Cảm nhận từ hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI - Năm 2017 (khu vực phía Nam)

Theo thông lệ, 3 năm một lần, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi lý luận chính trị của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2017, hội thi tại khu vực phía Bắc được tổ chức ở tỉnh Nghệ An; hội thi tại khu vực phía Nam được tổ chức ở tỉnh Đắk-Lắk.

Tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi khu vực phía Nam có 70 giảng viên đến từ 33 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông. Các giảng viên tham dự Hội thi trải qua thi viết, thi giáo án, thi giảng và xét điều kiện về nghiên cứu khoa học. Kết thúc Hội thi, 69 giảng viên được công nhận là giảng viên dạy giỏi; trong đó, có 9 giảng viên được công nhận là giảng viên dạy giỏi xuất sắc. Hội thi năm nay được nhận xét có nhiều điểm mới, khó hơn, đánh giá thực chất hơn so với các hội thi các năm trước.

Để hội thi giảng viên dạy giỏi được tổ chức thành công tốt đẹp, trước hết là nhờ công tác chỉ đạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhất là Vụ Các Trường Chính trị trong việc chọn địa điểm, làm việc với các địa phương đăng cai, thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo…Bên cạnh đó là sự hỗ trợ, quan tâm, tạo điều kiện của địa phương nơi đăng cai hội thi nói chung, của trường chính trị địa phương đăng cai nói riêng từ công tác tổ chức cho đến công tác hậu cần. Đồng thời, có sự chuẩn bị, tham gia tích cực của các trường chính trị cử giảng viên tham dự hội thi thông qua việc tổ chức thao giảng cấp khoa, cấp trường hàng năm. Đặc biệt, sự nỗ lực của từng giảng viên tham dự đã góp phần làm nên thành công của hội thi.

Kết quả đánh giá giảng viên tham dự hội thi được chấm trên những nội dung thi mà giảng viên tham gia, quan trọng nhất vẫn là phần thi giảng trên lớp. Để có thể có được kết quả tốt bản thân có một số suy nghĩ như sau:

Về chọn bài, tiết dự thi.

Người giảng viên cần chọn những bài giảng là thế mạnh của mình, được đào tạo bài bản để dự thi, không nên chọn những bài giảng không thuộc sở trường (vì có quan điểm cho rằng đang công tác ở khoa nào thì phải chọn chuyên môn ở khoa đó dự thi). Bởi thực tế ở các trường chính trị tỉnh hiện nay, còn tình trạng giảng viên được đào tạo chuyên ngành này mà lại được phân công giảng chuyên ngành khác (nhất là giảng môn Một số vấn đề cơ bản trong lãnh đạo quản lý của các bộ lãnh đạo quản lý ở cơ sở, hoặc Nghiệp vụ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tại cơ sở). Trên thực tế, ít có giảng viên đăng ký thi giảng môn Một số vấn đề cơ bản trong lãnh đạo quản lý của các bộ lãnh đạo quản lý ở cơ sở, nếu có tham dự thì cũng khó có thể đạt giảng viên xuất sắc, vì đây là những môn chưa có chuyên ngành đào tạo riêng. Do vậy, hầu hết giảng viên hiện giảng dạy trái chuyên môn được đào tạo thường giảng dạy theo kinh nghiệm là chính.

Về chọn tiết dự thi. Không nhất thiết chọn nội dung gọn trong một tiết nào đó đã được phân chia thời gian theo kế hoạch bài giảng (gọn trong tiết 1, tiết 2, tiết 3 hoặc tiết 4); mà nên chọn nội dung trọng tâm của bài. Nội dung này có thể được giảng trong nhiều tiết hoặc nằm giữa tiết này và tiết khác. Trên cơ sở đó, giảng viên nên chọn nội dung nào đó để giảng trong 45 phút và sẽ có điều kiện khai thác nội dung nhiều hơn. Việc chọn tiết dự thi không nằm trong nội dung trọng tâm của bài đôi khi làm hạn chế những kiến thức của giảng viên cần truyền đạt. Hội thi năm nay có nhiều điểm mới, một trong những điểm mới đó là sau khi nghe giảng viên trình bày tiết dự thi, hội đồng giám khảo chấm thi sẽ có nhận xét về chuyên môn và phương pháp giảng của giảng viên. Do vậy, giảng viên cần khai thác sâu giáo trình, có liên hệ với tình hình thực tiễn của cả nước, địa phương. Đối với các môn giảng về kỹ năng, nghiệp vụ, cần chú ý hướng dẫn cho học viên hiểu, thực hiện được nghiệp vụ đó. Đối với các môn lý luận, giảng viên cần khai thác các tác phẩm kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Về phương pháp giảng và cân đối thời gian tiết giảng.

Ở hội thi những năm trước đây, việc sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực kết hợp với phương tiện hiện đại được các giảng viên thực hiện chưa nhiều và chưa nhuần nhuyễn, nên nếu giảng viên nào đó sử dụng nhiều và nhuần nhuyễn phương pháp tích cực sẽ được đánh giá cao. Song ở hội thi năm nay, hầu hết các giảng viên đã sử dụng đa dạng, nhuần nhuyễn phương pháp tích cực. Do vậy, giảng viên không nên áp dụng quá nhiều phương pháp trong 1 tiết giảng, mà chỉ nên dừng lại ở 2 đến 3 phương pháp là đủ. Các phương pháp thường được chọn để thực hiện như: nêu ý kiến lên bảng-lên giấy; hỏi đáp, sàng lọc, làm việc nhóm…

Dù tham gia thi giảng chỉ trong 1 tiết (45 phút), song yêu cầu người giảng viên vẫn phải thực hiện đủ 5 bước lên lớp. Do vậy, việc cân đối thời gian giảng khá khó đối với giảng viên, vì 4 bước phụ đã chiếm hơn 5 phút (ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, neo chốt kiến thức, câu hỏi và tài liệu tham khảo). Cho nên, việc tự tập giảng tiết dự thi và cân đối thời gian giảng là rất cần thiết. Hơn nữa, trong hội thi năm nay, giảng viên không được sử dụng “người nhà”, mà phải áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực đối với học viên được trường đăng cai bố trí. Vì vậy, nếu gặp sự hợp tác tích cực của học viên, giảng viên sẽ gặp thuận lợi; ngược lại, nếu học viên ít có sự hợp tác, giảng viên ít nhiều sẽ bị lúng túng; cho nên, giảng viên cần chuẩn bị tốt tâm lý cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Cọ sát và học tập nhằm nâng cao kinh nghiệm giảng dạy.

Hội thi cũng là dịp để các giảng viên cọ sát, học tập kinh nghiệm giảng dạy lẫn nhau. Do vậy, các trường chính trị cấp tỉnh cần tạo điều kiện cho nhiều giảng viên tham dự hội thi giảng viên dạy giỏi (thi chính thức hoặc với tư cách dự thính) để có dịp làm quen với cách thức thi. Từ đó, giảng viên vừa dự nghe đồng nghiệp giảng, nghe sự nhận xét của hội đồng giám khảo để bổ sung thêm kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân. Sau này, khi được nhà trường cử chính thức tham dự hội thi, giảng viên sẽ tránh được sự bỡ ngỡ, và có thể sẽ gặt hái được thành tích tốt thông qua việc học tập từ các hội thi trước đó.

Quan tâm thực hiện việc nghiên cứu khoa học.

Ở hội thi năm nay, việc thực hiện nghiên cứu khoa học là một yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên dự thi; nếu muốn đạt kết quả tốt, giảng viên phải có đủ từ 3 điểm công trình khoa học trở lên. Các giảng viên dự thi cần phải cố gắng thực hiện các đề tài khoa học các cấp, viết bài đăng các báo, tạp chí (nhất là tạp chí có ISSN). Đây cũng chính là những diễn đàn để giảng viên thể hiện khả năng viết, vận dụng lý luận, tổng kết lý luận và thực tiễn.  

Thiết nghĩ, việc tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố là một việc làm rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng. Việc chuẩn bị tốt nội dung và tâm lý sẽ giúp giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình tại hội thi, bản lĩnh hơn trong hoạt động giảng dạy lý luận chính trị tại địa phương trong tình hình hiện nay./.


Các tin khác