Học thuyết xây dựng đảng kiểu mới của V.I.Lênin với thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga và nhà nước kiểu mới

Thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của một đảng mácxít kiểu mới của giai cấp công nhân do V.I.Lênin sang lập.

Với việc Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và sự thành lập Nhà nước Xô viết, lịch sử thế giới lần đầu tiên xuất hiện một kiểu nhà nước mới, cùng những chính sách hướng đến lợi ích của người lao động và công bằng xã hội, quyền bình đẳng của phụ nữ, cấm phân biệt chủng tộc, quyền làm việc 8 giờ/ngày, cấm phân biệt chủng tộc, chống sa thải người lao đông vô cớ, trợ cấp cho người già và người tàn tật, giáo dục và y tế miễn phí…Đây là những chính sách mà các nước phương Tây cùng thời kỳ chưa hề có. Sự ra đời và tồn tại của Nhà nước Xô viết đã tạo ra những áp lực khiến các nước tư bản phương Tây phải tự cải cách, mở rộng các quyền lợi của người lao động và phúc lợi xã hội. Ngày nay, nhiều chính sách của Nhà nước Xô viết đã được các nhà nước hiện đại tiếp thu, trở thành giá trị phổ quát ngay cả ở các nước phương Tây vốn từng muốn dập tắt cuộc cách mạng. 

Để có được điều này, ngay từ 1902 đến 1905, với sự ra đời của ba tác phẩm Làm gì?,Một bước tiến hai bước lùi và Hai sách lược của Đảng dân chủ xã hội trong cách mạng dân chủ, đã hình thành về cơ bản học thuyết xây dựng đảng của Lênin về tư tưởng, tổ chức và chính trị. Hoạt động lý luận đồng hành với hoạt động thực tiễn trong phong trào quần chúng công – nông của Người là nhằm phục vụ cho những cuộc cách mạng tất yếu xảy ra ở nước Nga, một nước còn chế độ phong kiến chuyên chế, được tầng lớp quý tộc tư sản ủng hộ, nông nghiệp sản xuất nhỏ lạc hậu, công nghiệp chỉ mới bước đầu phát triển, giai cấp vô sản đã hình thành nhưng còn nhỏ yếu và nông dân vẫn còn chiếm số lượng đông nhất trong dân cư, nhằm tiến tới thành lập một đảng mácxít chân chính để lãnh đạo phong trào công nhân. Từ năm 1905 đến trước cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười 1917, Đảng Bônsêvich Nga đã trải qua nhiều thử thách lớn, nhiều đợt cao trào và thoái trào, nhiều kết quả về sự phát triển trưởng thành cả về tổ chức và lý tưởng, nhưng cũng không tránh khỏi những mặt hạn chế khiếm khuyết, thậm chí suy thoái tạm thời do những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhất định, để rồi đi đến thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười 1917 – một sự kiện lịch sử trọng đại mở ra một bước phát triển mới cho Đảng, một kỷ nguyên mới cho phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, cho toàn thể nhân loại cần lao và tiến bộ trên con đường đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tự do và hạnh phúc của con người.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga đã được đổi tên thành Đảng Cộng sản Nga, một đảng cầm quyền trong nhà nước công – nông đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Nhiệm vụ lịch sử mới được đặt ra cho Đảng là củng cố Chính quyền Xô viết, tổ chức việc bảo vệ chính quyền, bảo vệ Tổ quốc, tăng cường hơn nữa mối quan hệ với giai cấp công nhân các nước khác, cải thiện những mối quan hệ với các chính phủ nước ngoài, bước đầu thử nghiệm công cuộc xây dựng và cải tạo cuộc sống theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội VIII của Đảng năm 1919 đã thong qua một cương lĩnh trong đó đánh giá thành quả Cách mạng Tháng Mười, quy định những nhiệm vụ của Đảng trong thời kỳ quá độ từ chế độ tư bản chủ nghĩa sang chế độ xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị sự chuyển biến từ việc thực hiện chính sách kinh tế - xã hội thời chiến, sang việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội thời bình. Đặc biệt là từ mùa xuân 1921, với tính chất đúng đắn và sức sống của Chính sách kinh tế mới, đất nước đã khắc phục được tình trạng thấp kém và bắt đầu đi vào giai đoạn phát triển mới.

Lênin khẳng định trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ngoài việc khắc phục dần các quan hệ xã hội tư bản chủ nghĩa, còn có nhiệm vụ quan trọng hơn rất nhiều, đó là nhiệm vụ xây dựng, nhất là xây dựng một nền kinh tế mới, gắn liền với  nhiệm vụ nâng cao dần phúc lợi và trình độ văn hóa của nhân dân. Một tư tưởng lớn có ý nghĩa thiết thực của Lenin là cần áp dụng triệt để những thành tựu mới nhất của kỹ thuật hiện đại và khoa học tiên tiến vào việc xây dựng nền kinh tế quốc dân. Năm 1920, Lênin viết tác phẩm Bệnh ấu trĩ “tả” khuynh trong phong trào cộng sản, với nội dung nhắc nhở những đảng cộng sản mới được thành lập ở nhiều nơi, tránh được những sai lầm “tả” khuynh, giáo điều, bè phái. Theo Người kinh nghiệm cách mạng Nga có tính chất địa phương, nhưng cũng mang ý nghĩa quốc tế, vì nó phản ánh tính quy luật của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những mức độ khác nhau ở các nước khác nhau trên phạm vi toàn cầu. Cần vận dụng đúng kinh nghiệm đó vào tình hình cụ thể của từng nước. Cần phê phán tệ sung bái cá nhân, nhưng như thế không có nghĩa là phủ nhận sự cần thiết phải có những lãnh tụ có đức, có tài, có uy tín trong nhân dân. Người nhấn mạnh Đảng của giai cấp công nhân cách mạng phải giữ vững sự trung thành đối với những nguyên tắc của mình, đối với giai cấp mình, đối với mục đích cuối cùng của mình. Đảng cần có thái độ đúng đắn đối với cả những sai lầm của mình, đó là một tiêu chuẩn quan trọng và chính xác về sự nghiêm túc của Đảng trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của mình.

Đối với Đảng ta, nội dung học thuyết xây dựng Đảng của Lênin  đã  và vẫn còn nhiều giá trị về lý luận và thực tiễn, đồng thời cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười cũng đã để lại cho Đảng ta nhiều kinh nghiệm quý báu mà Đảng ta đã vận dụng một cách sang tạo, có hiệu quả, thích hợp với hoàn cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể của Đảng ta./.


Các tin khác