Những hành vi không được làm trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Ngày 21 tháng 6 năm 2018, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính với 07 chương, 43 điều có hiệu lực thi hành. Đồng thời Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương hết hiệu lực thi hành.

Để thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được giải quyết đạt kết quả tốt thì mối quan hệ tương tác giữa các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức với các tổ chức, cá nhân trong xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng, đòi hỏi mỗi phía phải thực hiện đúng nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Đồng thời pháp luật cũng quy định cụ thể những hành vi không được làm trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Điều 5 của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, cụ thể:

1. Cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại trụ sở Bộ phận Một cửa và tại cơ quan có thẩm quyền không được thực hiện các hành vi sau đây:

Một là, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính;

Hai là, cản trở tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức nộp hồ sơ, nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật;

Ba là, cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận dữ liệu điện tử; thay đổi, xóa, hủy, giả mạo, sao chép, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ nội dung dữ liệu thực hiện thủ tục hành chính;

Bốn là, tiết lộ thông tin về hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thông tin đó để trục lợi;

Năm là, từ chối thực hiện, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính hoặc tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật;

Sáu là, trực tiếp giao dịch, yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không thông qua Bộ phận Một cửa, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

Bảy là, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu hợp tác, thiếu công bằng, không khách quan, không đúng pháp luật trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính;

Tám là, ứng xử, giao tiếp không phù hợp với quy chế văn hóa công sở;

Chín là, các hành vi vi phạm pháp luật khác trong thực hiện công vụ.

2. Tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính không được thực hiện các hành vi sau đây:

Một là, gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép hồ sơ, tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính;

Hai là, cản trở việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân;

Ba là, dùng các thủ đoạn khác để lừa dối, hối lộ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính;

Bốn là, vu khống, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, mạo danh người khác để tố cáo sai sự thật, không có căn cứ, không có chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền trong hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính;

Năm là, xúc phạm danh dự của cơ quan có thẩm quyền; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính;

Sáu là, nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, không công bằng, không trung thực, không đúng pháp luật, không đúng thực tế với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính;

Bảy là, các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

3. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và doanh nghiệp, cá nhân được thuê hoặc được ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính không được thực hiện các hành vi sau đây:

Một là, Cản trở quá trình giải quyết thủ tục hành chính;

Hai là, Lừa dối cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, người thuê, người ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính;

Ba là, Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.

Tại Bình Thuận đến nay đã có 19/19 Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 127/127 xã, phường, thị trấn; 04 cơ quan thuộc ngành dọc trung ương (Công an tỉnh, Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội) và 02 doanh nghiệp nhà nước (Công ty Điện lực Bình Thuận và Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận) thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Các đơn vị, địa phương rà soát đã đưa 100% thủ tục hành chính được cấp có thẩm quyền công bố vào thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Đối với cơ chế một cửa, một cửa liên thông của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, từ ngày 01/01/2018, Trung tâm hành chính công chính thức đi vào hoạt động, trên cơ sở giải thể Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện nay đang thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bình Thuận. Trung tâm có chức năng là đầu mối tập trung thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan cấp tỉnh đối với các tổ chức và cá nhân; đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tìm hiểu, tiếp cận môi trường đầu tư của tỉnh và thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư dự án ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh./.

                                                                                    


Các tin khác