Ghi nhận từ chuyến đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Quảng Ngãi

Hoạt động nghiên cứu thực tế là một trong những nhiệm vụ chủ yếu hàng năm của đội ngũ viên chức, giảng viên nhà trường. Mục đích của các chuyến đi thực tế nhằm nghiên cứu, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ở tỉnh bạn nhằm bổ sung kiến thức thực tế cho các giảng viên, phục vụ cho bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị với phương châm “Lý luận liên hệ thực tiễn”.

Từ ngày 03/5/2018 đến ngày 06/5/2018, đoàn Trường Chính trị Bình Thuận gồm 14 viên chức do Ths. Lê Trung Quân - Phó Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn, thực hiện chuyến đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày thứ nhất của chuyến nghiên cứu, đoàn chúng tôi khởi hành tại Ga Bình Thuận vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 03/5/2018 và có mặt tại ga Quãng Ngãi vào lúc 21 giờ 15 phút cùng ngày. Đây là một trải nghiệm thú vị đối với tất cả các thành viên của đoàn, nhất là những thành viên lần đầu đi tàu hỏa. Thông qua ô cửa sổ của tàu, các thành viên trong đoàn được ngắm nhìn những triền cát vàng dưới nắng, những cánh đồng xanh rì, những con đèo uốn lượn quanh sườn núi, hay cảnh vật một bên là núi một bên là biển xanh sóng vỗ rì rào và con tàu thì lắc lư ở giữa,… tất cả đã tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ nhưng cũng không kém phần sinh động và hấp dẫn.

Ngày thứ hai của chuyến nghiên cứu, đoàn chúng tôi có chuyến thăm quan đầu tiên tại núi Thiên Ấn, viếng mộ chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc ở phía tây núi Thiên Ấn, cách cổng tam quan chùa Thiên Ấn khoảng 100m, được bao bọc bởi rừng cây và hướng ra dòng sông Trà Khúc. Đoàn có dịp ôn lại những điều ghi trong sử sách, tài liệu nghiên cứu về cụ Huỳnh Thúc Kháng - một người con ưu tú của đất Quảng, một chí sĩ yêu nước Việt Nam trong thế kỷ XX và là Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cuộc đời giản dị và hết mình cống hiến cho Tổ quốc của vị nhân sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng là một tấm gương cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.Và tại đây, các thành viên trong đoàn được tận tay thắp những nén hương tưởng nhớ đến công ơn của cụ đối với đất nước và dân tộc Việt Nam.

Sau đó, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình đến thăm, thắp hương tại Khu chứng tích Sơn Mỹ. Khu di tích này nằm trên địa bàn xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi 13km về phía Đông Bắc. Vào ngày 16/3/1968, một cuộc hành quân huỷ diệt dã man chưa từng thấy, do một đơn vị quân viễn chinh Mỹ thuộc lực lượng đặc nhiệm Barker (Task Force Barker), lữ đoàn 11, sư đoàn Americal quân xâm lược Mỹ mưu tính và thực hiện, đánh vào người dân Sơn Mỹ vô tội không một tấc sắt trong tay. Lính Mỹ đã đổ bộ xuống phía tây xóm Thuận Yên thôn Tư Cung và xóm Gò thôn Cổ Lũy. Với chủ trương “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, chúng đã biến nơi này thành vùng đất chết. Số người bị tàn sát ở thôn Tư Cung là 407 người, tại thôn Mỹ Hội là 97 người. Tổng số người bị tàn sát ở Sơn Mỹ là 504 người, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị thiêu cháy. Vụ thảm sát Sơn Mỹ là đỉnh cao trong muôn vàn tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, bị cả nhân loại lên án. Những hình ảnh, tư liệu tại đây đã để lại trong tâm trí những thành viên trong đoàn những ấn tượng mạnh mẽ và sự cảm thông sâu sắc. Nhiều thành viên trong đoàn đã không kìm nén được dòng nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh những người dân Sơn Mỹ vô tội bị giết hại, qua đó giúp các thành viên trong đoàn hiểu hơn về sự tàn bạo của chiến tranh, cái giá mà nhân dân ta đã phải trả để có cuộc sống yên bình ngày hôm nay.

Buổi trưa trong ngày, đoàn chúng tôi khởi hành xuống Cảng Sa Kỳ để ra đảo Lý Sơn - một trong 12 huyện đảo của tổ quốc Việt Nam và là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, có vị trí rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ đất liền.

Đảo Lý Sơn nằm phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý ( khoảng 24 km). Huyện đảo Lý Sơn (còn gọi là Cù Lao Ré) vốn được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 1992 và trở thành huyện đảo tiền tiêu từ khi đó. Diện tích của huyện đảo khoảng 9,97km², với dân cư hơn 20.000 người. Tổng chiều dài đường bờ biển của huyện đảo là trên 25km. Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn. Huyện được chia làm 3 xã: An Vĩnh (huyện lỵ Đảo lớn), An Hải (Đảo lớn) và An Bình (đảo Bé).

Ở đảo Lớn (Lý Sơn, cù lao Ré), điểm đến đầu tiên của đoàn là Chùa Hang - một trong những thắng cảnh đẹp nhất trên đảo và đã được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Tiếp theo, đoàn chúng tôi được tham quan và nghe thuyết trình tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng sa kiêm quản Bắc Hải. Bước vào khuôn viên Nhà trưng bày, hình ảnh đầu tiên khiến bất cứ ai cũng phải chú ý là cụm tượng đài Hải đội Hoàng sa kiêm quản Bắc Hải làm bằng chất liệu đá xanh, sừng sững, uy nghiêm, vĩnh cửu, bất chấp sự khắc nghiệt của nắng mưa bão tố. Nhà trưng bày Hải đội Hoàng sa kiêm quản Bắc Hải rộng gần 400m2, trưng bày hơn 100 tư liệu, hình ảnh quý và nhiều hiện vật sinh hoạt liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản quản Bắc Hải. Toàn bộ hình ảnh, tư liệu trưng bày được chia làm 3 nội dung chính: Lý Sơn - Tịnh Kỳ - Quảng Ngãi quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa - sự tôn vinh của nhân dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đối với những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; và nhân dân Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Cảm xúc ấy thật khó tả thành lời! Chúng tôi cảm thấy thật thiêng liêng và tự hào về đất nước, đồng thời cũng thán phục trước sự dũng cảm của lớp người đi trước đã khám phá quần đảo này. 

Sau đó, đoàn tiếp tục tham quan và chụp hình lưu niệm tại Cột Cờ Lý Sơn - nơi ghi dấu ấn chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Công trình Cột cờ Tổ quốc tại huyện đảo Lý Sơn được khởi công xây dựng từ ngày 04/5/2013, trên núi Thới Lới - ngọn núi cao nhất ở đảo Lý Sơn. Cột cờ có chiều cao 20m, đế trụ cờ và móng cột cờ được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Công trình có dạng kiến trúc gồm: Đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Phần móng được chôn sâu dưới lớp đá với kỹ thuật kết cấu móng thường sử dụng cho những ngọn hải đăng vững chắc. Mặt chính trên đài có ghi lại thông tin toạ độ cột cờ. Đài cờ cao 5m, thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá quốc kỳ.Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới ở đảo Lý Sơn không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn được ví như “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam là bất khả xâm phạm.

Đến với Lý Sơn - “vương quốc tỏi” giữa biển khơi nổi tiếng khắp trong Nam và ngoài Bắc, đoàn chúng tôi cũng rất hào hứng và phấn khởi khi được tận mắt nhìn thấy những cánh đồng tỏi, hành xanh tươi bạc ngàn tại vùng đảo này. Nghề trồng tỏi, trồng hành trở thành nghề truyền thống của địa phương, được truyền lại từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Hương nồng của hành, tỏi hòa vào với tấm lòng bám rễ với mảnh đất quê hương bao đời của người dân Lý Sơn suốt hàng thế kỷ. Và tại đây, mỗi thành viên trong đoàn không quên mua cho mình vài kí gram tỏi làm quà biếu cho gia đình và bạn bè sau chuyến đi.

Điểm đến sau cùng trong ngày tại đảo Lớn (Lý Sơn), đoàn chúng tôi đến thăm quan tại Cổng Tò Vò - một địa danh nổi tiếng của vùng đảo này. Cổng Tò Vò là một “vòm cổng” bằng đá cao khoảng 2.5m có hình thù ngoạn mục, là kiệt tác của thiên nhiên. Khung cảnh tuyệt vời khiến Cổng Tò Vò còn được gọi bằng một cái tên khác là Cổng Thiên Đường. Từ Cổng Tò Vò, khi nhìn về phía Nam là khu làng chài sung túc của các ngư dân trên đảo. Trong khi đó, ở phía Bắc lại là cảnh tượng hùng vĩ của núi Giếng Tiên, một ngọn núi lửa đã tắt. Ngoài ra, Cổng Tò Vò còn mang đậm bản sắc văn hóa riêng của vùng đảo khi còn lưu truyền nhiều truyền thuyết được truyền tụng qua bao thế hệ.

Ngày thứ ba của chuyến nghiên cứu, đoàn chúng tôi di chuyển sang đảo An Bình (đảo Bé). Đảo Bé, nằm cách đảo Lớn khoảng 3 hải lý về phía Tây Bắc. Đúng với tên gọi đảo An Bình, nơi đây còn mang nét đẹp hoang sơ, mộc mạc như một hòn ngọc giữa biển mênh mông với những bãi biển cát trắng tinh, nước biển trong xanh có thể nhìn thấy đáy. Sát biển là những vách đá trầm tích của núi lửa hàng triệu năm màu đem sẫm, những rặng dừa thẳng tắp luôn rì rào trong gió từ biển đưa vào. Tại đây, đoàn chúng tôi được chiêm ngưỡng, được thả hồn, hòa mình vào khung cảnh tuyệt đẹp, bình yên nhưng không kém phần hùng vĩ của đất trời, mây núi, sóng nước,... Từ đấy, chúng tôi càng yêu quý hơn, tự hào hơn về các vùng đảo thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.

Thông qua chuyến đi nghiên cứu thực tế này, các đ/c trong đoàn đã hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử vẻ vang, hào hùng của vùng đất Quảng Ngãi. Đồng thời, chuyến đi này cũng nhằm bổ sung kiến thức thực tế cho các giảng viên trong  công tác giảng dạy thông qua những hiện vật, tư liệu, hình ảnh,… về lịch sử biển đảo của đất nước, từ đó nâng cao nhận thức sâu sắc của gia đình, bạn bè và học viên về chủ quyền biển đảo Việt Nam; cũng cố về tinh thần yêu nước, giữ gìn và tiếp nối công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước của ông cha ta ngày xưa.

Kết thúc một chuyến đi với 4 ngày được sống, trải nghiệm và tận hưởng khung cảnh hùng vĩ , tuyệt đẹp của biển đảo Lý Sơn nói riêng; được tìm hiểu về sự anh hùng, kiên trung, bất khuất của những người con Quảng Ngãi nói chung, đoàn chúng tôi càng thêm vinh dự, tự hào về vùng đất này, bởi nơi đây đã sản sinh ra những người con tài trí, anh hùng, dũng cảm, sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần tô vẽ đất nước Việt Nam ngày một tươi đẹp hơn ./.


Các tin khác