Trí thức Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thuật ngữ “trí thức” được sử dụng rộng rãi trên thế giới, có nguồn gốc xuất phát từ tiếng Latinh: Intelligentia (sự thông minh, sự hiểu biết). Trả lời cho câu hỏi “Ai là trí thức ?” Giới nghiên cứu ở nước ta đa số đều thống nhất cho rằng, trí thức có những đặc điểm tạo nên sự khác biệt trong xã hội. Họ là tầng lớp đặc biệt, vì ở họ hội tụ những đặc điểm có tính chất chuyên biệt riêng có, như: Trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu; là người có phẩm chất đạo đức tốt, có lương tâm; lao động mang tính sáng tạo và rất phức tạp. Trong đó, giá trị quan trọng nhất trong lao động của trí thức là những sản phẩm trí tuệ mà họ làm ra. Những đặc điểm này đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 27/8/2009 của Đảng về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Theo đó: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”.

Sự hình thành và phát triển đội ngũ trí thức luôn gắn liền với những điều kiện lịch sử của dân tộc và thời đại. Trí thức Việt Nam được hình thành trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới. Giữa thế kỷ 19 cùng với sự hèn yếu của Triều Nguyễn, sự xâm lược của thực dân Pháp và bước đầu tiếp cận với nền văn minh công nghiệp phương tây, tầng lớp Nho sỹ ở nước ta đã phân hóa sâu sắc và xuất hiện những nhóm sỹ phu tiến bộ có đầu óc canh tân - tiền thân của nhóm trí thức đầu tiên của nước ta nửa đầu thế kỷ 20, điển hình như Vũ Tông Phan (1800 - 1851, cùng với Hội Hướng thiện); Nguyễn Trường Tộ (1828 -1871); Nguyễn Lộ Trạch (1852 - 1895); Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890); Phạm Phú Thứ (1820 - 1883) v.v... họ là những sỹ phu có đầu óc canh tân đầu tiên trong lịch sử nước ta, đặt nền móng cho cuộc vận động giải phóng dân tộc vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, dù là theo đường lối bạo lực như các phong trào Cần vương (Phan Đình Phùng, 1844-1895), và Đông Du (Phan Bội Châu, 1867-1940); hay chủ trương tiến hành một cuộc cách mạng văn hóa - giáo dục như phong trào Duy Tân (Phan Châu Trinh, 1872-1920) và Đông kinh nghĩa thục (Lương Văn Can, 1854-1927).

Vào những năm đầu của thế kỷ 20, cùng với sự suy tàn của chế độ phong kiến và sự thiết lập chế độ thực dân của Pháp trên cả nước, ảnh hưởng của tư tưởng Dân chủ tư sản và Khoa học - Kỹ thuật phương tây đã tràn vào xã hội Việt Nam thông qua Nhật Bản và Trung Hoa. Trong bối cảnh đó phong trào Duy Tân và Đông Kinh nghĩa thục đã quy tụ được một tầng lớp sỹ phu - trí thức bao gồm các nho sỹ cách tân như Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), Trần Quý Cáp (1870-1908), Đào Nguyên Phổ (1861-1907) v.v..., và các trí thức mới dùng quốc ngữ và tiếng Pháp như: Phan Khôi (1887-1960), Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Phạm Quỳnh (1892-1945)v.v. Đây chính là tầng lớp trí thức đầu tiên của nước ta.

Đã là trí thức thì ở nước nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, đều có tính cách chung là: Tôn thờ lý tưởng chân – thiện – mỹ; độc lập tư duy; hoài nghi lành mạnh; và tự do sáng tạo. Mỗi dân tộc đều có tính cách riêng, tầng lớp trí thức của mỗi dân tộc cũng có bản sắc riêng. Đặc điểm nổi bật của trí thức Việt Nam là tinh thần dân tộc, yêu nước sâu sắc. Tinh thần yêu nước thương nòi là một phẩm chất nội sinh từ truyền thống dân tộc của mọi người Việt Nam. Với trí thức, yêu nước còn là một động lực sáng tạo, tìm tòi cái mới để xây dựng đất nước. Họ cũng là người biết kế thừa những giá trị tốt đẹp của cha ông và thế giới, biết phê phán những gì cản trở sự phát triển của dân tộc. Từ những tấm gương của trí thức trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến có thể nhận rõ rằng, tiềm năng trí tuệ với lòng yêu nước của trí thức là tài sản quý giá của dân tộc, sẽ phát huy sức sống của nó trong môi trường tiến bộ. Thêm nữa, tinh thần hiếu học là một ưu thế của trí thức, là cơ sở để xây dựng đội ngũ trí thức nước ta. Khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì cơ hội cho sự phát triển trí thức Việt Nam sẽ lớn hơn bao giờ hết.

Bên cạnh những ưu điểm, những hạn chế của đội ngũ trí thức nước ta đó là:

- Số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước. Cơ cấu đội ngũ trí thức còn những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính, phân bố trên các địa bàn. Bộ phận tinh hoa, hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành thiếu, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Trong nước, chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh. Hoạt động nghiên cứu khoa học thiếu gắn bó mật thiết và chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng, phong phú của sản xuất, kinh doanh, đời sống.

- Trong khoa học tự nhiên, công nghệ, vẫn còn nhiều sự chậm trễ và bất cập. Số công trình được công bố ở các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn quá ít, còn khoảng cách xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu lý luận thiếu khả năng dự báo và định hướng, chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra, chưa có những công trình sáng tạo lớn, nhiều công trình còn sơ lược, sao chép. Trong văn hoá, văn nghệ còn ít tác phẩm có giá trị xứng tầm với những thành tựu vẻ vang của đất nước, sự sáng tạo và hy sinh lớn lao của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lý luận phê bình văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế.

- Trình độ của đội ngũ trí thức tụt hậu so với yêu cầu phát triển của đất nước và so với một số nước tiên tiến trong khu vực, nhất là năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng cũng như khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin.

- Một bộ phận trí thức, kể cả những người có trình độ học vấn cao còn thiếu tự tin, còn e ngại, sợ bị quy kết về quan điểm, né tránh những vấn đề có liên quan nhiều đến chính trị. Một số giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, thiếu trung thực và tinh thần hợp tác...

- Một bộ phận trí thức trẻ chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên về chuyên môn. Một bộ phận, do ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện kém cộng với tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, những luận điểm tuyên truyền, xuyên tạc và sự lôi kéo của các thế lực thù địch... đã có những biểu hiện lệch lạc, sai trái về quan điểm, thiếu say mê, tâm huyết với nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm công dân và xa rời lý tưởng của Đảng.

Xây dựng đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đất nước ta bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, các quốc gia, đang bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển kinh tế trí thức và xã hội thông tin. Giá trị của tri thức, vai trò của đội ngũ tri thức càng được đề cao như là nguồn lực quan trọng đặc biệt, động lực của mỗi quốc gia trong cạnh tranh toàn cầu.

Mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (Nghị quyết Đại hội X), đòi hỏi chúng ta phải phát huy đến mức cao nhất nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và lựa chọn con đường phát triển rút ngắn, hiệu quả. Để làm được, tất yếu phải xây dựng, phát huy tốt nhất tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức nước ta.

Các giải pháp xây dựng đội ngũ tri thức theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” bao gồm:

- Thứ nhất, hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức. 

- Thứ hai, xây dựng, thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức.

- Thứ ba, tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức.

- Thứ tư, đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức.

- Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức.

Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội. Ngày nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, vai trò của đội ngũ tri thức càng được đề cao như là nguồn lực quan trọng đặc biệt của mỗi quốc gia trong cuộc chạy đua, cạnh tranh toàn cầu./.


Các tin khác