Cách mạng tháng Mười Nga và sự phát triển của phong trào cách mạng vô sản thế giới đã tác động mạnh mẽ đến sự lựa chọn con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920, sau khi đọc bản “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đã tin theo Quốc tế Cộng sản, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và tích cực để truyền bá tư tưởng Mác-Lênin vào Việt Nam mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Ngày 3/2/1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam ra đời, đưa ra cương lĩnh, đường lối, chiến lược lãnh đạo phong trào cách mạng. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo và thành công bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Sự nghiệp cách mạng Việt Nam từ mốc son lịch sử 1945 tiếp tục vận động theo con đường và lý tưởng mục tiêu của Cách mạng Tháng Mười Nga. Ðó là con đường cách mạng nhằm bảo vệ độc lập, tự do và mang lại hạnh phúc cho quần chúng lao động; là con đường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc; là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những mốc son trên con đường cách mạng của Việt Nam là sự nối tiếp hào hùng của Cách mạng Tháng Mười Nga, góp phần tạo nên tiến trình vùng lên đấu tranh của các dân tộc bị áp bức vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa to lớn đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng chủ nghĩa xã hội, với thành tựu 30 năm đổi mới là minh chứng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và quyết tâm cao của toàn thể dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hướng đến mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hiện nay, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Có được những thành tựu trên là do Đảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực thực hiện. Đảng ta đã phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhận thức, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời nhạy bén, sáng tạo, kịp thời đưa ra những chủ trương, quyết sách phù hợp cho từng giai đoạn cách mạng, khi tình hình thế giới và trong nước thay đổi. Đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đường lối đổi mới. Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta được bạn bè quốc tế ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, khuyết điểm cần tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn có một số vấn đề phải qua tổng kết thực tiễn để tiếp tục làm rõ.
Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Những năm gần đây, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, phục hồi chậm. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Trên một số mặt, một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới. Năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ. Bốn nguy cơ mà Đảng ta nêu ra vẫn còn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như nguy cơ "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới tinh vi và thâm độc chống phá nước ta và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút.
Để phát huy thành tựu 30 năm đổi mới và khắc phục những hạn chế trên, để tiếp tục vững bước tiến lên chủ nghĩa, phát huy tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Mười Nga, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta cần chú ý các bài học sau:
Thứ nhất, trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.
Hai là, đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Ba là, đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; phải tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra.
Bốn là, phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Năm là, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân.
Một trăm năm trôi qua, với những giá trị xuyên thời đại, Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn khẳng định được sức sống trường tồn của mình. Ðối với Ðảng và nhân dân Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi là động lực, là ánh sáng soi đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn./.