Nguyễn Ái Quốc - Người thanh niên Việt Nam yêu nước không chịu cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than dưới sự thống trị của thực dân Pháp đã quyết định đi ra nước ngoài tìm con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, Người đã tìm đến với chủ nghĩa Mác – Lenin, khẳng định rằng cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Người bắt đầu tìm mọi phương thức để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lenin vào trong nước.
Tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là sự thể hiện rõ nhất sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lenin của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, theo tinh thần mà Tuyên ngôn đã chỉ rõ: “Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, việc vận dụng những nguyên lý đó cũng phải tuỳ thuộc vào hoàn cảnh đương thời”, vì vậy, khi truyền bá và vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh luôn căn cứ vào sự khác biệt về đặc điểm xã hội Việt Nam- một nước thuộc địa nửa phong kiến phương Đông với châu Âu, nơi ra đời của chủ nghĩa Mác để đề ra cương lĩnh, đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn. Sự vận dụng và phát triển sáng tạo Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Hồ Chí Minh được thể hiện trên nhiều vấn đề, trong bài viết này tôi chỉ xin đề cập đến việc giải quyết mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Việt Nam thời kỳ thực dân Pháp xâm lược được thể hiện rõ trong CLCT đầu tiên của Đảng.
Vấn đề quan trọng, cốt lõi của cách mạng vô sản trong Tuyên ngôn là đấu tranh giai cấp. Tuyên ngôn chỉ rõ “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”… “Xã hội tư sản hiện đại, sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến đã bị diệt vong, không xoá bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay thế những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi”, “Xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản”.
Các nước Tây Âu là các quốc gia, dân tộc độc lập, không có sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, và chính họ lại đi xâm lược, áp bức thuộc địa. Mặt khác, sự phân hoá giai cấp triệt để, mâu thuẫn giữa giai cấp giữa tư sản và vô sản đối chọi nhau, một mất, một còn. Vấn đề mà Mác- Ăngghen quan tâm là vấn đề xã hội Tây Âu quan tâm, đó là: đấu tranh giai cấp. Điều đó hoàn toàn đúng ở Tây Âu, vì khi giai cấp vô sản lật đổ tư sản, giải phóng cho giai cấp mình, đồng thời giải phóng cho dân tộc. Vì thế, trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Mác – Ăngghen kêu gọi “giai cấp vô sản ở mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”; hoặc là “Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”.
Đưa vấn đề đó vào Việt Nam, một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, mâu thuẫn giai cấp chưa phát triển cao như ở Tây Âu. Người chỉ rõ: “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra như ở phương Tây”, bởi vì “về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây”. Nguyễn Ái Quốc phân tích làm sáng rõ: nếu nông dân gần như chẳng có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn; nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu.
Hơn nữa, Việt Nam còn bị sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, cả dân tộc bị nô lệ. Cho nên, các giai cấp tầng lớp (địa chủ, nông dân, tư sản dân tộc, tiểu tư sản) mặc dù có những địa vị khác nhau nhưng đều mang một điểm chung là những người dân mất nước và có một nguyện vọng duy nhất là giải phóng dân tộc. Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam cần giải quyết là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Vì vậy, muốn giải phóng giai cấp vô sản theo quan điểm của Mác – Ăngghen trong Tuyên ngôn thì trước hết phải giải phóng cho dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Có giải phóng được dân tộc mới giải phóng được giai cấp, nếu không giải phóng dân tộc thì chẳng những toàn thể dân tộc phải chịu kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của giai cấp cũng mãi không giành lại được.
Như vậy, nghiên cứu Tuyên Ngôn của Đảng Cộng sản, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lenin, Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, không giáo điều, rập khuôn máy móc. Trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng, Hồ Chí Minh đã xác định: “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Từ sự phân tích, thấy rõ vai trò, vị trí của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người chủ trương liên minh các giai cấp, các tầng lớp yêu nước: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn địa chủ và phong kiến” …Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,.v.v... để lôi kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến.v.v..) thì phải đánh đổ”. Nguyễn Ái Quốc đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu nhằm đoàn kết tập hợp hết thảy các lực lượng yêu nước, thương nòi, tạo ra sức mạnh dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, Người luôn đứng vững trên lập trường, quan điểm của giai cấp vô sản để giải quyết vấn đề dân tộc: “Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp”. Như vậy, Nguyễn ái Quốc đã đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản để giải quyết vấn đề dân tộc. Tư tưởng đó đã soi sáng cho Đảng và nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây là luận điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển cho chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến.
Những nguyên lý do Mác - Ăngghen nêu lên trong Tuyên ngôn đã được Hồ Chí Minh luôn luôn quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo đã đưa cách mạng Việt Nam giành những thắng lợi to lớn. Ngày nay, bối cảnh lịch sử mới đang đặt ra cho chúng ta tiếp tục nghiên cứu vận dụng sáng tạo những nguyên lý đó vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đi lên CNXH./.