Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện nay

Theo dữ liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc, tính đến ngày 22/3/2017, dân số Việt Nam là 95.145.114 người (xếp thứ 14 trong các quốc gia đông dân nhất thế giới hiện nay). Trong đó, tỷ lệ người dân sống tập trung ở nông thôn chiếm trên 65% [1]. Quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao đang đi vào hoạt động trên phạm vi cả nước đã tạo ra nhiều thuận lợi đối với phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương ở nông thôn.

 

 

Song, với những chuyển biến tích cực đó cũng dần bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém. Sự phát triển kinh tế - xã hội tại một số vùng nông thôn trên cả nước hiện nay chưa thật sự đồng bộ với quy hoạch của địa phương, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo, còn lạc hậu. Vấn đề giải quyết công tác xã hội còn nhiều hạn chế, trong đó nổi lên vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang là mối quan tâm và là sự thách thức của chính quyền địa phương hiện nay.

Những nguyên nhân chính gây ô nhiêm môi trường nông thôn hiện nay là: Rác thải sinh hoạt ở nông thôn; các chất thải từ các làng nghề; sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trong nông nghiệp do sự phát triển của ngành chăn nuôi, gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản...

Trong các nguyên nhân này đáng chú ý nhất là rác thải sinh hoạt, do tính chất cũng như thành phần trong rác thải khá phức tạp như: nilon, chai nhựa, thực phẩm thừa, giấy carton…dẫn đến việc xử lý gặp nhiều khó khăn hơn so với các nguyên nhân còn lại. Mặt khác, do ý thức trách nhiệm việc bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân ở nông thôn còn kém hiểu biết, việc xử lý rác thải còn mang tính đơn giản, chưa đúng theo quy định hiện nay. Chẳng hạn như: với những hộ dân có đất vườn, sau khi sử dụng rác thải sẽ được gom vào một túi nilon  mang đi chôn lấp hoặc bỏ xuống hố cứ 3 hoặc 4 ngày là tiến hành tiêu hủy bằng cách đốt, nhiều nơi ở nông thôn tình hình rác được tập kết tự phát, ném vứt trên đường phố, lòng đường, kênh mương không những gây mất vẻ mỹ quan, ảnh hưởng tới hoạt động giao thông của người tham gia trên đường mà còn làm môi trường sống của nông thôn ngày càng ô nhiễm hơn.

Trước tình hình cấp bách này, tại nhiều nơi chính quyền địa phương đã và đang áp dụng nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và hạn chế tối đa lượng rác thải phát sinh. Các biện pháp được sử dụng đó là:

Thứ nhất, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng, tái chế một số rác thải thành những sản phẩm có thể sử dụng được. Những rác thải hữu cơ sẽ được ủ, bổ sung thêm vi sinh và một số phụ gia khác để làm phân vi sinh bón cho cây trồng…

Thứ hai, thành lập các đội thu gom rác thải tại từng thôn, khu phố,…và có nhiệm vụ lên kế hoạch cụ thể, thông báo cho các hộ gia đình trên địa bàn hoạt động ngày giờ để tiến hành việc thu gom rác thải sinh hoạt. Sau khi thu gom sẽ tập kết rác thải tại một vị trí nhất định (tránh xa khu vực đông dân cư hoặc một số bãi đất trống) tiến hành phun thuốc khử trùng, khử mùi, mang đi chôn lấp hoặc đốt trực tiếp nhằm làm giảm lượng rác thải.

Thứ ba, tại một số địa phương ở nông thôn có các công ty tư nhân hoặc dịch vụ công ích, công cộng thì chính quyền sẽ hợp đồng với các công ty, dịch vụ này để tiến hành thu gom và xử lý rác thải cho địa phương. Các đơn vị này có hệ thống xử lý rác thải như phân loại rác thải, sơ chế,…, những thành phần không giá trị sẽ được mang đi chôn lập tại một số hố chôn lấp nhất định…

Tuy nhiên, những biện pháp trên chưa mang lại hiệu quả cao, nhiều nơi xảy ra tình trạng ô nhiễm cục bộ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, gây ô nhiễm nặng môi trường đất, nước, không khí. Điển hình như: bãi rác lộ thiên rộng 3 ha của thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận nằm trên địa bàn thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành có từ lâu nay. Mỗi ngày hàng chục tấn rác khắp thành phố được đơn vị chức năng chở về đổ xuống hố rộng lớn, sâu 5 - 6 m. Khi rác đầy sẽ được chôn lấp bằng cách phủ kính một lớp đất, tiếp tục đổ rác vào hố đào khác. Cách xử lý thủ công này hàng chục năm nay đã làm gần 100 người dân tổ 1, thôn Tiến Bình, Tiến Thành khốn khổ, bởi mùi hôi của rác nhiều đêm cứ phảng phất vào nhà dân[1]. Hoặc từ năm 2014 trở về trước, tại thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận có một cơ sở chế biến, xử lý rác của Trung tâm Thiện Chí, nhưng diện tích quá hẹp, mỗi ngày chỉ thu gom, chế biến khoảng 100 tấn rác thải. Hơn 2 năm nay cơ sở này đã đóng cửa. Hiện nay rác ở Lạc Tánh thu gom hàng ngày đưa về đổ tại bãi đất trống Gia An. Do vậy, môi trường ở Tánh Linh bị ô nhiễm vì chưa có nhà máy xử lý rác…”[2].

Trước tình hình ô nhiễm do rác thải gây ra ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới và định hướng lâu dài, bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương thì các cấp chính quyền cũng cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đối với công tác bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng tới vấn đề rác thải sinh hoạt. Một số biện pháp như sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, phổ biến và hướng dẫn người dân việc phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải; Lồng ghép, tổ chức sự kiện các ngày môi trường trong năm như: ngày Nước thế giới, ngày Môi trường thế giới, Đại dương thế giới…nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường.

Hai là, phải giáo dục trẻ em về môi trường xung quanh ngay từ các cấp học nhỏ nhất hoặc tổ chức các chương trình hoạt động ngoại khóa nâng cao khả năng hiểu biết của các em để các thế hệ tương lai của chúng ta ý thức được việc bảo vệ môi trường sống có ý nghĩa quan trọng đối với con người.

Ba là, trong công tác quản lý nhà nước phải chú trọng công tác quy hoạch sử dụng đất để bố trí quỹ đất dùng cho xử lý rác thải sinh hoạt trên từng địa bàn cụ thể. Bên cạnh đó, phải tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện môi trường làm việc thuận lợi, ưu đãi các chính sách của Nhà nước… cho các doanh nghiệp tư nhân vào xây dựng những nhà máy đủ khả năng xử lý rác thải với quy mô và công suất lớn để xử lý chất thải cả chất thải tại nông thôn, thành thị, các chất thải nguy hại… Ưu tiên những công nghệ có khả năng chế biến chất thải thành các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…hạn chế những công nghệ lạc hậu, tốn kém diện tích đất, phát sinh chất thải thứ cấp gây ô nhiễm môi trường…

Bốn là, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, sản xuất không xử lý chất thải, phát tán chất thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, đe dọa làm xáo trộn cuộc sống của người dân; Xử phạt các trường hợp không thực hiện làm cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường theo quy định…

Như vậy, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện nay phải cần quan tâm và sớm được giải quyết để bảo vệ môi trường sống ngày càng trong sạch hơn đồng thời góp phần đảm bảo cho cuộc sống của nhân dân được ổn định, tạo điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương được phát triển tốt hơn, an ninh trật tự được giữ vững./.

 


[1] http://vienthongke.vn/tin-tuc/43-tin-tuc/2560-thong-ke-dan-so-the-gioi-nam-2017

[1] http://quantracmoitruong.binhthuan.gov.vn/News/news/2012/10/53.aspx

[2] http://www.baobinhthuan.com.vn/tin-nong-247/tanh-linh-buc-xuc-o-nhiem-moi-truong-do-rac-thai-94688.html 


Các tin khác