Vài trao đổi khi soạn và giảng bài 6: “Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1945 - 1975)” phần II.2 - Lịch sử ĐCSVN

Môn học Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam của chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính gồm có chín bài.

Về số lượng bài vẫn giữ nguyên nhưng nội dung từng bài đã được chỉnh sửa và bổ sung mới so với giáo trình cũ; trong đó có ba bài đầu thuộc phần Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và sáu bài sau thuộc phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Riêng bài “Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1945 - 1975)” là bài thứ sáu trong chương trình môn học. Trong quá trình soạn bài này tác giả gặp phải khó khăn như sau:

Thứ nhất, So với chương trình trước đây, bài này được gộp lại từ ba bài: “Đảng lãnh đạo xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng (1945 - 1946)”, “Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (1945 - 1954)”, “Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc và thống miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975)”.

Vì vậy, nội dung bài quá dài, quá nhiều so với thời gian quy định. Bài đi xuyên suốt cả một giai đoạn dài từ 1945 - 1975, có đến ba mốc lịch sử lớn của  dân tộc: xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng (1945 - 1946); kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975) nhưng chỉ trình bày trong thời gian là một ngày. Nếu giảng viên giảng sâu, chi tiết thì không đủ giờ, còn nếu giảng viên chạy đua cho kip thời gian thì sẽ không thể trình bày được hết ý nghĩa và tầm quan trọng, sự sáng tạo và anh hùng của Đảng và nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại nêu trên.

Thứ hai, Đây là giai đoạn lịch sử gắn với hai cuộc kháng chống đế quốc Pháp và Mỹ nên học viên đã ít nhiều được xem phim, được tuyên truyền trên thông tin đại chúng vào mỗi dịp kỷ niệm trong năm. Thế nên, nếu giảng viên không chú ý khái quát và định hướng sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhàm chán, mất hứng thú cho học viên.

Thứ ba, Bài này thật sự khó đối với giảng viên trẻ thiếu kinh nghiệm sống và kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, đối với các giảng viên trẻ được sinh ra trong thời bình, không biết chiến tranh là gì, không biết đến sự ác liệt, hy sinh, mất mát… của chiến tranh; có chăng chỉ được đọc qua sách, báo, phim ảnh - nên khi giảng không tránh khỏi sự lặp lại giáo trình, thiếu thông tin và lý luận một cách khô khan.

Thứ tư, Đối tượng học viên của trường chính trị tỉnh chủ yếu là những người lớn tuổi, có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thực tiễn. Và có một bộ phận không nhỏ học viên từng cầm súng, từng tham gia các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc, nên khi giảng đến bài này thật sự là một áp lực không nhỏ đối với giảng viên.

Từ những khó khăn  đó, bản thân suy nghĩ và mạnh dạn nêu lên một số giải pháp như sau:

Một là, tuy còn bất cập như đã nêu trên, nhưng cũng cần coi giáo trình là khung cơ bản, cần được khai thác về lý luận và tính logic; ngoài ra, giảng viên phải biết chắt lọc những thông tin, những sự kiện mang tính nổi bật - trọng tâm để giảng giãi, phần còn lại giảng viên hướng dẫn cho học viên tự nghiên cứu thêm trong giáo trình.

Hai là, giảng viên cần đào sâu nghiên cứu, tìm tòi những nội dung liên quan đến bài giảng trên sách, báo, tạp chí để tìm những sự kiện, thông tin chính thống bổ sung thêm cho bài giảng phong phú .

Ba là, về sữ dụng phương pháp: không nên sử dụng mỗi phương pháp thuyết trình, mà cần đa dang hóa phương pháp giảng dạy, tăng cường sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, như: phương pháp hỏi đáp, nêu ý kiến… Thông qua việc trao đổi với học viên, giảng viên có thêm cơ hội thu nhận những thông tin từ thực tiễn dể bổ sung cho bài giảng của mình.

Bốn là, về phương tiện dạy học: giảng viên nên sử dụng phương tiện hiện đại như laptop, phông chiếu, máy chiếu projector… khi giảng bài này. Với phương tiện hiện đại, giảng viên có thể đưa hình ảnh, đoạn phim tư liệu về hai cuộc kháng chiến để minh họa làm cho bài giảng đỡ nhàm chán. Hình ảnh, phim, âm thanh, hiệu ứng, bảng biểu, màu sắc… là công cụ trực quan hữu hiệu nhất giúp cho học viên nhớ lâu hơn,  do có sự kết hợp tai nghe, mắt nhìn, tay viết.

Tóm lại, giảng dạy bài “Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1945 -1975)” không chỉ truyền tải những kiến thức lý luận mà rất cần những ví dụ, hình ảnh thực tiễn. Nếu chỉ dừng lại ở kiến thức lý luận, hiệu quả bài giảng đạt được sẽ không cao.

Trên đây là một số vấn đề tôi muốn trao đổi khi nghiên cứu và giảng dạy bài học này. Hy vọng sẽ góp phần nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy môn Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở trường chính trị tỉnh./.


Các tin khác