Vận dụng NQ số 12-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XII về “tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” ở tỉnh Bình Thuận

Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá IX về "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước" và các chủ trương của Đảng về doanh nghiệp nhà nước. Đến nay, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, số lượng doanh nghiệp nhà nước đã được thu gọn hơn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt; Cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đã có bước đổi mới theo hướng tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch hơn; Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của một số doanh nghiệp nhà nước được nâng lên.

Để tiếp tục đảm nhận vai trò là lực lượng nòng cốt, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Đến nay, ở các địa phương của cả nước, trong đó có tỉnh Bình Thuận đã quán triệt sâu kỹ Nghị quyết số 12-NQ/TW và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh. Vậy thì, các cấp, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã vận dụng Nghị quyết số 12-NQ/TW trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước ở tỉnh Bình Thuận trong thời gian sắp tới như thế nào?

Thực trạng việc tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước ở tỉnh Bình Thuận

Về cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước: Tại tỉnh Bình Thuận, hầu hết 100% doanh nghiệp vốn nhà nước được tỉnh phê duyệt đề án tái cơ cấu không đầu tư vốn ra ngoài ngành, hoặc thua lỗ kéo dài phải xử lý các tồn tại về tài chính, do đó thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp ở địa phương chủ yếu tập trung vào xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 08 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đối với 05 doanh nghiệp, các doanh nghiệp này chủ yếu là Công ty THHH Một thành viên: Xổ số kiến thiết Bình Thuận; Công trình giao thông Bình Thuận; Lâm nghiệp Hàm Tân; Lâm nghiệp Bình Thuận và Khai thác công trình thủy lợi. Thực hiện cổ phần hóa được 02 doanh nghiệp là Công ty THHH Một thành viên Công trình giao thông Bình Thuận và Công ty THHH Một thành viên Công trình đô thị Phan Thiết. Thoái vốn đối với 01 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận. Bước sang gia đoạn 2015 – 2017, sẽ sắp xếp đổi mới 4 Công ty TNHH Một thành viên theo Nghị định 118/2014 của Chính phủ: Lâm nghiệp Sông Dinh, Lâm nghiệp Tánh Linh, Lâm nghiệp Hàm Tân, Lâm nghiệp Bình Thuận. Công ty Lâm nghiệp Hàm Tân và Lâm nghiệp Bình Thuận sẽ được hợp nhất vào ngôi nhà chung, thành Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận. Lâm nghiệp Sông Dinh sẽ được duy trì để hoạt động công ích và sẽ giải thể Lâm nghiệp Tánh Linh. 

Về nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Trong thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước tại tỉnh Bình Thuận cũng đã phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc gia về quản trị doanh nghiệp; nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước; nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất đạt mức độ tiên tiến tương đương với các tỉnh trong nước.

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, nâng cao chất lượng doanh nghiệp nhà nước vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục như: Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm; thông tin hoạt động về các doanh nghiệp nhà nước chưa được minh bạch; cơ chế, chính sách chưa ban hành kịp thời; năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước còn yếu; thiếu nguồn tài chính để thực hiện tái cơ cấu; trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất còn thấp so với mặt bằng chung của các tỉnh trong nước;…

Vì vậy, để khắc phục các hạn chế nêu trên, các cấp, các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp.

Căn cứ vào tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và phân loại các doanh nghiệp nhà nước, trên cơ sở đó lập Đề án sắp xếp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.

Thực hiện các quy định của Nhà nước về xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần, thoái vốn Nhà nước.

Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính, công nghệ và quản trị tham gia mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Giải quyết tốt việc sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ; đào tạo, chuyển đổi nghề và xử lý lao động dôi dư.

Thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có phần vốn của Nhà nước theo quy định.

Thứ hai, thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước thật sự vận hành theo cơ chế thị trường.

Doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội do Nhà nước giao theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, lựa chọn cạnh tranh, công khai và xác định rõ giá thành, chi phí thực hiện,… để đảm bảo không làm giảm hiệu quả kinh doanh.

Xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận các nguồn lực.

Thứ ba, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Các doanh nghiệp nhà nước áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc gia và từng bước phù hợp với chuẩn mực quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, phẩm chất đạo đức của cán bộ.

Kiên quyết đấu tranh và thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tình trạng tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chức danh quản lý trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp nhà nước.

Thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao độn và người quản lý doanh nghiệp nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường.

Thực hiện tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức.

Bảo đảm tính minh bạch, công khai của doanh nghiệp nhà nước và trách nhiệm giải trình của người quản lý doanh nghiệp về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn,…

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.

Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.

Áp dụng hệ thống giám sát, tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp nhà nước và người đại diện chủ sở hữu cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường.

Thứ năm, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp tại doanh nghiệp nhà nước.

Nâng cao hiệu quả và vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng tại doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo tồn và phát triển vốn của Nhà nước, công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát; Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của Đảng với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác tổ chức và cán bộ.

Lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc, tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội về quan điểm, mục tiêu, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.

Việc triển khai đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII chắc chắn sẽ tạo đột phá lớn cho công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới./.


Các tin khác