Sự vận dụng sáng tạo bài học về chuản bị lực lượng và chớp thời cơ của Cách mạng Tháng mười Nga vào Cách mạng Tháng tám năm 1945 ở Việt Nam

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại này không những đã cổ vũ, soi đường cho phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa mà còn để lại những bài học kinh nghiệm quý giá, trong đó có bài học về chuẩn bị lực lượng và chớp thời cơ.

Để có được thắng lợi của cuộc “tổng tiến công” cuối cùng trong Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộn sản Bôn-sê-vích Nga đã chuẩn bị lực lượng lâu dài về mọi mặt tổ chức, chính trị, quân sự, tư tưởng...; xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất cho toàn Đảng là phải lôi cuốn đông đảo giai cấp công nhân và nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập đội quân chính trị đông đảo đủ sức mạnh đánh bại lực lượng phản cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị và chủ động đối phó với sự thay đổi của tình hình. Theo những chủ trương đó, đội ngũ Cận vệ đỏ, lực lượng vũ trang nòng cốt của những người cách mạng ra đời. Đây là hình thức tổ chức lực lượng vũ trang mới của giai cấp vô sản Nga. Nhiệm vụ của các đội Cận vệ đỏ là đấu tranh vũ trang chống lại các cuộc nổi loạn phản cách mạng. Khi tình thế cách mạng càng ngày càng nóng bỏng, các đội Cận vệ đỏ đóng vai trò không những là lực lượng chính trị chủ đạo mà còn là lực lượng quân sự nòng cốt, quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Lực lượng Cận vệ đỏ đã được thành lập tại các nhà máy, khu phố ở 146 thành phố trên khắp nước Nga.

Công tác tuyên truyền được đặc biệt coi trọng. Cho đến trước ngày khởi nghĩa, đã có tới 53 tờ báo, trong đó tờ “Con đường công nhân” là cơ quan của Trung ương Đảng Bôn-sê-vích có số phát hành tới gần 200.000 bản mỗi ngày. Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga đã tập hợp, tổ chức được một lực lượng cách mạng đông đảo và có chất lượng vượt trội so với kẻ thù. Đây là nhân tố chủ quan quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa ở Pê-trô-grát đã nổ ra trong thời điểm những người cách mạng không thể hành động chậm trễ hơn kẻ thù. Nhưng đó là cuộc khởi nghĩa nổ ra trong tình thế đã chín muồi, hoàn toàn không phải là một cuộc khởi nghĩa non và thắng lợi nhờ may rủi.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa phát triển phong trào quần chúng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị lực lượng chính trị và nhạy bén chớp thời cơ phát động toàn dân đứng lên tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngay từ Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (5/1941), khi chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, Đảng ta đã đặt công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang làm nhiệm vu trung tâm của cách mạng và xác định rõ, muốn cuộc khởi nghĩa vũ trang thắng lợi phải có đủ những điều kiện khách quan và chủ quan, phải chọn đúng thời cơ cách mạng. Sau Hội nghị, Đảng đã khẩn trương xúc tiến xây dựng lực lượng mọi mặt, trước hết là xây dựng các đoàn thể Việt Minh trên toàn quốc, tạo nên đội quân cách mạng đông đảo. Bên cạnh đó, Đảng ta tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang với những hình thức từ thấp đến cao, từ tự vệ đến tự vệ chiến đấu, tiến lên xây dựng tiểu tổ du kích và đội du kích tập trung. Ngoài các đội Cứu quốc quân được xây dựng từ sau khởi nghĩa Bắc Sơn, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyền giải phóng quân được thành lập. Đồng thời, Đảng tạo lập các chiến khu, căn cứ địa cách mạng, tiêu biểu là căn cứ đại Việt Bắc. Đảng còn đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, một mặt cổ vũ quần chúng gia nhập trận tuyến cách mạng, mặt khác tố cáo, vạch trần bộ mặt độc ác, nham hiểm của đế quốc Pháp - phát xít Nhật và tay sai.

Điểm sáng tạo trong chuẩn bị lực lượng của Đảng ta là, nếu đạo quân chính trị của Cách mạng Tháng Mười là công, nông, binh với khẩu hiệu “công, nông, binh liên hiệp”, thì đạo quân chính trị của Cách mạng Tháng Tám thì có sự mở rộng đáng kể thành phần, với hạt nhân là Mặt trận Việt Minh, quy tụ được tất cả các giai cấp, tầng lớp yêu nước trong xã hội, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo. Cách mạng Tháng Mười và Cách mạng Tháng Tám cùng sử dụng bạo lực cách mạng - là sức mạnh của quần chúng cách mạng dùng để đánh đổ chính quyền của bọn thống trị, giành chính quyền về tay nhân dân, trấn áp bọn phản cách mạng. Tuy nhiên, nếu trong Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lê-nin dựa vào lực lượng vũ trang là chủ yếu thì ở Cách mạng Tháng Tám, lực lượng chính trị của toàn dân (do các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh làm nòng cốt) là chủ yếu, lấy các lực lượng vũ trang làm chỗ dựa; phát huy tính chủ động sáng tạo của từng địa phương và nhanh chóng kết thúc khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. 

Cách mạng Tháng Tám diễn ra thắng lợi chỉ trong 15 ngày là kết quả của việc tích cực chuẩn bị lực lượng và chớp thời cơ đúng lúc. Thời cơ giành chính quyền là thời điểm hội tụ các điều kiện để cho cách mạng chín muồi, theo V.I. Lê-nin gồm 3 yếu tố: Khi quân thù đã khủng hoảng, dao động, chia rẽ đến cực điểm; khi các tầng lớp đứng giữa đã xao xuyến đến cực điểm, đã ngả về phe cách mạng và sẵn sàng hưởng ứng đội tiên phong; khi đội tiên phong đã hết sức sôi sục cách mạng và đã quyết tâm hy sinh đến cùng cho cách mạng.

Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng phân tích tình hình thế giới và trong nước, phân tích những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, dự kiến thời cơ cho tổng khởi nghĩa nổ ra thắng lợi. Khi Nhật đảo chính lật đổ Pháp (9/3/1945), Đảng ta đã phân tích, tuy cuộc đảo chính đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhưng thời cơ khởi nghĩa chưa chín mùi, chưa phải là lúc vận động nhân dân ra chiến đấu, đây mới chỉ là thời kỳ tiền khởi nghĩa. Vì thế, Đảng phát động phong trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Đây là một sự chuẩn bị cần thiết, đúng mức, là tiền đề quan trọng để Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Đến khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tin Nhật đầu hàng Đồng minh làm cho quân Nhật ở Đông dương mất tinh thần, chính quyền tay sai hoang mang rệu rã; các tầng lớp trung gia đã ngã hẳn về phía cách mạng, toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa; đó cũng là lúc mà Đảng ta đã chuẩn bị các điều kiện cho cuộc tổng khởi nghĩa thì thời cơ tổng khởi nghĩa đã chín mùi. Trước cơ hội ngàn năm có một, Đảng ta đã kịp thời phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương giải giáp quân Nhật để ta với tư cách là người chủ đất nước đứng ra tiếp đón quân Đồng minh, tránh tình thế cùng một lúc phải chống chọi với nhiều kẻ thù khi quân Đồng minh vào Đông Dương.

Trải qua một thế kỷ, Cách mạng tháng Mười Nga vẫn là sự kiện trọng đại của lịch sử thời đại. Bài học về chuẩn bị lực lượng cách mạng và chớp thời cơ không chỉ được vận dụng sáng tạo, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam mà đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn đất nước ta đang tận dụng thời cơ, quyết tâm vượt qua mọi thách thức, tiếp tục tiến lên, vững bước trên con đường đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.


Các tin khác