Cách Mạng Tháng mười Nga - ngọn đuốc soi đường cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam

Đầu thế kỉ XX, Nga vẫn là một nước quân chủ chuyên chế, đứng đầu là Nga hoàng. Chính chế độ này đã đẩy nhân dân Nga vào cuộc chiến tranh đế quốc, nền kinh tế của Nga trở nên lạc hậu, kiệt quệ, đời sống của người dân vô cùng cực khổ, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. 

Từ đó, phong trào phản đối chiến tranh đòi lật đổ Nga hoàng diễn ra khắp nơi và nhanh chóng chuyển từ tổng bãi công chính trị sang khởi nghĩa vũ trang. Đến ngày 23/02/1917, cách mạng bùng nổ bằng cuộc biểu tình của 9 vạn nữ công nhân ở Pêtrograt. Tham gia vào cuộc cách mạng này là công nhân, binh lính, nông dân do Đảng Bônsêvich lãnh đạo. Chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng bị lật đổ, chính quyền Xô viết - đại biểu của công nhân, nông dân và binh lính được thành lập. Nhưng tính chất của cuộc cách mạng tháng 2/1917 ở Nga là cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới.

Cùng thời gian này, giai cấp tư sản cũng thành lập Chính phủ lâm thời. Như vậy, sau Cách mạng tháng Hai, Nga tồn tại 2 chính quyền song song là chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và chính quyền Xô viết của giai cấp công nhân, nông dân và binh lính. Trước tình hình đó Lênin và Đảng Bônsêvich đã xác định cách mạng Nga là chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, tức là phải lật đổ chính quyền tư sản lâm thời, chấm dứt tình cảnh một nước tồn tại 02 chính quyền. Đầu tháng 10/1917, không khí cách mạng bao trùm cả nước, Lênin từ Thụy Sỹ đã về nước trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Ngày 07/11/1917 (tức ngày 25/10/1917 theo lịch cũ, lịch Julius của Nga), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga đã thành công rực rỡ, lập ra nhà nước XHCN công - nông đầu tiên trên thế giới.

Ngay sau khi chính quyền Xô viết được thành lập đã đề ra chính sách: Đập tan bộ máy Nhà nước cũ, xây dựng bộ máy Nhà nước mới với “Sắc lệnh hòa bình” lên án cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa và “Sắc lệnh ruộng đất” nhằm giải quyết ruộng đất cho nông dân; xoá bỏ đẳng cấp và đặc quyền của giáo hội; thực hiện nam nữ bình quyền, các dân tộc có quyền bình đẳng và quyền tự quyết; thành lập Hồng quân để bảo vệ chính quyền cách mạng; quốc hữu hóa các nhà máy xí nghiệp của giai cấp tư sản, thành lập Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao để xây dựng nền kinh tế XHCN. Với những chính sách này, chính quyền Xô viết đã đem lại lợi ích và bảo vệ lợi ích cho nhân dân lao động, thể hiện tính ưu việt tiến bộ của một chính quyền mới, chính quyền của dân, do dân, vì dân, khác hẳn và đối lập với những chính quyền cũ của giai cấp phong kiến, tư sản ở nước Nga.

Đất nước Nga Xô viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản so với thời Sa hoàng, đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hoá, y tế, giáo dục... trở thành một cường quốc thế giới, là trụ cột của hệ thống XHCN, là lực lượng chủ yếu đánh tan phátxít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phátxít. Thành quả của cách mạng Tháng Mười Nga, cổ vũ mạnh mẽ các tầng lớp đang bị nô dịch trên toàn thế giới đứng lên tự giải phóng mình khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, đế quốc.

Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm cho CNXH từ lý luận đã trở thành hiện thực. Đó là sự thể nghiệm thắng lợi chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn. Cuộc cách mạng này có tác động rất lớn đến sự phát triển của cách mạng thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Làm thay đổi cục diện thế giới, Quốc tế thứ ba được thành lập vào đầu năm 1919, đánh dấu sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với khuynh hướng cơ hội hữu khuynh và chủ nghĩa sôvanh của Quốc tế thứ hai. Với Cách mạng Tháng Mười Nga, lần đầu tiên trong lịch sử, quyền tự quyết của các dân tộc được thực hiện, quần chúng lao động được giải phóng khỏi mọi áp bức bóc lột, đưa họ từ thân phận người nô lệ làm thuê lên địa vị người chủ chân chính của xã hội. Đồng thời, mở đường cho Chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới và đã để lại những bài học kinh nghiệm vô giá cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ đó, nhiều quốc gia, dân tộc đã lựa chọn con đường đi lên CNXH, trong đó có dân tộc Việt Nam.

Khi nhân dân Nga tiến hành cách mạng vô sản thành công vào năm 1917, nhân dân Việt Nam vẫn đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Vào năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Đứng trước tình cảnh nhân dân phải chịu ách thống trị của bọn thực dân Pháp áp đặt chính sách cai trị thực dân, tước bỏ quyền lực đối nội và đối ngoại của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, các nhà yêu nước theo nhiều khuynh hướng khác nhau, nhân dân ta đã liên tiếp đứng lên đấu tranh chống lại kẻ xâm lược. Song các phong trào yêu nước theo đường lối phong kiến hoặc theo khuynh hướng tư sản ở Việt Nam lúc này đều thất bại. Đồng thời, đã có một số sĩ phu yêu nước cũng đã ra đi tìm đường cứu nước (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh), tuy nhiên, chưa có ai tìm ra con đường cứu nước đúng đắn vì không đáp ứng được nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân lao động, con đường họ lựa chọn không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và lịch sử Việt Nam.

Trước tình cảnh của đất nước, năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước - Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay), rời quê hương ra đi tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc. Người đã tìm đến nước Pháp, Mỹ, Anh để tìm hiểu cuộc cách mạng tư sản ở các nước này. Người nhận thấy, cách mạng tư sản là cuộc cách mạng không triệt để, đời sống của người dân lao động chưa được giải phóng thật sự. Chủ nghĩa tư bản, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong giải quyết các vấn đề về xã hội, bản chất của chế độ áp bức bóc lột không thay đổi. Công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nước ta nếu đi theo cách mạng tư sản thì sẽ không được giải quyết một cách triệt để.

Sau hơn 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước, đến năm 1917, trước sự thành công rực rỡ của Cách mạng Tháng mười Nga như một ngọn đuốc sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng tìm hiểu về cuộc cách mạng này. Đồng thời, tháng 7/1920, Người đã tình cờ đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước và giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[1]. Qua những trải nghiệm thực tiễn và nhãn quan chính trị thiên tài, bằng phân tích đánh giá khoa học, khi đánh giá về vai trò, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[2]. Đồng thời, Người cho rằng: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[3]. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến chân lý về con đường giải phóng của Việt Nam, theo Người, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại. Chỉ có CNXH mới giải phóng triệt để GCVS và nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công và đưa nhân dân lao động trở thành người làm chủ xã hội.

Từ bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, theo Nguyễn Ái Quốc muốn thực hiện cuộc cách mạng thành công: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[4]. Đồng thời, Người nêu cao chân lý: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công. Do đó, cần vận động tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng chính nghĩa của dân tộc.

Thực hiện chân lý ấy, ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc rời nước Nga đến Quảng Châu (Trung Quốc), Người bắt đầu xây dựng những cơ sở ban đầu cho sự ra đời của một chính đảng kiểu mới ở Việt Nam theo nguyên tắc Mácxít - Lêninnít. Người tuyên truyền lý luận Mác - Lênin vào giai cấp công nhân và các tầng lớp trí thức yêu nước. Đến ngày 03/02/1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam, là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, Người chủ trương và dành nhiều tâm lực để xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, để huy động sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận dân tộc thống nhất tập hợp rộng rãi các tầng lớp xã hội, các giới đồng bào, các dân tộc và tôn giáo,… Người coi công, nông là gốc của cách mạng và các tầng lớp xã hội khác như học sinh, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức là bầu bạn của công, nông.

Sau 15 năm được thành lập và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị mọi mặt cho cách mạng, đầu tháng 8/1945, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị cho nhiều cán bộ cấp cao ở Tân Trào cần tranh thủ thời gian từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội, Người quyết định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[5]. Với quyết tâm đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng do Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo, cả dân tộc Việt Nam đã vùng dậy chớp thời cơ làm nên thắng lợi trọn vẹn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phá tan xiềng xích nô lệ, thiết lập chính quyền công - nông trên phạm vi cả nước, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đi theo con đường cách mạng đó, Đảng đã lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, viết nên bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện trọn vẹn lời Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, làm nên khúc tráng ca khải hoàn Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Lào, Campuchia góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

Trong công cuộc cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta trong thời gian qua, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước giữ vững ổn định chính trị - xã hội; dân chủ được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, tạo ra động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ một nước đói nghèo, thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực thì nay kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới và còn xuất khẩu nhiều mặt hàng lương thực khác; đời sống của nhân dân đã cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo đói giảm nhanh; chỉ số phát triển con người cải thiện trên 30 bậc, đem lại sinh lực, sức sống mới cho sự nghiệp đổi mới. Việt Nam từ một nước bị bao vây cấm vận, đã bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao với 178 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và các tổ chức quốc tế hàng đầu; đồng thời phát triển quan hệ đa phương, đa dạng với các đối tác nước ngoài theo tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Với những thành tựu trên, đối với dân tộc Việt Nam, thành công của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị, vẫn mại trường tồn và mãi mãi vẫn là ngọn đuốc sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam tiến tới thực hiện thành công mục tiêu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) mà Đảng ta đã xác đinh: Xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập:  Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.562.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập: Tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 387.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập:  Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 304.

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập: Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 289.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 7, tr. 421- 422.


Các tin khác