Tư tưởng chính trị của Lênin từ Cách Mạng Tháng mười Nga - những giá trị trường tồn

Phù hợp với xu thế phát triển khách quan của lịch sử, mục đích của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế là tạo lập một chế độ xã hội mới trong đó không có tình trạng người bóc lột người, tự do của mỗi người sẽ là tạo điều kiện tự do cho tất cả mọi người. Lênin là người đã vận dụng xuất sắc những nguyên lý khoa học cách mạng của Mác và Ăngghen vào thực tiễn nước Nga, nơi có những tiền đề trực tiếp để trở thành trung tâm của cách mạng thế giới. Đến đầu thế kỷ XX, vào thời kỳ cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi, những tư tưởng chính trị Mácxít đã trở thành thực tiễn sôi động không chỉ ở nước Nga mà còn ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Lênin đã phát triển sâu rộng và sáng tạo những tư tưởng chính trị mácxít thành hệ thống lý luận chính trị. Thông qua thực tế của Cách mạng Tháng Mười Nga, những tư tưởng của Lênin đã cổ vũ các lực lượng cần lao trên thế giới kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thứ nhất, lịch sử nhân loại không tự giới hạn ở nền văn minh tư sản như giai cấp tư sản mong muốn, kể cả cái gọi là nền “văn minh thứ ba” của nó, nếu nó còn mang tệ nạn người áp bức, bóc lột người, dân tộc này áp bức dân tộc khác trên nền tảng chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Chế độ tư bản không phải là vĩnh hằng. Loài người sẽ tiếp tục phát triển để đi đến một chế độ xã hội cao hơn, tốt đẹp hơn, phù hợp với bản chất, danh hiệu và nguyện vọng của con người.

Thứ hai, trong tiến trình phát triển của xã hội đương đại, giai cấp công nhân là giai cấp có nhiều triển vọng phát triển nhất, là giai cấp được lịch sử giao phó cho sứ mệnh trọng đại là cùng toàn thể lực lượng khác, tiến bộ sáng tạo ra một chế độ xã hội tốt đẹp hơn. Giai cấp công nhân hiện đại ngày càng lớn về số lượng và chất lượng, ngày càng được mở rộng về cơ cấu ngành nghề, được nâng cao về trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật, thật sự có khả năng tập hợp xung quanh mình mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ khác trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng chung và vì tương lai tươi sáng của những người lao động.

Thứ ba, khả năng liên minh chính trị của giai cấp công nhân và khả năng lãnh đạo của nó đối với các lực lượng xã hội khác chỉ có thể trở thành hiện thực khi nó có một chính đảng mác xít – người đại biểu cho mục đích và con đường hoạt động cách mạng của mình. Chính đảng của giai cấp công nhân là nơi biểu hiện tập trung trách nhiệm lịch sử, trí tuệ, lương tâm và danh dự của giai cấp ấy.

Thứ tư, cách mạng là một quá trình lịch sử lâu dài nhằm hoàn thiện không ngừng đời sống xã hội theo chiều hướng tiến bộ của lịch sử.  Cách mạng không chỉ có nghĩa là xóa bỏ “cái cũ” bằng bạo lực và xây dựng “cái mới” tách rời điều kiện khách quan cho phép. Rất nhiều lần, Lênin đã nhấn mạnh cách mạng là sáng tạo. Lênin nhận thức rất rõ quá trình chuyển biến lịch sử từ chế độ tư bản chủ nghĩa lên chế độ cộng sản chủ nghĩa không phải là một quá trình phát triển xã hội hoàn toàn theo quy luật tiến hóa thuần túy tự nhiên, không phải là một quá trình chuyển biến êm ả, mà là một cuộc đấu tranh gay gắt, dai dẳng trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tình cảm, đạo đức…

Bắt đầu cho quá trình này là việc bằng phương pháp này hay phương pháp khác, bạo lực lực hay thuyết phục, hòa bình hay xung đột vũ trang, trên cơ sở liên minh được với các lực lượng xã hội tiến bộ khác, giai cấp công nhân đã có chính đảng lãnh đạo mình – phải giành được mục tiêu cơ bản trước mắt là giành chính quyền - tức là giành lấy quyền làm chủ xã hội, làm chủ nhà nước về mình, đồng thời về toàn thể nhân dân lao động cùng chung một mục đích tự giải phóng khỏi tình trạng áp bức, bóc lột.

Học thuyết chính trị của Lênin có một giá trị lịch sử trọng đại. Với toàn bộ hệ thống lý luận và cả một đời chiến đấu cách mạng không mệt mỏi của mình, Lênin là người có công đầu trong quá trình bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận bắt đầu trở thành thực tế trong đời sống xã hội trên một phần trái đất./.


Các tin khác