Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập lý luận chính trị

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng lý luận và việc học tập lý luận của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Người thường xuyên đòi hỏi người lãnh đạo cách mạng, đội ngũ cán bộ và đảng viên phải học tập lý luận, biết vận dụng lý luận trong thực tiễn, không được coi thường lý luận và lý luận suông.

Qua nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập lý luận chính trị, Người đã đưa ra những nội dung sau đây:

- Thứ nhất: Hồ Chí Minh rất coi trọng việc học tập lý luận chính trị; giải thích “vì sao phải học lý luận”, Người chỉ rõ: Trước hết, Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình. Và, để học tập lý luận tốt, Người đã chỉ dẫn một cách cặn kẽ: “Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”[1]

- Thứ hai: Người không chỉ nói rõ mục đích, động cơ học tập lý luận, mà còn chỉ rõ phương pháp học tập đúng đắn, phù hợp với bản chất cách mạng và khoa học của lý luận Mác - Lênin. Theo Người, “không phải học để thuộc lòng từng câu, từng chữ, đem kinh nghiệm của các nước anh em áp dụng một cách máy móc. Nhưng chúng ta phải học chủ nghĩa Mác - Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta”. Rằng, chúng ta “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng… giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta. Như thế chúng ta học tập lý luận là cốt để áp dụng vào thực tế”[2].

- Thứ ba: Bác không những đề cao vai trò, tác dụng của lý luận, coi trọng việc học tập lý luận, mà còn chỉ rõ những yếu kém về lý luận, những cái sai trong học tập lý luận và cách sửa chữa chúng. Người nói: “Trong Đảng ta trình độ lý luận còn thấp kém không ai có thể tự xưng mình là giỏi lý luận. Do đó phải nêu cao tinh thần khiêm tốn, thật thà. Đào sâu suy nghĩ khi nghiên cứu các tác phẩm của Mác - Lênin, các bài giảng của các đồng chí giáo sư bạn, khiêm tốn học tập các đồng chí giáo sư bạn, cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập. Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được”[3].

Thứ tư: Người đã chỉ thẳng những căn bệnh và những nguyên nhân của một số bệnh do kém lý luận, thiếu lý luận, lý luận suông, khinh thường lý luận mà tạo thành bệnh. Người chỉ rõ: Nguyên nhân của căn bệnh chủ quan là do “kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông… Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại…”.

Thứ năm: Người cho rằng, trong Đảng ta có những cán bộ, những đảng viên làm được việc, có kinh nghiệm và đó là những người rất cần cho Đảng, nhưng họ thường mắc phải cái bệnh “khinh lý luận” khi quên rằng, có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều; kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng đó chẳng qua chỉ là từng bộ phận, chỉ thiên về một mặt mà thôi. “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”. Với những người này, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, cần phải nghiên cứu thêm lý luận, mới có thể trở thành “người cán bộ hoàn toàn”; đồng thời cảnh tỉnh cho họ biết rằng, đọc nhiều sách, siêng đọc sách là một việc đáng quý, nhưng như thế chưa phải là đã biết lý luận, đọc nhiều sách để lòe thiên hạ, để chứng tỏ mình không phải là biết lý luận, người biết lý luận cần phải ra sức thực hành lý luận đó. Người nhấn mạnh rằng: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông… Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành[4].          

Hiện nay, đất nước ta đang hội nhập và phát triển; mặt khác, những biến đổi trên thế giới và trong khu vực ngày càng phức tạp, nhanh chóng, khó lường, những vấn đề mới đặt ra ngày càng nhiều, đòi hỏi phải làm sáng tỏ để tìm ra giải đáp đúng đắn. Thiết nghĩ, nghiên cứu tư tưởng của Bác về công tác lý luận, việc học lý luận càng trở nên đặc biệt quan trọng. Bênh cạnh đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng, ra sức tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm làm cho chúng ta đi chệch hướng, việc đấu tranh để bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành những nhiệm vụ hàng đầu trong công tác lý luận. Giáo dục lý luận, học tập lý luận, truyền bá lý luận càng trở nên bức thiết nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nắm vững lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, nâng cao phẩm chất cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn, hướng dẫn họ vận dụng những hiểu biết ấy vào cuộc sống sôi động hiện nay. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập lý luận chính là cái soi đường cho chúng ta đi./.

 


[1] Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr. 497.

[2] Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr. 497.

[3] Hồ Chí Minh. Sđd., t. 8, tr.499.

[4] Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr. 234 - 235.

 


Các tin khác