Từ chính sách “Cộng sản thời chiến” đến “Chính sách kinh tế mới” của Lênin và sự vận dụng của Đảng ta trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN

“Chính sách kinh tế mới” của V.I.Lênin vẫn mang giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại to lớn, là tiền đề để Đảng ta xây dựng và phát triển nền tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay.

Sau Cách mạng tháng 10 Nga 1917, một cuộc cách mạng có ý nghĩa lịch sử trọng đại không chỉ đối với nước Nga, mà còn đối với toàn thế giới, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Nước Nga bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, đến cuối năm 1918, nội chiến đã nổ ra ở nước Nga, trong nước bọn địa chủ, bọn tư bản bị lật đổ đã nổi dậy chống Chính quyền Xô-viết. Từ bên ngoài, nước Nga chịu sự bao vây cấm vận, can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc do Anh, Pháp cầm đầu hòng bóp chết Nhà nước Xô-viết còn non trẻ. Cuộc nội chiến và can thiệp của nước ngoài làm cho nước Nga càng thêm khó khăn chồng chất.

Trước tình hình đó, V.I.Lê-nin nêu khẩu hiệu: “Tất cả cho tiêu diệt kẻ thù” và thi hành Chính sách “Cộng sản thời chiến”.

Nội dung cơ bản của Chính sách “Cộng sản thời chiến” bao gồm các vấn đề như: Trưng thu lương thực thừa của nông dân, Nhà nước độc quyền mua bán lúa mì để cung cấp cho thành thị và quân đội; Nhà nước kiểm soát việc sản xuất và phân phối sản phẩm không những đối với đại công nghiệp mà cả trung và tiểu công nghiệp; Quốc hữu hóa cả những xí nghiệp vừa và nhỏ, có từ 5 công nhân trở lên (nếu có động cơ) và 10 công nhân trở lên dù không có động cơ; Cấm buôn bán trao đổi sản phẩm ở trên thị trường, nhất là lúa mì, thực hiện chế độ tem phiếu, trực tiếp phân phối bằng hiện vật cho người tiêu dùng, xóa bỏ ngân hàng nhà nước; Đặt chế độ lao động cưỡng bức với nguyên tắc: “Không làm thì không ăn”.

Nhờ thực hiện Chính sách “Cộng sản thời chiến” mà Nhà nước Xô-viết mới có lương thực để cung cấp cho quân đội và nhân dân, bảo đảm đánh thắng thù trong giặc ngoài.

Cuối năm 1920, nội chiến kết thúc, nước Nga chuyển sang thời kỳ xây dựng chế độ xã hội mới. Do đó, Chính sách “cộng sản thời chiến” đã hoàn thành vai trò lịch sử tạm thời của nó, vì chính sách này không còn kích thích nông dân hào hứng sản xuất, nông dân nhiều nơi đã tỏ ra bất mãn với Chính sách “Cộng sản thời chiến”, khối liên minh công nông có nguy cơ tan vỡ. Do đó, ngay sau hòa bình lập lại, Lênin đã lãnh đạo chuyển sang “Chính sách kinh tế mới” (NEP).

Nội dung cơ bản của Chính sách kinh tế mới là: Bãi bỏ chế độ trưng thu lương thực thừa thay vào đó là thuế lương thực; Những xí nghiệp nhỏ trước đây bị quốc hữu hóa, nay cho tư nhân thuê hay mua lại để kinh doanh tự do (chủ yếu là xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng); Phát triển mạnh tiểu, thủ công nghiệp; Cho phép mở rộng trao đổi hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp, cho thương nhân được tự do hoạt động (chủ yếu trên lĩnh vực bán lẻ) để góp phần khôi phục kinh tế, củng cố lại lưu thông tiền tệ trong nước, chú trọng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, phát triển kinh tế hàng hóa; Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; Thực hiện chế độ hạch toán kinh doanh trong các xí nghiệp quốc doanh.

Một trong những nội dung quan trọng đầu tiên của NEP là hướng về nông dân, thực hiện chế độ thu thuế lương thực, cho phép người nông dân sau khi nộp thuế cho nhà nước được tự do buôn bán, trao đổi sản phẩm. Cơ chế này đã khuyến khích hàng hóa sản xuất nhiều và lưu thông nhanh chóng, quyền lợi của người nông dân tỷ lệ thuận với sự tích lũy của xã hội.

Quan điểm của V.I.Lênin trong NEP còn đề cập đến phát triển kinh tế nhiều thành phần, phát triển quan hệ hàng hóa tiền tệ, phát triển thị trường. Theo V.I.Lênin, giai cấp vô sản sau hai cuộc chiến tranh không có kinh nghiệm quản lý và do vậy, không có khả năng khẳng định sở hữu xã hội đối với tất cả các tư liệu sản xuất của xã hội. Để phát triển lực lượng sản xuất trong điều kiện mới hình thành, cần phải kiên quyết duy trì nền kinh tế nhiều thành phần. Hay nói cách khác, trong thời kỳ ban đầu, ngoài phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa có vai trò chủ đạo thì cần phải cho phép tồn tại những phương thức sản xuất khác bao gồm kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, sản xuất hàng hóa nhỏ, chủ nghĩa tư bản tư nhân, tư bản nhà nước.

Theo V.I.Lênin: “Tất cả các đồng chí đều phải làm kinh tế. Bên cạnh các đồng chí sẽ có những nhà tư bản, cũng sẽ có những nhà tư bản nước ngoài... Họ sẽ làm giàu bên cạnh các đồng chí. Cứ để cho họ làm giàu; còn các đồng chí thì sẽ học ở bọn họ cách quản lý kinh tế, chỉ có như thế, các đồng chí mới xây dựng được nước cộng hòa cộng sản chủ nghĩa”[1]

Như vậy, có thể thấy về bản chất, chính sách NEP là phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, vì nó đáp ứng được yêu cầu của các quy luật kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH là nền kinh tế hàng hóa và có nhiều thành phần. Là tiền đề để Đảng ta kế thừa, phát triển lý luận và thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã vận dụng và đưa nền kinh tế nước ta phát triển theo Chính sách kinh tế mới của V.I.Lê-nin trong điều kiện và hoàn cảnh mới, không ngừng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện.

Tại Đại hội IX của Đảng xác định “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[2].

“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc”[3]

Đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”[4]

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nhĩa ở Việt Nam là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và là sự lựa chọn định hướng chiến lược của Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Và Sự thành công trong định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức, vận dụng đúng đắn các quy luật của kinh tế thị trường của các chủ thể để phát triển hiệu quả kinh tế gắn với phát triển xã hội của đất nước.

Ngày nay, tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường như Đảng ta đã khẳng định. Song, chủ nghĩa Mác - Lênin và ý nghĩa, giá trị hiện thực của “Chính sách kinh tế mới” của Lênin vẫn mang tính thời đại, thể hiện tư duy và tầm nhìn vượt bậc của một lãnh tụ thiên tài. Là tiền để để Đảng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vững mạnh, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước trên con đường đúng đắn mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn./.

 


[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t. 44, tr. 209

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia , Hà Nội, 2001, tr. 86.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia , Hà Nội, 2001, tr. 87.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Văn phòng TƯ Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 102-103.

 


Các tin khác