Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lê-nin đã khẳng định rằng, “chúng ta có quyền tự hào và quả thật chúng ta tự hào là đã có cái hân hạnh được bắt đầu việc xây dựng Nhà nước Xô-viết và do đó mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đổi mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc”[1].
Hồ Chí Minh đã viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[2].
Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó là chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo.
Từ ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, các dân tộc bị áp bức trên thế giới đã vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và lựa chọn con đường XHCN để xây dựng đất nước. Cách mạng Việt Nam là một trong những bằng chứng hùng hồn về sự phát triển đó.
CNXH hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã phát triển trở thành hệ thống thế giới, cách mạng thế giới bước vào một thời kỳ phát triển mới. Trong nhiều thập niên, (60-80 của thế kỷ XX)Liên Xô từng là chỗ dựa vững chắc cho các phong trào cách mạng trên thế giới đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống họa phát xít, vì hoà bình, dân chủ, chủ nghĩa xã hội và tiến bộ xã hội. Tuy vậy do sai lầm về vận dụng học thuyết Mác - Lênin vào xây dựng CNXH ở các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô, sai lầm trong công tác xây dựng Đảng (Tổng Bí thư NPT- kỷ niệm 100 CM 10 Nga) kết hợp với sự phá hoại của các thế lực thù địch với CNXH, nhất là các thế lực ở phương Tây đã làm cho CNXH ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào những năm cuối thập niên tám mươi và đầu thập niên chín mươi của thế kỷ XX, đỉnh điểm là sự sụp đổ của Liên Xô sụp vào tháng 8 năm 1991. Lợi dụng cơ hội này, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với CNXH càng trở nên quyết liệt hơn. Một mặt, chúng lớn tiếng công kích, bôi nhọ, phủ nhận ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười. Mặt khác, chúng ra sức cổ xuý cho cái gọi là “đa nguyên, đa đảng”, phủ nhận các nguyên tắc mác-xít về Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng XHCN. Các phần tử chống cộng đã lớn tiếng tuyên bố về sự “cáo chung” của CNXH hiện thực; sự “lạc hậu, lỗi thời” của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chúng cố tình đồng nhất sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô với sự thất bại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trên thực tế, cả lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, Cộng Hòa dân chủ Nhân Dân Lào và Triều Tiên đã bác bỏ những luận điệu của thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo lịch sử, mưu toan xoá bỏ ảnh hưởng, tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười.
Mặc dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhất là giai đoạn cuối thế kỷ XX khi CNXH ở Đông Âu và Liên Xô bị sụp đổ, phong trào cách mạng XHCN tạm thời lắng vào thoái trào, tuy vậy sức sống, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước kiên trì con đường đi lên CNXH. Với những thành tựu to lớn, nhất là ở Việt Nam, Trung Quốc càng cũng cố niềm tin vào CNXH của nhân dân tiến bộ thế giới, đồng thời là tác nhân thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi, phát triển của phong trào cách mạng thế giới, điển hình như một số nước ở Mỹ La-tinh đã tuyên bố quyết tâm vượt qua CNTB, xây dựng đất nước theo mô hình CNXH thế kỷ XXI vì lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động.
Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, mở đầu là thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đứng lên đấu tranh lật đổ chính quyền thực dân-phong kiến, lập nên bộ máy Nhà nước dân chủ kiểu mới vào ngày 2/9/1945- Nhà nước liên minh công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đặt nền móng cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam; tiếp sau đó là kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tháng 5 năm 1954 bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, và giải phóng hoàn toàn miền Nam, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc.
Hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn bước ngoặt lịch sử mới tiến lên xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước. Mặc dù phải trải qua những quanh co, khúc khuỷu và có cả những vấp váp sai lầm trong quá trình lãnh đạo, nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với lý luận chủ nghĩa mác- Lênin, kiên định với con đường XHCN mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới từ Đại hội VI (1986) và các lần Đại hội tiếp theo cùng với việc ban hành cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Đảng ta tiếp tục phát triển, bổ sung hoàn thiện đường lối đổi mới, thể hiện trong các văn kiện Đại hội VII (năm 1991) đến Đại hội XII (năm 2015) của Đảng và đã giành được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực cả trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, uy tín của Việt Nam ngày càng được nêu cao trên trường quốc tế. Điều đó càng chứng minh hùng hồn cho CNXH hiện thực ở Việt Nam chẳng những không bị thoái trào mà ngày càng có khả năng tạo ra bước phát triển mới.
Hiện nay, cục diện thế giới đang có những biến động phức tạp và sâu sắc, tác động mạnh mẽ cả về tích cực và tiêu cực, thách thức tới sự nghiệp cách mạng nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta kiên trì sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với CNXH là tiếp tục con đường đi lên CNXH mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra. Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đó là khát vọng của nhân dân ta, và là mục tiêu, định hướng mà Đảng ta lãnh đạo để biến nó thành hiện thực ở Việt Nam./.
[1] V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2006, tập 44, tr.184-185
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr.301