Điểm nhấn trong công tác quản lý ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận

Trong thời gian qua Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao hàng năm; một trong những giải pháp được Trường xem là điểm nhấn tạo nền tảng, bước đột phá đó chính là công tác quản lý, điều hành trong môi trường giáo dục chính trị.

Nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch và quản lý nội dung, chương trình

 Hàng năm, nhà trường chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch mở lớp sát với thực tế, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện; chấp hành nghiêm các quy định về nội dung, chương trình, đồng thời, tổ chức biên soạn tài liệu cho các hệ lớp liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh trong tình hình mới.

Thực hiện tốt quản lý học viên ở tất cả các khâu như: tuyển sinh; chọn cử giáo viên chủ nhiệm của trường và nơi mở lớp; công tác thi, chấm thi; nghiên cứu thực tế và phối hợp quản lý, đánh giá chất lượng học viên cuối khóa.

Đổi mới phương pháp dạy học

Phương pháp dạy học bao gồm phương pháp giảng dạy (của giảng viên) và phương pháp học tập (của học viên) đều lấy học viên làm trung tâm. Nhà trường đã có nhiều hình thức bồi dưỡng cho giảng viên về đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua học tập phương pháp giảng dạy, hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn liên khoa… và đặc biệt là việc chuẩn bị giáo án lên lớp.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá: Coi trọng việc phân tích kết quả thi hết phần học, qua đó giúp giảng viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy, giúp học viên biết tự đánh giá kết quả học tập để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong học tập. Bồi dưỡng giảng viên về kỹ năng ra đề, soạn đáp án và chấm bài thi bằng hình thức tự luận, trắc nghiệm và cả hỏi thi vấn đáp; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình với từng cấp độ: Biết, thông hiểu, vận dụng sáng tạo.

Công tác hành chính quản trị

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính và cơ sở vật chất theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, trong thời gian qua, Trường đã ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế khen thưởng; đảm bảo kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ, giảng viên và học viên. Bên cạnh đó, thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng; tích cực huy động các nguồn kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tỉnh giao hàng năm.

Đổi mới công tác thi đua

Nhà trường luôn chú trọng đổi mới công tác thi đua, đảm bảo tính khoa học, công bằng, công khai từ khâu xây dựng các tiêu chí, triển khai thực hiện đến việc kiểm tra đánh giá. Kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Gắn liền việc khen và thưởng một cách hợp lý và xứng đáng (cả khen chuyên đề và đột xuất), để phong trào thi đua thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người đoàn kết, cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm và thi đua, khen thưởng, làm cơ sở điều chỉnh quản lý, bố trí chương trình, giảng viên và việc sử dụng phương pháp, phương tiện giảng dạy; chỉ đạo bổ sung vào chương trình những thông tin cần thiết sát với tình hình địa phương và yêu cầu của đối tượng. Đặc biệt, tổ chức tốt phong trào “Thi đua dạy giỏi, công tác tốt” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò người đứng đầu, xây dựng và tạo môi trường sự đoàn kết thống nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

Cải tiến hội họp

Ban Giám hiệu chỉ đạo phòng chức năng phải có kế hoạch cho các cuộc họp trong tháng, quý và năm. Các cuộc họp cần chuẩn bị trước các nội dung và gửi trước cho từng thành viên dự họp xem và chuẩn bị nội dung phát biểu trong cuộc họp nhằm giảm thời gian triển khai và tăng thời gian bàn bạc, thảo luận các giải pháp, biện pháp thực hiện, điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng các cuộc họp. Tăng cường chỉ đạo bằng văn bản, thông tin, thông báo, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tạo cơ sở pháp lý nhằm ràng buộc trách nhiệm đối với các thành viên trong hội đồng mà trước hết là các phòng, khoa chuyên môn và các tổ chức đoàn thể trong trường.

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn

Trong những năm qua, Công đoàn nhà trường có những hoạt động thiết thực, phù hợp, đóng góp tốt hơn việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Vì đây là lực lượng nòng cốt để đáp ứng nhu cầu đổi mới giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trong các hoạt động phong trào. Trong đó, việc chủ động và cải tiến phương thức tổ chức dự giờ đối với giảng viên trẻ và giảng viên công tác lâu năm ở các khoa để tạo điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuyển tải kiến thức, tổ chức lớp học và tăng cường công tác trợ giảng đối với giảng viên mới là cơ sở để các ý tưởng đổi mới phát huy hiệu quả. Những giải pháp, những sáng kiến hữu ích của cán bộ, giảng viên không chỉ mang đến sự “tươi mới” trong hoạt động dạy và học mà còn thúc đẩy đội ngũ nhà giáo, người lao động chủ động tham gia phong trào, làm cho phong trào có chiều sâu, có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý

Trong quản lý, Đảng ủy, Ban Giám hiệu luôn ý thức và tránh đi sâu vào công tác hành chính, sự vụ, càng không nhằm quản lý con người mà quan trọng là quản lý công việc, quản lý kế hoạch. Chỉ có quản lý công việc thì đội ngũ công chức viên chức, lao động đơn vị mới tự chủ, sáng tạo và mang lại hiệu quả thực sự, còn quản lý con người thì họ sẽ làm việc chỉ với mục đích đối phó.

Đổi mới quản lý trong đơn vị không chỉ đổi mới cách làm của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng mà còn đổi mới quản lý từ Trưởng phòng, khoa chuyên môn, các tổ chức đoàn thể trong trường. Sự phân cấp này được thể hiện rõ nét trong nhà trường, đặc biệt là nâng cao vai trò của Trưởng phòng, khoa chuyên môn, Trưởng các tổ chức đoàn thể và các hội đồng tư vấn làm sao cho việc phát huy vai trò tư vấn thật đầy đủ các chức năng quản lý. Vì vậy trong công tác quản lý của đơn vị, dựa vào các yêu cầu của chuẩn và điều kiện thực tế; Đảng ủy, Ban Giám hiệu chỉ đạo xây dựng kế hoạch ngắn, trung, dài hạn và lộ trình thực hiện… thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hoạt động cao với thời gian tối thiểu...

Những điểm nhấn nhằm thực hiện đổi mới công tác quản lý ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận thời gian qua đều có mối liên quan hữu cơ, luôn gắn kết và tác động thúc đẩy nhau để phát triển. Muốn thực hiện đổi mới quản lý trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới thì tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu, đội ngũ cán bộ chủ chốt nhà trường phải có tinh thần chủ động đổi mới, có quyết tâm cao, phải luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi; đặc biệt là phải tư duy để lựa chọn và thực hiện đồng bộ các giải pháp thật sự phù hợp với môi trường giáo dục chính trị mà mình quản lý, làm sao khơi dậy cho tất cả thành viên trong nhà trường sát cánh cùng với Đảng ủy, Ban Giám hiệu thực hiện việc đổi mới quản lý trong nhà trường gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Thường trực Tỉnh ủy giao./.

 


Các tin khác