73 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2019)

Vào một ngày chủ nhật cách đây 73 năm (06/01/1946) đánh dấu một mốc son trọng đại trong lịch sử nước ta, đó là lần đầu tiên người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến thông qua lá phiếu của mình trực tiếp lựa chọn, bầu những người có đức, có tài vào Quốc hội. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, toàn thể dân tộc Việt Nam quyết giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Ngay sau khi thành lập, chính quyền cách mạng của nhân dân ta đã phải đương đầu trước nhiều tình thế hết sức hiểm nghèo. Chưa một quốc gia nào trên thế giới công nhận Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bên cạnh đó, các thế lực đế quốc và tay sai đang ráo riết chống lại Ðảng cộng sản và Việt Minh, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ và thiết lập một chính quyền phản động, tay sai cho đế quốc. Thêm vào đó, chính quyền cách mạng còn phải tiếp quản những tàn dư mà chế độ cũ để lại: công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn đói trầm trọng, hơn 90% số dân mù chữ, tệ nạn xã hội đầy rẫy, kinh nghiệm quản lý chính quyền chưa có …

Khó khăn chồng chất đặt chính quyền cách mạng đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”. Vì thế, để bảo vệ nền độc lập vừa giành được của dân tộc, cuộc cách mạng dân tộc ở nước ta vẫn đang tiếp diễn với khẩu hiệu “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”[1], đấu tranh chống giặc ngoài thù trong để giữ cho được chính quyền cách mạng của nhân dân vừa giành được, bởi vì chính quyền cách mạng là thành quả và kết tinh cao nhất thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, mất chính quyền là mất tất cả.

Trước tình hình đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”[2]. Vì vậy, một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời (ngày 3 tháng 9 năm 1945), trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v…”[3].

Ngày 8 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Bản Sắc lệnh đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định các cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử. Tiếp đó, nhiều sắc lệnh liên quan đến cuộc Tổng tuyển cử được Chính phủ lâm thời ban hành như: Sắc lệnh số 39-SL ngày 26 tháng 9 năm 1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17 tháng 10 năm 1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL ngày 2 tháng 12 năm 1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51 …

Cuộc Tổng tuyển cử lần đầu được dự kiến vào ngày 23 tháng 12 năm 1945, nhưng gặp phải sự chống đối của Việt Quốc, Việt Cách và các thế lực thù địch. Để đảm bảo thực hiện thành công cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6 tháng 1 năm 1946 (Chủ nhật). Trong thời gian đó đàm phán với Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc) đi đến thỏa thuận hợp tác và ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử (Ngày 24 tháng 12 năm 1945, đại biểu của Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách ký bản “Biện pháp đoàn kết”, trong đó có điều khoản ủng hộ Tổng tuyển cử và kháng chiến, mở rộng Chính phủ lâm thời có đại diện của Việt Quốc, Việt Cách tham gia, thừa nhận 70 ghế cho họ trong Quốc hội mà không qua bầu cử).

Về công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do các Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để len lỏi vào bộ máy nhà nước.

Ngày 5 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu “…Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”[4].

Chủ nhật 6 tháng 1 năm 1946, từ sáng sớm, báo Sự Thật đã phát lời kêu gọi nhân dân “Tất cả hãy đến thùng phiếu”. Báo Quốc hội số đặc biệt ngày 6 tháng 1 năm 1946 đã dành khổ lớn trên trang nhất để in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Lời kêu gọi của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”.

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử (ngày 6 tháng 1 năm 1946): toàn dân đi bỏ phiếu. 

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên… Ở Hà Nội, 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Ở các địa phương khác trong cả nước, cuộc Tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Nhìn chung, ở cả 71 tỉnh, thành trong cả nước, có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số [5].

Mặc dù trong điều kiện giặc ngoài thù trong, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, nhưng cuộc Tổng tuyển cử ngày 01/6/1945 đã diễn ra trọn vẹn, thành công đó đến từ nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, có sách lược ứng phó khéo léo giương cao ngọn cờ đoàn kết, tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc với những giải pháp “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đầy nghệ thuật.

Thứ hai, niềm tin tuyệt đối giữa Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân.

Thứ ba, cuộc Tổng tuyển cử đã thể hiện và bảo đảm thực hiện các nguyên tắc bầu cử tiến bộ (nguyên tắc bình đằng, dân chủ, công khai, phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín), tạo mọi điều kiện để nhân dân thực hiện quyền của mình, tham gia bầu cử đông đủ, thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc xây dựng chính quyền nhân dân.

Thứ tư, tuyên truyền, vận động bầu cử được tiến hành rộng rãi, dân chủ và thực chất. Công tác tuyên truyền, vận động bầu cử là hết sức quan trọng nhằm giúp cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, về các quy định của pháp luật bầu cử để động viên nhân dân đi bầu cử đầy đủ và sớm nhất.

Thứ năm, tôn trọng quyền tự do ứng cử. Hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân biệt gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ, hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, không kể già, trẻ, lớn, bé, tôn giáo, dân tộc, hy sinh không sợ nguy hiểm giành lấy nền độc lập cho Tổ quốc./.

                                                                                                          


[1] Văn kiện Ðảng 1945-1954 Ban NCLSÐTW xuất bản, Hà Nội 1978, T.1. Trang 27.

[2] Văn kiện Ðảng 1945-1954. T.1. Trang 28.

[3] Hồ Chí Minh, Sđd. T4. Trang 6-7.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tr 166 - 167.

[5] PGS. Lê Mậu Hãn: Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 - một mốc son lịch sử nhảy vọt về thể chế dân chủ, Báo Nhân dân, ngày 08-12-2005.

 


Các tin khác