Câu lạc bộ Trí thức tỉnh Bình Thuận là tổ chức tự nguyện của những người trí thức (trình độ từ đại học trở lên) có cùng tâm huyết tham gia trong các lĩnh vực quản lý, nghiên cứu, giáo dục - đào tạo, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, số lượng thành viên của câu lạc bộ là 106 hội viên/27 nữ (tăng 21 hội viên so với đầu nhiệm kỳ); trong đó, hội viên có trình độ tiến sĩ và tương đương là 10 người, thạc sĩ và tương đương là 52 người, đại học là 44 người. Trụ sở hoạt động của Câu lạc bộ đặt tại văn phòng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Tính đến nay, Câu lạc bộ đã hoạt động được 2 nhiệm kỳ.
Trong nhiệm kỳ II (2012-2017), hoạt động chuyên môn của Câu lạc bộ được duy trì với các hình thức tương đối đa dạng như: tuyên truyền; tư vấn, giám định, phản biện xã hội; tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ… Đáng chú ý, hàng năm, Câu lạc bộ đã phối hợp với Liên hiện các Hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức buổi họp mặt đầu năm giữa Bí thư Tỉnh ủy với đội ngũ trí thức trong tỉnh nhằm nắm bắt các thông tin liên quan của tỉnh trong việc phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của đội ngũ trí thức về kế hoạch phát triển chung của địa phương. Đây là cơ hội tốt để đội ngũ trí thức góp ý kiến quan trọng vì sự nghiệp phát triển chung của địa phương để lãnh đạo tỉnh lắng nghe, tiếp thu. Bên cạnh đó, trong các buổi sinh hoạt định kỳ hàng quý, Câu lạc bộ luôn tìm kiếm, chọn lọc các chủ đề nóng, bức xúc, được nhiều người quan tâm để tổ chức tọa đàm như các chủ đề về giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch…
Hoạt động tư vấn, giám định, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Câu lạc bộ nhằm mục đích phản ánh các ý kiến trung thực, khách quan, khoa học của đội ngũ trí thức vào việc xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ qua, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã giới thiệu gần 50 nhà khoa học đầu ngành của địa phương có nhiều kinh nghiệm để tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho 22 đề án quy hoạch; trong đó có các đề án quan trọng như: Đề án Trung tâm chế biến sa khoáng titan tỉnh Bình Thuận, Đề án Trung tâm năng lượng tỉnh Bình Thuận, Đề án Trung tâm du lịch-thể thao biển mang tầm quốc gia tại tỉnh Bình Thuận…Thông qua các báo cáo tư vấn, phản biện, giám định xã hội này của đội ngũ trí thức đã nâng cao chất lượng các đề án, đóng góp cho các cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai các đề án hiệu quả hơn.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, hội viên của Câu lạc bộ đã chủ trì, tham gia thực hiện 8 đề tài, dự án cấp tỉnh trở lên; trong đó có nhiều đề tài ứng dụng đem lại hiệu quả thiết thực như: xây dựng mô hình nuôi dông sinh sản Khu Lê huyện Bắc Bình; tiếp nhận công nghệ và xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm sinh học Ometar phòng trừ rầy nâu lúa tại nông hộ tỉnh Bình Thuận; xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trên nền than bùn và phụ phẩm nông nghiệp tại tỉnh Bình Thuận; ứng dụng công nghệ thu trữ nước mưa, xây dựng mô hình nông-lâm nghiệp kết hợp thủy lợi tại vùng đất khô hạn ven biển Bình Thuận… Song song với việc thực hiện các đề tài, dự án, việc phổ biến và chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức hội thảo khoa học trên các lĩnh vực nhằm phát huy tính sáng tạo của đội ngũ trí thức cũng được chú ý. Trong nhiệm kỳ, đã có 54 hội thảo khoa học được tổ chức, tập trung trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, y tế, công thương với nhiều đề tài thiết thực như “Giải pháp an toàn, tiết kiệm điện nâng cao hiệu quả trong sản xuất thanh long”, “Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp cho phát triển điện gió tại Bình Thuận”, “Nghiên cứu tình hình lây nhiễm viêm gan B, C và đột quỵ ở người lớn tại Bình Thuận”… Nhìn chung, công tác hội thảo và chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của đội ngũ trí thức gắn với chủ trương của các ngành và ngày càng đi vào chất lượng của công tác chuyển giao, chú ý đến các vấn đề bức xúc, đòi hỏi của người sản xuất.
Có thể nói trong nhiệm kỳ 2012-2017, hoạt động của Câu lạc bộ trí thức đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nguyên nhân đạt được kết quả trên là do Câu lạc bộ luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo tỉnh; sự tâm huyết của các thành viên trong Ban Chủ nhiệm; đồng thời, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo, cán bộ, viên chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Câu lạc bộ hoạt động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Câu lạc bộ vẫn còn khá nhiều hạn chế như một số hội viên không tham gia sinh hoạt chuyên đề theo định kỳ mà không có lý do chính đáng; quy mô sinh hoạt của Câu lạc bộ còn hẹp, mới chỉ dừng lại tại địa bàn Phan Thiết mà chưa mở rộng về các huyện, thị xã trong tỉnh; chưa thành lập được các nhóm có cùng sở trường, sở thích để nghiên cứu khoa học nhằm phát huy năng lực, trí tuệ của các hội viên. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do Câu lạc bộ thiếu kinh phí hoạt động, nội dung và phương thức sinh hoạt đôi lúc chưa thật phù hợp với hội viên; mặt khác, đa số hội viên là cán bộ, viên chức đương chức nên thời gian đầu tư cho hoạt động của Câu lạc bộ chưa thật sự thỏa đáng.
Chính vì vậy, tại Đại hội Câu lạc bộ Trí thức nhiệm kỳ III (2017-2022) tổ chức ngày 29/9/2017, nhiều ý kiến của đại biểu đã góp ý xoay quanh việc kiến nghị các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ như cần có sự đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động của Câu lạc bộ sao cho thu hút sự tham gia của nhiều hội viên; mở rộng địa bàn hoạt động nhằm kết nạp thêm nhiều trí thức trên các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn tỉnh vào Câu lạc bộ; thành lập các tổ, nhóm có cùng sở trường, chuyên môn để thuận tiện cho hoạt động. Đặc biệt, phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức trong công tác giám định, phản biện xã hội để đóng góp những ý kiến có giá trị trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà. Hy vọng rằng, trong thời gian đến, dưới sự lãnh đạo của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiệm kỳ III, hoạt động của Câu lạc bộ Trí thức tỉnh Bình Thuận sẽ có thêm nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới của địa phương và xứng đáng là tổ chức của đội ngũ trí thức - lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước./.