Đạo đức công vụ được hiểu là đạo đức trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, là những giá trị và chuẩn mực đạo đức được áp dụng cho một nhóm người nhất định trong xã hội, cụ thể là cán bộ, công chức trong lĩnh vực hoạt động công vụ. Đạo đức công vụ là một phạm trù tương đối rộng, bao hàm đạo đức, lối sống, cách xử sự của cán bộ, công chức không chỉ trong các mối quan hệ xã hội thông thường mà còn trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ công, đó là trong giao dịch hành chính với tổ chức, công dân. Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ở nước ta được xây dựng trên nền tảng Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhân dân là chủ và cán bộ, công chức là công bộc của Nhân dân và cái giá trị cốt lõi của đạo đức công vụ chính là đề cao trách nhiệm phục vụ và đảm bảo lợi ích cho nhân dân.
Vấn đề xây dựng đạo đức con người, đạo đức cán bộ, công chức đặc biệt là đạo đức của người cán bộ, đảng viên là quan trọng với mọi thời đại. Chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã luôn chú ý đào tạo bộ phận người làm nhiệm vụ Nhân dân. Ngay từ năm 1950, trong điều kiện khó khăn, gian khổ của công cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam. Với văn bản này có thể nói, đây là lần đầu tiên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành một hệ thống các quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng đội ngũ công chức cách mạng Việt Nam. Với cán bộ, đảng viên Bác luôn nhấn mạnh phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, trau dồi quan điểm và thái độ đúng đắn đối với quần chúng, tôn trọng, có mối quan hệ mật thiết với quần chúng.
Tại Đại hội XII của Đảng, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức là điểm mới, điểm nhấn quan trọng được bổ sung và khẳng định. Nếu như các kỳ Đại hội trước xác định Đảng trong sạch, vững mạnh về “chính trị, tư tưởng và tổ chức” thì Đại hội XII đưa “đạo đức” cùng với “chính trị, tư tưởng và tổ chức” cấu thành mục tiêu xây dựng Đảng, bởi tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn đang tồn tại, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ có những diễn biến phức tạp, và Nghị quyết trung ương 4, khóa XII cũng chỉ rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở... Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái”.
Tiến tới xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chuẩn mực đạo đức công vụ đáp ứng tình hình mới, yêu cầu phục vụ nhân dân, một phần góp phần xây dựng Đảng về đạo đức, theo tôi nên chú trọng những vấn đề sau:
Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đạo đức công vụ, đặc biệt chú trọng ban hành Luật Đạo đức công vụ trên cơ sở các quy định đã có về đạo đức cán bộ, công chức trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bằng cách thực hiện tốt dân chủ cơ sở nhằm tạo điều kiện để cán bộ, công chức cùng giám sát lẫn nhau và nhân dân giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, công chức.
Thứ ba, đổi mới, cải cách công tác quản lý cán bộ, công chức từ tất cả các khâu tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ…
Thứ tư, trong xây dựng đạo đức công vụ cần phải kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh vì đây là tư tưởng nền tảng quan trọng cho mọi cán bộ, đảng viên.
Như vậy, có thể nói lực lượng Đảng viên luôn đóng vai trò quan trọng trong đội ngũ cán bộ, công chức, bởi chúng ta thường nghe nói Đảng viên được nhắc đến qua câu nói “ Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để chỉ về tính xung kích, tiên phong, gương mẫu của người Đảng viên, dám đi trước, dám làm việc khó và chịu trách nhiệm về việc của mình, nêu gương cho quần chúng. Do đó trong hoạt động công vụ người Đảng viên cần phải chú trọng xây dựng đạo đức trong công việc để một phần góp vào xây dựng Đảng về đạo đức./.