Quan điểm Hồ Chí Minh về chính sách cán bộ nữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người học trò xuất sắc của Mác - Ăngghen - Lênnin - là người kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề phụ nữ và cán bộ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thức được vị trí vai trò, khả năng của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội và Người rất quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ. 

Người đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ... Muốn có nhiều sức lao động để sản xuất thì phải giải phóng sức lao động phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng CNXH chỉ một nửa”[1].

Nghiên cứu vai trò của phụ nữ thể hiện qua các cuộc cách mạng trên thế giới như cách mạng Pháp, cách mạng Nga, Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào mà không có đàn bà, con gái tham gia”[2]. Từ đó. Người khẳng định: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”[3]. Trong lễ kỷ niệm 36 năm ngày thành lập Hội Liện hiệp Phụ nữ Việt Nam, Người nói: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Từ chỗ xác định vị trí, vai trò to lớn của phụ nữ đối với toàn xã hội nói chung, với sự nghiệp cách mạng nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra địa vị kinh tế, chính trị, xã hội quy định quyền bình đẳng của phụ nữ. Vì vậy, điều căn bản có ý nghĩa quyết định cho sự bình đẳng của phụ nữ là phải giải phóng sức lao động của phụ nữ, tạo điều kiện để chị em tham gia lao động sản xuất, quản lý kinh tế, tham gia công tác xã hội cùng với nam giới. Theo Hồ Chí Minh, phụ nữ nước ta nói riêng, các nước phương Đông nói chung còn bị tư tưởng phong kiến ràng buộc, chi phối khá nặng nề. Họ bị đối xử bất bình đẳng cả ngoài xã hội và trong gia đình. Theo Người: Trọng nam khinh nữ là thói quen mấy nghìn năm để lại vì nó đó ăn sâu trong đầu óc mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Nó đã trở thành một vấn đề tâm lý xã hội. Bởi vậy, cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử với phụ nữ là cuộc đấu tranh tư tưởng lâu dài, khó thực hiện. Do đó, ngay trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do người soạn thảo được thông qua trong Hội nghị họp nhất (3/2/1030) sau những vấn đề quan trọng về đối tượng, mục tiêu, phương pháp tiến hành cách mạng… Ngươi chỉ rõ: phải “thực hiện nam nữ bình đẳng”[4]; Cùng với việc thực hiện bình đẳng nam nữ, phải bố trí cho phụ nữ được giảm bớt công việc nội trợ trong gia đình để dành thời gian cho hoạt động xã hội và học tập. Để sự nghiệp giải phóng phụ nữ và công tác cán bộ nữ được thực hiện cách triệt để thì trách nhiệm trước hết phải thuộc về Đảng. Đảng phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng phải biết làm việc nước.

Đánh giá cao vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh còn quan tâm, theo dõi hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực, đặc biệt trong tham gia chính quyền: “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ trở thành cán bộ chuyên môn của các ngành và cán bộ lãnh đạo, làm giám đốc và phó giám đốc các xí nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch Ủy ban hành chính, bí thư chi bộ Đảng”[5]. Chủ tịch Hồ Chí Minh vui mừng khi thấy: “Từ ngày nước ta được giải phóng đến nay, phụ nữ đều tiến bộ rõ về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng một tiến bộ rõ rệt nhất là phụ nữ hiện nay tham gia chính quyền ngày càng nhiều”[6].

Cùng với việc đánh giá cao thành tựu của phụ nữ Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng đã xác định trách nhiệm của Đảng, Nhà Nước và các tổ chức xã hội với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. chỉ khi nào kết hợp được sự đồng lòng quyết tâm của các chủ thể nói trên mới có thể xóa được những thủ tục mà lịch sử để lại. Theo Người, Đảng và Nhà nước phải quan tâm giúp đỡ phụ nữ, giải phóng phụ nữ khỏi những bất công của xã hội bằng cách đề ra chủ trương chính sách cụ thể. Khi Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, đất nước được độc lập, vấn đề bình đẳng nam, nữ được Hồ Chí Minh yêu cầu đưa vào Hiến pháp. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Công hòa (1946) đã quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông”. Đây là lần đầu tiên quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam được pháp luật công nhận. Hiến pháp 1959 cũng khẳng định: “Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt, chính trị kinh tế, văn hóa, xã hội”. Trên cơ sở Hiến pháp đã định, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Nhà nước phải có kế hoạch cụ thể hóa chủ trương, chính sách thành các Luật đảm bảo cho phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới. Ngày 13/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 02-LCT công bố Luật hôn nhân gia đình. Người nhấn mạnh “Đối với luật lấy vợ, lấy chồng, từ lúc chuẩn bị cho tới lúc đưa ra và thi hành, Đảng phải lãnh đạo vì đó là một cuộc cách mạng. Đảng lãnh đạo có nghĩa là cán bộ, đảng viên phải làm cho đúng và lãnh đạo các đoàn thể thanh niên, phụ nữ làm cho đúng”. Luật hôn nhân gia đình công nhận quyền bình đẳng của công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, thành phần dân tộc.

Tuy nhiên, để quyền bình đẳng của phụ nữ được thực hiện không phải chỉ đề ra chủ trương, chính sách là đủ mà theo Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia lao động sản xuất, bảo hộ sức khỏe, giảm nhẹ gánh nặng gia đình cho phụ nữ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để phụ nữ thể hiện hết khả năng của mình. Người luôn căn dặn “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo”[7]. “Từ nay, các cấp Đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa”, “Phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”[8]. Những lời dạy đó của Người đã để lại cho Đảng ta một định hướng chiến lược về công tác cán bộ nữ. Nó bao hàm cả định hướng của Người về đào tạo, sữ dụng, cất nhắc cán bộ nữ và cả yêu cầu đối với bản thân lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng.

Ngoài ra, Người còn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ miền núi, tại Hội nghị tuyên giáo miền núi, Bác đã nhắc nhở: “Cả Hà Nội có 2000 đại biểu thế mà lại có 5 phụ nữ, trong 5 phụ nữ lại không có phụ nữ dân tộc thiểu số nào… Một cuộc họp như thế này mà quên mất vai trò của phụ nữ thì chắc chắn ở địa phương các chú cũng quên mất vai trò của phụ nữ”[9]. Theo quan điểm của Người, chỉ khi nào đưa phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội thì mới đảm bảo được quyền bình đẳng thực sự của phụ nữ.  Lúc nào, Người cũng dành sự quan tâm, theo dõi tình hình cất nhắc, tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước. Đồng thời, Người chỉ ra, mặc dù có phụ nữ tham gia chính quyền nhưng nhiều nơi cũng chưa mạnh dạn và chưa tin tưởng vào cán bộ nữ. Người cho đây cũng là một thiếu sót chung của Đảng.

Quan tâm đến cán bộ nữ và lao động nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ nhặt nhưng hết sức khoa học, khách quan, bắt nguồn từ khoa học con người, tù sự hiểu biết sâu sắc đó, Người đã đề nghị tổ chức tốt nhà trẻ, mẫu giáo, bếp ăn tập thể để giúp chị em có điều kiện, thời gian, yên tâm tham gia học tập, lao động sản xuất. Người đặc biệt lưu ý các cấp lãnh đạo trong việc phân phối hợp lý công tác cho phụ nữ. Người nói: “Lãnh đạo không nên để các cháu làm các việc như thế, con gái có kinh chẳng hạn, trong lúc có kinh lội nước, dầm mưa, sau này sức khỏe không tốt. Cho nên phân phối công tác cho phụ nữ phải thích hợp”[10]. Có thể nói, đây là gợi ý, định hướng lớn cơ bản nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cơ sở khoa học để Đảng, Nhà nước nghiên cứu, ban hành các chính sách đối với cán bộ và lao động nữ như: Chế độ thai sản, qui định giờ nghỉ bú cho con, chế độ bảo vệ phụ nữ trong các ngành lao động độc hại…

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở các cấp lãnh đạo triển khai chủ trương, đường lối và thực hiện chính sách một cách cụ thể, thiết thực, phải bám sát các hoạt động của phụ nữ, hướng dẫn, giúp đỡ họ tháo gỡ khó khăn. Người nói; “Các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn thì phong trào phụ nữ chắc rộng hơn, mạnh hơn nữa”[11]. Xuất phát từ tư tưởng giải phóng phụ nữ, Hồ Chí Minh cho rằng cần thiết phải có tổ chức phụ nữ đứng ra tổ chức, tập hợp, vận động quần chúng phụ nữ - đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ. Theo Người, Hội Liên hiệp Phụ nữ phải là cầu nối giữa Đảng với các tầng lớp phụ nữ thông qua việc tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là các chủ trương, chính sách có liên quan đến phụ nữ. Mặt khác, Hội phải sâu sát, phản ánh đúng tâm tư của chị em phụ nữ từ đó tham mưu, tư vấn cho các cấp ủy Đảng, đề xuất với Đảng những chủ trương, chính sách phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nói chung và của phụ nữ nói riêng. Người căn dặn: “Hội Liên hiệp Phụ nữ phải là lực lượng mạnh mẽ giúp Đảng động viên, tổ chức và lãnh đạo tiến lên chủ nghĩa xã hội”[12].

Tuy nhiên, theo Người, tất cả các biện pháp trên chỉ là nhân tố khách quan có tác dụng hỗ trợ tích cực cho cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ, quyết định ở đây là bản thân người phụ nữ phải đấu tranh, phải tự phấn đấu vươn lên thì sự nghiệp giải phóng phụ nữ mới thành công tốt đẹp. Người nói:“Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy, chị em phụ nữ phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ làm người chủ nước nhà”[13]. Bác còn động viên: “Đảng, Chính phủ và Bác còn mong phụ nữ tiến bộ nhiều hơn nữa. Hiện nay, trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít”[14]. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý phụ nữ: “Không nên ỷ vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn trong công tác chính quyền, phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập phấn đấu; phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập. Phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”[15].

Người luôn khơi dậy tính tự trọng, khả năng nổ lực tự vươn lên của phụ nữ, khuyến khích phụ nữ đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình: “Các cô, nhất là các cô ở huyện, phải đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sữa chữa”[16] và “phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó, cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên”[17].

Như vậy, theo Hồ Chí Minh để thực hiện các chính sách về cán bộ nữ triệt để, đòi hỏi phải có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự kiên quyết đấu tranh vươn lên khẳng định vị trí của mình của bản thân phụ nữ và sự tham gia hưởng ứng của toàn xã hội. Nếu thiếu sự tham gia của một trong ba nhân tố trên thì cuộc cách mạng khó đi đến thành công hoặc thành công không triệt để. Quan điểm Hồ Chí Minh về chính sách cán bộ nữ là một cống hiến to lớn của Người đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Tư tưởng ấy bắt nguồn từ cuộc sống, nó đáp lại tiếng gọi thiết tha của phụ nữ Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Vì vậy, những quan điểm, tư tưởng đó đã được cuộc sống đón nhận, phụ nữ Việt Nam đã có quyền bình đẳng một cách căn bản, nguyện vọng của chị em đã được thõa mãn một phần đáng kể./.

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr523.

[2] Sđd, tập 2, 1995, tr288.

[3] Sđd, tập 2, 1996, tr289.

[4] Sđd, tập 3, 2002, tr1, tr432.

[5] Sđd, tập 10, 1996, tr149, tr89, tr295.

[6] Sđd, tập 10, 1996, tr149, tr89, tr295.

[7] Sđd, tập 12, 2000, tr504, tr127, tr22.

[8] Sđd, tập 12, 1996, tr125.

[9] Sđd, tập 12, 2000, tr504, tr127, tr22.

[10] Sđd, tập 12, 2000, tr504, tr127, tr22.

[11] Sđd, tập 3, 2002, tr1, tr432.

[12] Sđd, tập 10, 2002, tr21, tr296.

[13] Sđd, tập 10, 2002, tr21, tr296.

[14] Sđd, tập 10, 1996, tr149, tr89, tr295.

[15] Sđd, tập 10, 1996, tr149, tr89, tr295.

[16] Sđd, tập 11, 2002, tr208.

[17] Sđd, tập 8, 2000, tr304.

 


Các tin khác