng phôi giấy khai sinh (40 phôi), trong khi số trẻ được sinh trên thực tế nhiều hơn thế. Do vậy không đáp ứng yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh, cho nên người dân khi đăng ký khai sinh cho con mới sinh thì người được, kẻ không, nên có những người bức xúc, phàn nàn, thậm chí phê phán gay gắt đối với UBND phường. Cũng vì vậy mà hiện nay ở Hàm Tiến có đến hơn ngàn trường hợp có nhu cầu liên quan đến giấy khai sinh nhưng chưa được đáp ứng.

Thứ hai; trên lĩnh vực chứng thực; Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Nghị định số 23 thay thế cho Nghị định 79 trước đây, đã góp phần rút ngắn thời gian thực hiện chứng thực, tăng thẩm quyền cho UBND cấp xã, đơn giản các thủ tục, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi yêu cầu chứng thực hoặc thực hiện các hợp đồng, giao dịch dân sự, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa. Tại điều 5 Nghị định số 23 quy định về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực; theo đó, đối với chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản thì người yêu cầu chứng thực có quyền lựa chọn nơi chứng thực ở Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc UBND cấp xã. Đáng lưu ý là chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại UBND cấp xã. Tuy vậy khi triển khai thực hiện Nghị định này, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản số 1185/UBNC-NCPC ngày 20/4/2014 của UBND tỉnh Bình Thuận V/v triển khai thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, Sở Tư pháp Bình Thuận có công văn số 500/STP-BTTP ngày 20/5/2015 V/v triển khai thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Tại điểm 9.3 của công văn số 500 quy định đối với UBND các địa phương: TP Phan Thiết, huyện Tuy Phong, huyện Bắc Bình, huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục thực hiện nghiêm các QĐ số 30/2009/QĐ-UBND ngày 28/5/2009, QĐ số 78/QĐ-UBND ngày 09/12/2009, QĐ số 3145/QĐ-UBND ngày 25/9/2014, QĐ số 3146/QĐ-UBND ngày 25/9/2014 của UBND tỉnh Bình Thuận về chuyển giao nhiệm vụ chứng thực hợp đồng giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh thực hiện. Theo quy định đó, người yêu cầu chứng thực tại 4 địa phương nêu trên đã gặp không ít khó khăn, nhất là người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa khi chứng thực các hợp đồng, giao dịch, chủ yếu liên quan đến thực hiện các quyền sử dụng đất, họ phải tốn kém nhiều thời gian và chi phí cho việc chứng thực, trong khi lẽ ra được thực hiện tại UBND cấp xã thì tiện lợi rất nhiều. Theo lãnh đạo UBND phường Hàm Tiến cho biết, tại địa phương này, khi người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất, phải cất công lên trung tâm TP Phan Thiết để chứng thực hợp đồng; những người già yếu không trực tiếp đi chứng thực thì phải thông qua các “cò đất”, và bị cò “chém” đến hàng chục triệu đồng. Qua những vấn đề phản ánh trong bài viết này để thấy sự thiếu thống nhất về thực hiện quy định của cùng một văn bản (NĐ số 23/2015) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; có 5 huyện và thị xã La Gi, người dân được quyền lựa chọn nơi chứng thực các hợp đồng, giao dịch ở UBND cấp xã hoặc Phòng Tư pháp cấp huyện, còn lại TP Phan Thiết và các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, người dân đang gặp khó như đã phản ánh trên. Thiết nghĩ những quy định của nhà nước được thể hiện trong pháp luật, chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thì phải được đi vào thực tế một cách đầy đủ ở các ngành, các cấp địa phương để người dân được hưởng lợi. Do đó những bất cập vướng mắc mà người dân và chính quyền cơ sở phản ánh, chúng tôi sẽ chuyển ý kiến này đến Ban Pháp chế và Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận, Sở Tư pháp Bình Thuận để xem xét, kiến nghị UBND tỉnh có biện pháp tháo gỡ nhằm phục vụ cho người dân thuận lợi hơn, tốt hơn./.

                                                                                       


Các tin khác