Dân chủ và xây dựng nền dân chủ

Lịch sử phát triển xã hội loài người là lịch sử không ngừng vươn lên để đạt những giá trị dân chủ ngày một cao, sâu sắc và phổ biến. Xây dựng, phát triển nền dân chủ là xu thế tất yếu khách quan của sự tiến hóa lịch sử nhân loại.

Mỗi loại hình dân chủ, mỗi chế độ dân chủ ở từng quốc gia, dân tộc, trong những thời kỳ, điều kiện lịch sử khác nhau sẽ có cách thức, con đường, biện pháp khác nhau để thiết lập và phát triển nền dân chủ. Trong đó, xuyên qua các loại hình dân chủ, con đường, biện pháp chung để xây dựng, phát triển dân chủ đó là thiết lập, tạo dựng các cơ sở, điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo các yêu cầu và chuẩn mực dân chủ.

Dân chủ là hiện tượng lịch sử xã hội phức tạp gắn liền với sự tồn tại và phát triển của đời sống con người. Từ hàng ngàn năm trước Công nguyên, con người đã biết hợp lực để sản xuất, chống thiên tai, thú dữ và đã tổ chức ra những hoạt động chung mang tính xã hội, trong đó có việc cử ra những người đứng đầu để thực thi những quy định, điều hành hoạt động chung. Đồng thời, cộng đồng sẽ phế bỏ những người đó, nếu họ không thực hiện những quy định chung theo lợi ích và ý nguyện của mọi người. Đây là một trong những quyền vốn có đương nhiên của mọi thành viên trong cộng đồng. Quyền lực ấy là ngang nhau đối với mọi thành viên trong thị tộc, bộ lạc. Đến thời Hy Lạp cổ đại, khi có ngôn ngữ, chữ viết và trình độ tư duy của con người đạt tới mức có khả năng khái quát hóa, trừu tượng hóa, con người diễn đạt điều này bằng thuật ngữ dân chủ (Demokratia), được ghép bởi Demos là dân, nhân dân và Kratos là quyền lực hay chính quyền. Theo đó, nghĩa gốc của dân chủ (Demokratia) được hiểu là quyền lực của nhân dân.

Như vậy, ban đầu, để hoạt động của cộng đồng (nhất là hoạt động sản xuất vật chất và những hoạt động phục vụ sản xuất vật chất) diễn ra bình thường và đạt được mục đích thì các thành viên trong cộng đồng phải cử ra (uỷ quyền) những đại diện để chỉ huy, điều khiển. Khi những người này không xứng đáng, thì bị cộng đồng phế bỏ (bãi miễn), thay thế. Ở đây, nguồn gốc quyền lực là từ nhu cầu khách quan của hoạt động sản xuất ngày càng có tính xã hội hoá. Chủ thể quyền lực là mọi thành viên trong cộng đồng xã hội, là toàn thể nhân dân. Quyền lực ấy gọi là quyền lực công, quyền lực của cộng đồng xã hội.

Những người nắm quyền lực công, lúc đầu có thể là những người có ưu thế về sức khoẻ, trí tuệ, tuổi tác, kinh nghiệm, đạo đức... Khi xã hội phân hoá giai cấp thì giai cấp nắm tư liệu sản xuất trở thành chủ thể quyền lực công, sử dụng quyền lực ấy chủ yếu và trước hết để bảo đảm lợi ích của giai cấp mình. Đó là lúc giai cấp chủ nô lập ra nhà nước dân chủ chủ nô của mình (nhà nước Aten ở Hy Lạp cổ đại từ thế kỷ VIII đến thế kỷ V trước Công nguyên là một điển hình). Trong nhà nước chủ nô, mọi lợi ích, quyền lực đã bị giai cấp chủ nô thâu tóm. “Nhân dân” ở đây chỉ là một số ít trong xã hội, gồm những người chủ nô, tăng lữ, thương gia, một số trí thức và những người tự do khác. Còn đa số nhân dân lao động, những người nô lệ, bị mất hết quyền lực, họ chỉ là những “công cụ biết nói”. Quyền lực nhân dân, quyền lực công bị tha hóa thành quyền lực chính trị, thành quyền lực nhà nước của giai cấp chủ nô. Kể từ đó, những người lao động của nhiều thế hệ đã liên tục vùng dậy đấu tranh chống chế độ tư hữu, chống nhà nước của giai cấp bóc lột để đòi lại quyền dân chủ của mình. Trong xã hội có giai cấp, đấu tranh vì dân chủ trở thành một trong những động lực của lịch sử. Dân chủ, do đó, trở thành vấn đề phức tạp cả về lý luận và thực tiễn trong lịch sử nhân loại.

Từ nghĩa gốc của khái niệm (dân chủ là quyền lực của nhân dân), trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, tùy theo sự vận động biến đổi của thực tiễn dân chủ, khái niệm dân chủ được nhận thức cũng đa dạng. Dân chủ không chỉ là hình thức nhà nước, chế độ chính trị bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân; là quyền làm chủ của giai cấp thống trị; là kết quả đấu tranh của nhân dân lao động chống lại các giai cấp, lực lượng áp bức, bóc lột; là nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của các cộng đồng và các tổ chức chính trị, xã hội mà còn là giá trị xã hội, giá trị nhân văn, văn minh phản ánh trạng thái, mức độ giải phóng con người trong tiến trình phát triển xã hội... Mặc dù vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau nhưng hầu như tất cả đều có những nhận thức chung tương đối thống nhất về những nội dung cơ bản của khái niệm dân chủ. Theo đó, dân chủ là phương thức quan hệ giữa người với người trên tất cả các lĩnh vực xã hội, giữa các thiết chế xã hội, giữa các con người trong tất cả mọi cấp độ tồn tại khác nhau của nó; là một hình thức tổ chức quan hệ xã hội thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của mỗi thành viên, thừa nhận nhân dân là chủ thể của quyền lực. Để hiểu đầy đủ về dân chủ, dân chủ được hiểu theo 5 khía cạnh cơ bản sau đây:

Thứ nhất, dân chủ là chế độ chính trị, chế độ nhà nước, trong đó, một mặt, thừa nhận quyền lực chính trị của nhân dân, quyền tự do, bình đẳng của công dân trong việc xác định tổ chức, cơ cấu nhà nước, quản lý nhà nước; mặt khác, thi hành có tổ chức, có hệ thống sự cưỡng chế bằng pháp luật đối với mọi người để bảo đảm dân chủ chung cho toàn xã hội. Đây là hình thức lịch sử tất yếu của việc tổ chức và thực thi quyền dân chủ của nhân dân trong xã hội có giai cấp. Chế độ dân chủ muốn thể hiện ra trong hiện thực, trở thành hiện thực bao giờ cũng phải được biểu hiện ra, trước hết và chủ yếu ở hình thức nhà nước tương ứng, phù hợp. Tuy nhiên, không phải chế độ chính trị, chế độ nhà nước nào cũng đồng thời và đương nhiên, tự nhiên là chế độ dân chủ. Chỉ những nhà nước và chế độ chính trị nào bảo đảm quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân thì đó mới là chế độ chính trị và chế độ nhà nước dân chủ.

Thứ hai, dân chủ là quyền lực thuộc về giai cấp thống trị. Trong xã hội có giai cấp, mỗi giai cấp nhận thức, triển khai và thực thi dân chủ tuỳ theo lập trường, quan điểm và lợi ích của giai cấp mình. Trong điều kiện đó, dân chủ trước hết và chủ yếu là dân chủ của giai cấp thống trị. Dân chủ của giai cấp thống trị gắn liền và bao hàm sự hạn chế, thậm chí tước đoạt dân chủ của các giai cấp, tầng lớp xã hội khác. Tuy nhiên, dân chủ của giai cấp thống trị muốn được thực thi và bảo đảm thì nó, không chỉ bảo đảm dân chủ của giai cấp thống trị mà còn bảo đảm dân chủ chung cho toàn xã hội. Hơn nữa, bất kỳ nền dân chủ nào cũng ra đời, tồn tại và phát triển còn mang tính dân tộc, tính nhân dân và tính nhân loại.

Thứ ba, dân chủ là sự biểu thị thành quả đấu tranh của nhân dân lao động chống lại các giai cấp, lực lượng áp bức, bóc lột. Trong các xã hội có giai cấp đối kháng, do nắm giữ những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội, giai cấp thống trị đã tìm mọi cách áp bức về chính trị, bóc lột về kinh tế, nô dịch về tư tưởng, tinh thần đối với đông đảo nhân dân lao động. Do đó, những người lao động bị áp bức, bóc lột từ thế hệ này đến thế hệ khác đã tranh đấu để giành lại quyền lợi cho mình. Vì thế, dân chủ không chỉ đơn thuần là quyền lực, lợi ích thuộc về giai cấp thống trị mà nó còn là phần quyền lực, lợi ích của đông đảo nhân dân do chính họ giành được trong đấu tranh xã hội. Dân chủ là mục tiêu, là thành quả đấu tranh của nhân dân lao động. Đấu tranh cho dân chủ, vì dân chủ trở thành mục tiêu, nội dung đấu tranh giai cấp - một trong những động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển của xã hội có giai cấp.

Thứ tư, dân chủ là nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của các cộng đồng và các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở sự tự do, bình đẳng giữa các thành viên, thiểu số phục tùng đa số và tôn trọng, bảo vệ thiểu số. Dân chủ không chỉ là phạm trù chính trị ra đời, tồn tại, phát triển và sẽ tiêu vong cùng với giai cấp và nhà nước mà nó là vấn đề muôn thuở của con người và xã hội loài người. Trong chế độ cộng sản nguyên thủy, thông qua “Đại hội nhân dân”, nhân dân bầu ra hoặc phế bỏ thủ lĩnh quân sự và quyết định mọi vấn đề quan trọng của thị tộc, bộ lạc. Theo thời gian nguyên tắc dân chủ nguyên thủy nói trên không những được duy trì mà còn được bổ sung, phát triển. Từ các thị tộc, bộ lạc xa xưa cho đến các hình thức cộng đồng hiện đại ... đâu đâu cũng sử dụng các nguyên tắc, cơ chế dân chủ. Ngay cả chế độ độc tài, nhà nước quân chủ chuyên chế thì những nhu cầu dân chủ và những nguyên tắc dân chủ vẫn xuất hiện, tồn tại cùng với các hình thức cộng đồng người.

Thứ năm, dân chủ là giá trị xã hội, giá trị nhân văn, văn minh phản ánh trạng thái, mức độ giải phóng con người trong tiến trình phát triển xã hội. Giá trị xã hội của dân chủ là kết quả của quá trình lịch sử mà con người và các cộng đồng người đạt được thông qua đấu tranh chinh phục tự nhiên và cải tạo xã hội để tự biểu hiện vai trò là chủ, làm chủ của mình trong cuộc sống hiện thực. Dân chủ phản ánh trình độ đạt được về bảo đảm các quyền, nghĩa vụ, tự do của con người, của công dân và sự tham gia của họ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ là biểu hiện, là kết quả sự phát triển, tiến bộ của các quan hệ xã hội, các hoạt động xã hội, ngược lại các giá trị dân chủ thâm nhập, tác động làm lành mạnh hóa, dân chủ hóa và nhân văn hóa các quan hệ xã hội, các hoạt động xã hội của con người trên các cấp độ tồn tại của nó.

Thực tế cho thấy, sự ra đời, phát triển của các nền dân chủ là quá trình vận động, phát triển theo logic lịch sử - tự nhiên của nó. Mỗi nền dân chủ có nội dung, bản chất, trình độ và hình thức, sắc thái cụ thể vì nó được hình thành, tồn tại và phát triển trong những điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể nhất định. Nền dân chủ là khái niệm phản ánh chỉnh thể xã hội được tổ chức, vận hành theo các nguyên tắc, yêu cầu và chuẩn mực dân chủ nhằm thực thi quyền lực và bảo đảm lợi ích của giai cấp cầm quyền.

Nền dân chủ được hiểu là một chỉnh thể xã hội trong đó các giá trị, chuẩn mực, yêu cầu, các nguyên tắc dân chủ được ghi nhận và thực thi trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội.

Trên lĩnh vực chính trị, bảo đảm các nguyên tắc: tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, mọi quyền lực mà nhà nước có đều do nhân dân ủy quyền; bầu cử tự do, công bằng; hạn chế quyền năng của nhà nước bằng hiến pháp; dân chủ gắn với pháp luật, được bảo đảm bằng nhà nước pháp quyền; nhà nước và mọi hoạt động của nhà nước phải đặt dưới sự kiểm soát của nhân dân và các tổ chức đại diện; bảo đảm quyền tham gia vào công việc nhà nước, xã hội của người dân; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không hình thành các thiết chế tổ chức làm nguy hại tới lợi ích của nhân dân, cản trở sự phát triển lành mạnh của đất nước...

Trên lĩnh vực kinh tế, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, đặt nền kinh tế dưới sự kiểm soát của nhân dân, phục vụ cho nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân; có cơ chế kinh tế trong đó, mọi người được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, người lao động có việc làm hữu ích, được tham gia vào sở hữu, quản lý dưới những hình thức khác nhau và được thụ hưởng thành quả lao động xứng đáng; kết hợp kế hoạch của nhà nước với phát huy mọi tiềm năng kinh tế của người dân, bảo đảm quyền tự chủ, làm chủ của doanh nghiệp và người lao động.

Trên lĩnh vực hội, thiểu số phục tùng đa số nhưng tôn trọng quyền của thiểu số; thống nhất trong tính đa dạng các khuynh hướng xã hội, bảo đảm quyền được bảo vệ về mặt xã hội của mọi công dân; khắc phục sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội, giữa các vùng miền của đất nước; quyền công dân, quyền con người được bảo đảm bằng pháp lý và được thực thi trên thực tế...

Trên lĩnh vực văn hóa, bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do suy nghĩ, tự do tư tưởng trong hoạt động khoa học, sáng tạo nghệ thuật và đời sống tinh thần nói chung trên cơ sở đường lối chính trị chủ đạo và pháp luật của nhà nước; hòa giải, hợp tác, khoan dung, đối thoại trong giải quyết các mâu thuẫn, xung đột xã hội...

Xã hội loài người trong quá trình phát triển không ngừng xây dựng nền dân chủ, hoàn thiện các giá trị dân chủ ngày càng cao. Đây chính là xu thế tất yếu khách quan của sự tiến hóa lịch sử nhân loại. Xây dựng nền dân chủ là việc con người (các cá nhân và tổ chức, trong đó có đảng cầm quyền) trên cơ sở nhận thức các điều kiện khách quan, chủ quan cụ thể để tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm thúc đẩy sự ra đời và phát triển của nền dân chủ trên thực tế. Đó là việc tạo dựng, thiết lập những cơ sở, điều kiện lịch sử cần thiết để thực thi những nguyên tắc, yêu cầu, chuẩn mực dân chủ trong các lĩnh vực đời sống xã hội nhằm bảo đảm quyền lực và lợi ích của giai cấp cầm quyền.

Tạo lập cơ sở, điều kiện cho nền dân chủ đòi hỏi nhiều công phu, nhìn xa trông rộng nhưng cũng rất cụ thể, tỉ mỉ vì như thực tế đã chứng minh, mặc dù dân chủ có sức hấp dẫn lớn đối với nhân loại nhưng thiết lập, tổ chức, vận hành nền dân chủ vẫn phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với nền chuyên chế, độc tài. Việc xây dựng nền dân chủ ở các quốc gia, dân tộc trong những thời đại lịch sử khác nhau với những nội dung, tính chất khác nhau nhưng cũng đòi hỏi cần có những cơ sở, điều kiện chung nhất định. Trong xã hội có giai cấp và nhà nước, nhất là trong lịch sử hiện đại, xây dựng nền dân chủ thường bao gồm:

Thứ nhất, xây dựng điều kiện kinh tế của nền dân chủ và thực hiện dân chủ trong lĩnh vực kinh tế. Trong đó, cốt lõi là xây dựng, phát triển kinh tế thị trường.

Thứ hai, xây dựng điều kiện chính trị của nền dân chủ và thực hiện dân chủ trong lĩnh vực chính trị. Trong đó, cơ bản là xây dựng nhà nước pháp quyền.

Thứ ba, xây dựng điều kiện văn hóa của nền dân chủ và thực hiện dân chủ trong lĩnh vực văn hóa. Trong đó, cốt lõi là phát triển dân trí, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và đa dạng văn hóa.

Thứ tư, xây dựng điều kiện xã hội của nền dân chủ và thực hiện dân chủ trong lĩnh vực xã hội. Trong đó, cơ bản là xây dựng, phát triển xã hội công dân, xã hội dân sự, bảo đảm an sinh xã hội.

Những điều kiện trên đây không phải xây dựng một lần là đủ và nền dân chủ không phải xây dựng một lần là xong. Nền dân chủ hình thành, phát triển là sản phẩm tổng hòa giữa các yếu tố, điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà trong đó, chủ yếu và trước hết là những điều kiện lịch sử tự thân, nội tại. Thực tế lịch sử cho thấy, việc xây dựng nền dân chủ nói chung và việc tạo lập các cơ sở, điều kiện cho nền dân chủ nói riêng thường do một giai cấp, lực lượng chính trị - xã hội nhất định dẫn dắt, định hướng. Do đó, xây dựng nền dân chủ được tiến hành với tốc độ, quy mô, tính chất, lộ trình... và hiệu quả như thế nào lệ thuộc nhiều vào nhận thức, hành động và sự tiến bộ của giai cấp và lực lượng cầm quyền./.


Các tin khác