Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Đánh giá về một số hạn chế, yếu kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, Nghị quyết 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đã nhận định: “… Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý. Phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới, nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên…”

Không nằm ngoài hạn chế trên, trong những năm qua, để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được giao, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã rất quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố đội ngũ giảng viên của mình nhằm hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều lý do đến nay đội ngũ giảng viên của trường vẫn chưa hoàn thiện, vẫn còn thiếu về số lượng và chưa mạnh về chất lượng. Cụ thể: số lượng giảng viên trong tổng số biên chế của Trường chưa đủ so với yêu cầu; chất lượng của một số giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu cho việc phục vụ công tác giảng dạy và vận dụng, liên hệ thực tiễn; khả năng tổng kết thực tiễn để liên hệ vào bài giảng còn hạn chế.

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên; trên cơ sở Nghị quyết 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, Kết luận số 117-KL/TW ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Kế hoạch số 19/KH-HVCTQG ngày 17/2/2016 của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về thực hiện Kết luận số 117-KL/TW ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng và ban hành Đề án Đổi mới công tác công tác giảng dạy của giảng viên và đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đối với học viên của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015-2020. Trong đó đã xác định các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận. Các giải pháp được xác định đó là: xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, bố trí đủ ở các chuyên ngành đào tạo; đào tạo về chuyên môn; nâng cao trình độ lý luận chính trị; bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực; bồi dưỡng kiến thức giảng dạy về khoa học kỹ năng lãnh đạo, quản lý; đổi mới công tác nghiên cứu thực tế; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học; chú trọng công tác đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên và tăng cường công tác thao giảng, dự giờ, thanh tra, kiểm tra về giáo dục- đào tạo theo hướng đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.

Ban Giám hiệu nhà trường đã tích cực triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp đã đề ra trong Đề án, trong đó đáng chú ý là nhà trường đã xây dựng các kế hoạch như: quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Trường Chính trị giai đoạn 2015-2020; kế hoạch 06/KH-TCT ngày 03/02/2017 về cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở giai đoạn 2017-2020, đã được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt và triển khai thực hiện và quy định xử lý, khen thưởng giảng viên đối với kết quả lấy phiếu phản hồi của học viên, kết quả thao giảng, dự giờ. Bên cạnh đó, việc đa dạng các hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên cũng được nhà trường quan tâm, kiên quyết thực hiện. Các hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính, tự luận và vấn đáp đều bảo đảm được thực hiện trên mỗi lớp học.

Đến nay Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã có được 22 giảng viên, trong đó: 06 giảng viên chính, 16 giảng viên. (ngoài ra còn có 07 tập sự giảng viên là nguồn bổ sung cho lực lượng giảng viên trong 3 năm tới). Trong đó: nam: 08, nữ: 14; giảng viên là thành viên Ban Giám hiệu: 03, giảng viên công tác tại các phòng: 06, giảng viên tại 04 khoa: 13;  đang học nghiên cứu sinh: 02; thạc sĩ: 13; đang học cao học: 02 và đại học: 05; cử nhân chính trị, cao cấp chính trị: 12, trung cấp chính trị: 04. Phần lớn đội ngũ giảng viên có năng lực chuyên môn giỏi, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, nhiệt tình tâm huyết với nghề nghiệp. 

Hầu hết giảng viên của Trường đều xác định việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy là một tất yếu khách quan đối với hệ thống trường chính trị; do vậy, luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Đội ngũ giảng viên của Trường đã chú trọng nâng cao kỹ năng sử dụng giáo án điện tử, phương pháp giảng dạy tích cực, kết hợp giữa lý luận với thực tiễn, lấy học viên làm trung tâm tăng cường trao đổi, đối thoại với người học…

Nhờ tích cực thực hiện các giải pháp đã đề ra trong Đề án mà đội ngũ giảng viên của Trường đã từng bước trưởng thành, chất lượng giảng dạy lý luận chính trị từng bước được nâng lên rõ rệt, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức sau khi tốt nghiệp ra trường phát huy hiệu quả tốt hơn..

Nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận là việc làm cần thiết, mang tính chiến lược, lâu dài. Với sự quyết tâm của lãnh đạo nhà trường, sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy, sự đoàn kết, nhất trí, đồng tâm hiệp lực của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của nhà trường, chúng tôi tin tưởng chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình thuận ngày càng được nâng lên, đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh nhà ngày càng tốt hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.


Các tin khác