Công tác đào tạo cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận - 25 năm nhìn lại

Tháng 4/1992, Trường Đảng Bình Thuận được chia tách từ Trường Đảng Thuận Hải. Đến năm 1995, Trường Đảng Bình Thuận được đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận, là đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo, có chức năng cơ bản là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cấp cơ sở; trưởng, phó phòng, ban cấp huyện; trưởng, phó phòng các ban, ngành cấp tỉnh và cán bộ dự nguồn các chức danh trên về lý luận chính trị, kiến thức, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, về quản lý hành chính nhà nước, về công tác dân vận. So với năm 1992, hiện nay nhà trường đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo cán bộ cho tỉnh nhà, cụ thể:

Vào năm 1992, nhà trường chủ yếu đảm nhiệm đào tạo trung học lý luận chính trị hệ tập trung, hệ tại chức cho cán bộ của các sở, ban, ngành của tỉnh, cán bộ chủ chốt các phòng, ban cấp huyện và cấp xã. Đến nay, xuất phát từ yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, nhà trường đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức mở lớp như: trung cấp LLCT - HC, cao cấp LLCT - HC, hệ đào tạo tại chức, đại học hành chính, trung cấp phụ vận, trung cấp thanh vận, trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo trung học chính trị của năm 1992 so với hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi phù hợp với tình hình của đất nước ta và thế giới. Năm 1992, chương trình đào tạo được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 01-NQTW, ngày 28/3/1992 của Bộ Chính trị về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay và cũng là năm học bắt đầu thực hiện giáo trình mới do Học viện Nguyễn Ái Quốc ban hành, với 10 phần học, gồm: Những nguyên lý cơ bản Triết học Mác - Lênin; Từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Những vấn đề cơ bản về kinh tế ở nước ta hiện nay; Mấy vấn đề về chính sách xã hội, văn hóa, giáo dục; Vấn đề quốc phòng và an ninh; Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; Nhà nước và pháp luật trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Những vấn đề cơ bản về xây dựng Đảng và công tác quần chúng; Những vấn đề về tình hình nhiệm vụ, các nghị quyết và chủ trương lớn của địa phương. Hiện nay, chương trình đào tạo trung cấp LLCT - HC được thực hiện theo Hướng dẫn 134/HD-HVCTQG, ngày 21/7/2016 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc thực hiện Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, nội dung chương trình gồm: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước, pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ công tác Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân; Tình hình, nhiệm vụ của địa phương (hoặc ngành); Nghiên cứu thực tế và viết bài thu hoạch.

Sau 25 năm (1992 - 9/2017) thực hiện nhiệm vụ của tỉnh giao, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã đào tạo được 147 lớp với 12.159 học viên, cụ thể: mở 06 lớp đại học chính trị với 489 học viên; 09 lớp cao cấp LLCT - HC, hệ đào tạo tại chức với 978 học viên; 04 lớp Đại học hành chính với 423 học viên; 118 lớp trung cấp LLCT - HC (hệ đào tạo tập trung và tại chức) với 9.516 học viên; 05 lớp trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở với 479 học viên; 02 lớp trung cấp ngành Công tác Phụ nữ với 137 học viên; 01 lớp trung cấp Nghiệp vụ thanh vận với 64 học viên; 01 lớp trung cấp Khuyến Nông Lâm với 46 học viên và 01 lớp đào tạo tiếng Chăm cho CBCC với 27 học viên.

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, việc đánh giá và quản lý kết quả học tập của học viên luôn được nhà trường coi trọng và ngày càng đi vào nề nếp, từ đó nhà trường mạnh dạn đổi mới đa dạng hình thức đánh giá kết quả học tập của học viên như: thi tự luận, thi vấn đáp, đặc biệt nhà trường đã áp dụng hình thức thi trắc nghiệm trên giấy và trên máy vi tính đối với các lớp trung cấp LLCT - HC. Kết quả sau đào tạo, nhiều cán bộ cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh đã phát huy tốt năng lực và sở trường của mình trên từng cương vị công tác, đáp ứng được những đòi hỏi của các chức danh lãnh đạo, quản lý và nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Đây chính là động lực quan trọng nhất để đội ngũ cán bộ của nhà trường tiếp tục nỗ lực phấn đấu khắc phục những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất của trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ tỉnh nhà, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của trường.

Để đạt được những kết quả trên, bài học kinh nghiệm của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận là:

Một là, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trường và chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hằng năm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai mở lớp.

Hai là, thực hiện đúng nội dung về chương trình đào tạo đối với hệ trung cấp LLCT và hệ trung cấp LLCT - HC do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành.

Ba là, đối với hệ trung cấp LLCT và trung cấp LLCT - HC, trong quá trình triển khai công tác mở lớp, nhà trường đều thực hiện đúng theo các quy chế, quy định về quản lý đào tạo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành.

Bốn là, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quy chế hoạt động khoa học, Quy chế hoạt động nghiên cứu thực tế và Quy chế thao giảng, dự giờ của trường để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy của trường hoạt động đi vào nề nếp.

Trong thời gian đến, để tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tập thể Trường Chính trị tỉnh sẽ nghiêm túc triển khai và thực hiện tốt Kết luận số 117-KL/TW, ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kế hoạch số 19/KH-HVCTQG ngày 17/02/2016 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về thực hiện Kết luận số 117-KL/TW./.


Các tin khác