Không chấp nhận cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân bị đoạ đầy đau khổ, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Người không chỉ có ý nghĩa đối với cách mạnh Việt Nam hiện nay mà còn là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ mai sau. Vậy thanh niên hiện nay học được những gì từ sự nghiệp tìm đường cứu nước của Bác.
Trước hết, về hành động quả quyết ra đi tìm đường cứu nước, cho thấy Bác là con người của hành động. Chất thanh niên thể hiện trong sự can đảm đến mức táo bạo khi Bác xuất dương chỉ với hai bàn tay trắng và tự tin nói với bạn: “Đây, tiền đây. Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”. Khởi đầu sự nghiệp cứu nước bằng vị trí của một người vô sản, rèn luyện và trưởng thành qua lao động, Bác thâm nhập thật sự tinh thần của học thuyết Mác - Lênin. Noi gương Bác, thanh niên thời nay, không hẳn phải trải nghiệm tất cả những gì Bác đi qua, nhưng cũng cần chú ý trau dồi và chủ động tìm kiếm những cơ hội để được rèn luyện mình trong thực tiễn, mạnh dạn nêu ý tưởng và thực hiện ý tưởng bằng tất cả tâm huyết và niềm tin, tiên phong với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Ngày nay, những phong trào tình nguyện, những công tác xã hội thật sự rất có ích đối với việc giáo dục thanh niên chính là vì lẽ đó.
Thứ hai, bài học thiết thực nhất cho thanh niên là thái độ sống và lao động của Bác. Thừa hưởng một vốn học thức phong phú từ quê nhà, lối sống nhân ái, nghĩa tình khiến cho Bác luôn giản dị, chân thành đối với mọi người. Khi làm việc trên tàu, dù cả ngày làm việc mệt nhọc, Bác vẫn dành thời gian dạy các bạn thuỷ thủ chưa biết chữ, giúp họ viết thư về gia đình. Sau này khi làm ở toà soạn báo, Bác cũng dành lấy nhiều công việc để các đồng chí có thời gian chăm lo gia đình vì chỉ mình Bác là người duy nhất sống độc thân. Cuộc sống kham khổ đã hình thành ở Bác một phong cách sống, sinh hoạt giản dị và tiết kiệm. Dù sống ở bất cứ nơi đâu Bác cũng giữ nếp thanh cao, trong sạch, sống bằng sức lao động của chính mình. Khi tiếp xúc với thanh niên kiều bào du học, Bác khuyên họ nên học lấy nghề để nuôi thân, xem việc nhờ dựa gia đình hoặc chính phủ là đánh mất danh dự người thanh niên.
Điều khiến mọi người cảm phục Bác nhiều nhất là sự cần cù, hăng say trong lao động. Từ khi đặt chân lên tàu, Bác đã phải làm đủ mọi công việc nặng nhọc của nghề phụ bếp: quét dọn, chuẩn bị thực phẩm, cọ rửa nồi, đốt lửa, don dẹp… thời gian làm việc của bác từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối không kể những lúc bị gọi bất ngờ giữa khuya. Khi rời tàu, Bác làm nghề đốt lò, xúc than, quét tuyết. Ở Pháp, Bác làm thợ rửa ảnh, chụp ảnh, viết báo, hoạ sĩ… Làm việc vất vả như thế nhưng chưa bao giờ Bác phai nhạt mục đích theo đuổi của mình. Sức chịu đựng bền bỉ, ý chí sắc đá của Bác thật đáng cho thanh niên học tập. Bác không hề kén chọn nghề nghiệp dù đó là lao động chân tay hay lao động trí óc. Chỉ cần đó là nghề lương thiện không những chỉ giúp Bác sống mà còn để thực hiện lý tưởng của mình. Có lẽ, nhờ quảng đời lao động khổ cực mà Bác rất trân trọng và thương mến nhân dân lao động ở mọi ngành nghề. Thanh niên ngày nay cần học theo Bác để có quan niệm đúng đắn về nghề nghiệp. Họ phải thấy rằng nghề nào cũng cao quý và chỉ có làm không tốt công việc của mình thì mới đáng bị chê trách mà thôi.
Thứ ba, thanh niên ngày nay nên học ở Bác tinh thần học và học lại. Việc học tập đối với Bác rất quan trọng. Bác xác định kiến thức rất cần thiết đối với người hoạt động cách mạng. Với một cuộc sống kham khổ và lao động vất vả, Bác không hề có thời gian nhiều dành cho việc học. Tuy nhiên, luôn nhớ lời cha dạy: “muốn làm được việc, người ta phải có chí”, Bác quyết tâm dù bận đến đâu cũng phải dành thời giờ để học. Sau giờ làm việc Bác cố gắng học ngoại ngữ, đi đến các viện bảo tàng, thư viện. Bác đọc báo thường xuyên và thấy đây là một vũ khí rất lợi hại cho cuộc đấu tranh của mình. Việc đọc báo khiến Bác nắm bắt được tình hình trong nước và ngoài nước, nâng cao khả năng lý luận chính trị. Để có thể viết báo, Bác cố gắng học tiếng Pháp, khởi đầu chỉ viết vài dòng rồi nhờ bạn bè sửa lỗi cho. Từ từ, bài viết dài hơn, thành hẳn một cột báo. Lối viết của Bác ngày càng cô đọng, sắc sảo, là ngọn bút tuyên truyền mạnh mẽ, lôi cuốn đông đảo mọi người. Bác còn thường xuyên tham gia các hội, câu lạc bộ, các đảng phái chính trị. Qua đó, Bác học tập được cách tổ chức cho sự nghiệp cách mạng ở quê hương mình. Với khát vọng khôn nguôi tìm ra con đường giải phóng đất nước, Bác nghiên cứu Lịch sử, Văn hoá, Triết học, tham khảo những tư tưởng giải phóng, bình đẳng, tự do của những người đi trước. Chính qua quá trình học tập và hoạt động thực tiễn bác đã tìm thấy điều mình ao ước, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin.
Theo gương Bác, đối với thanh niên, việc học và học lại càng cần thiết vô cùng. Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các thành tựu văn hoá, kinh tế, khoa học kỹ thuật… bên cạnh thuận lợi cũng có rất nhiều thách thức, chính vì vậy, bước vào nền kinh tế tri thức, đòi hỏi thanh niên phải năng động hơn, tích cực hơn để tiếp nhận thông tin, tiếp thu các thành tựu của nhân loại, phải học tập rất nhiều để có thể hội nhập và bắt kịp với trình độ chung của thế giới.
Cuộc đời của Bác là tấm gương soi chung của nhiều thế hệ. Bác từng là một thanh niên sống hết mình vì lý tưởng, một thầy giáo hết lòng với học sinh, một công nhân lao động chân chính, một chiến sĩ Cộng sản kiên cường và là một vị lãnh tụ vô vàn kính yêu. Tuổi 20 của Bác thật sự đã không sống hoài, sống phí; sống có lý tưởng, hoài bảo và thực hiện được ước mơ của mình. Tuổi trẻ hôm nay cần trang bị cho mình kiến thức, bản lĩnh để có thể tiếp nối trách nhiệm xây dựng và bảo vệ tổ quốc; xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ cha anh và sự cống hiến suốt đời của Bác Hồ kính yêu./.