Những lợi ích từ năng lượng mặt trời đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Ngày nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục đích là phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được áp dụng hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế đòi hỏi phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố cần thiết cho sự phát triển như yếu tố về công nghệ, nhân lực, cơ sở hạ tầng… Trong đó, phải nhắc đến sự quan trọng của yếu tố năng lượng.

Cuộc khủng hoảng về năng lượng những năm 1973-1974 và 1979-1980 và gần đây nhất là sự bất ổn ở các khu vực chiến lược về năng lượng của thế giới xảy ra ở các nước vùng Trung Đông, Trung Á, Mỹ La-tinh, châu Phi và các đại dương, đã gây ảnh hưởng toàn cầu[1]. Các khủng hoảng năng lượng đã tác động mạnh mẽ đến các nước nhập năng lượng, trong đó các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang ngày một tăng cao. Theo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, dự kiến sản lượng điện cần đạt đến mức 194-210 tỷ kWh trong năm 2015, 330-362 tỉ kWh năm 2020 và 695-834 tỉ kWh trong năm 2030[2].

Vì vậy, bên cạnh các nguồn năng lượng hóa thạch chủ yếu hiện nay mà chúng ta đang sử dụng như: than đá, dầu mỏ, khí đốt là những nguồn năng lượng không tái sinh và sẽ cạn kiệt trong tương lai không xa bởi việc tận thu như hiện nay thì chúng ta cần phải phát triển nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong thời gian tới. Các dạng nguồn năng lượng tái tạo có thể kể đến như năng lượng từ: mặt trời, gió, sinh khối, địa nhiệt, thủy triều,…

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều dự án lớn đã được Chính phủ cũng như một số chính quyền địa phương chấp thuận đầu tư xây dựng những công trình có thể sản xuất ra năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế. Một số công trình kể tới (trừ thủy điện): tại tỉnh Quảng Ninh, dự án pin mặt trời trên huyện đảo Cô Tô với tổng công suất lắp đặt là 15kWp; Dự án phong điện tại huyện Tuy Phong, huyện Phú Quý tỉnh Bình Thuận đã hòa mạng lưới điện quốc gia giai đoạn 1 gồm 20 trụ điện gió có tổng công suất đạt 30MW; Nhà máy Điện gió Bạc Liêu chiểm tổng diện tích khoảng 1.300 ha. Tính từ tháng 5/2013 đến thời điểm khánh thành vào tháng 1/2016, tổng sản lượng là 130 triệu KWh điện…

Gần đây nhất, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vừa diễn ra ngày 19/4/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định và tiếp nhận cam kết đầu tư của gần 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các lĩnh vực tiềm năng. Trong đó, số lượng dự án sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo chiếm áp đảo và có vốn đầu tư dự kiến khoảng 94.150 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại huyện Tuy Phong và huyện Hàm Tân. Nổi bật trong số này là dự án nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự án nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1 của liên doanh nhà đầu tư Pháp - Nhật Bản[3].

Với các dự án sản xuất điện mặt trời đã được thực hiện tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, đã chứng minh được lợi ích cũng như hiệu quả mang lại. Các lợi ích như sau:

Một là, việc sản xuất nguồn năng lượng tái tạo này (năng lượng mặt trời) đã tạo một bước ngoặt lớn trong việc tạo ra được nguồn năng lượng mới, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống, năng lượng hóa thạch. Bên cạnh đó, sẽ hạn chế việc gây tác động xấu tới môi trường từ việc khai thác nguyên nhiên liệu hóa thạch phục vụ cho sản xuất năng lượng.

Hai là, quá trình sản xuất năng lượng truyền thống, năng lượng hóa thạch sẽ làm gia tăng sự biến đổi khí hậu toàn cầu, sự nóng lên của trái đất và phát thải khí CO2, gây ra nhiều thảm họa thiên tai…nhưng với quá trình sản xuất điện từ năng lượng mặt trời không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, không gây thảm họa thiên tai, tuy nhiên quá trình vận chuyển, lắp đặt hệ thống, bảo trì… có phát sinh khí CO2 nhưng khối lượng này không đáng kể. Song song đó là địa điểm để thực hiện rất linh hoạt, chẳng hạn: với việc tận dụng những diện tích đất trống, khó sử dụng cho canh tác nông nghiệp hay vùng đất bị suy thoái do bạc màu, đất khai thác bỏ hoang…hoặc các tòa nhà có mái rộng, mái sân vận động… để phục vụ cho sản xuất điện mặt trời.

Ba là, việc xây dựng các nhà máy sản xuất điện mặt trời sẽ giảm đáng kể chi phí đầu tư hạ tầng ở vùng cao, vùng xa, vùng hải đảo… do có địa điểm linh hoạt nên một số nhà máy điện mặt trời triển khai lắp đặt hệ thống tại các vùng đồi núi cao và phát điện cho các ngôi nhà thuộc khu vực đồi núi, vùng sâu, vùng xa. Hoặc triển khai lắp đặt trực tiếp trên các quần đảo có đông dân cư như đảo Cô Tô tại tỉnh Quảng Ninh…Ngoài ra các thiết bị phục vụ sản xuất điện cũng dễ dàng được bảo dưỡng và vận hành đơn giản. So với các nguồn điện được sản xuất từ các nguồn hóa thạch hay truyền thống thì điện mặt trời sẽ ổn định nguồn cung hơn.

Bốn là, việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên các tòa nhà cao tầng, mái sân vận động… với mục đích là tạo ra nguồn điện. Hiện nay một số nhà đầu tư còn nâng cao tính thẩm mỹ và giá trí cho các công trình kiến trúc, xây dựng; bên cạnh đó còn giảm thiểu việc tiêu tốn năng lượng cho các tòa nhà; thay thế các loại vật liệu chống nóng, lợp mái, hoặc kính chống nắng cho các công trình kiến trúc…

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, là một nằm trong những khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Vì vậy, nước ta có tiềm năng về năng lượng mặt trời. Đây cũng được cho là giải pháp tối ưu nhất trong việc tào ra nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển đất nước sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lược cụ thể về phát triển năng lượng tái tạo, xem việc phát triển năng lượng là một trong những chiến lược phát triển bền vững (kinh tế - xã hội - môi trường); phải xây dựng chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm về năng lượng tái tạo, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án năng lượng trong đó có điện mặt trời, chỉnh sửa giá điện hợp lý; tăng cường đầu tư nghiên cứu đưa vào các dự án sản xuất điện mặt trời có năng suất và quy mô chất lượng cao, công nghệ tiên tiến trên thế giới hiện nay, đáp ứng điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tóm lại, việc sản xuất nguồn năng lượng từ mặt trời cho thấy tiềm năng lợi ích của chúng đã và đang đáp ứng sự cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Đòi hỏi chúng ta cần phải có những hướng đi phù hợp trong sản xuất và phát triển nguồn năng lượng tái tạo này./.

 


[1]http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2008/1284/Khung-hoang-nang-luong-toan-cau-va-lua-chon-cua-nhan-loai.aspx

[2]http://nangluongvietnam.vn/news/vn/dien-hat-nhan-nang-luong-tai-tao/tam-nhin-viet-nam-ve-tuong-lai-nang-luong-tai-tao.html

[3] http://www.evn.com.vn/d6/news/94000-ty-dong-dau-tu-cho-nang-luong-sach-Binh-Thuan-6-17-19863.aspx


Các tin khác