Đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cách mạng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận với nhiệm vụ trọng tâm là trang bị một cách cơ bản, hệ thống những tri thức lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng cho học viên. Qua hơn 5 thập kỷ, đội ngũ công chức, viên chức nhà trường, đặc biệt là đội ngũ giảng viên không ngừng nỗ lực, phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng cho các thế hệ cán bộ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh đáp ứng nhiệm vụ cách mạng qua từng thời kỳ. 

Trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công tác cán bộ nói chung, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nói riêng đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với tổ chức và hoạt động của các trường chính trị nói chung và Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận nói riêng. Nghị quyết Đại hội XI xác định một nhiệm vụ quan trọng là: “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục công dân trong hệ thống các trường chính trị...”. Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 26/5/2014 cũng yêu cầu trong toàn Đảng và nhất là hệ thống các trường chính trị phải nỗ lực “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”. Xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển mới trong đó nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên các trường chính trị cần được quan tâm hàng đầu.

Để nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng theo yêu cầu sự nghiệp đổi mới, mỗi giảng viên cần phải ra sức học tập rèn luyện, tu dưỡng, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, kiến thức thực tiễn, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm.

Do đối tượng người học ở các trường chính trị là cán bộ, công chức, viên chức, những người đang công tác trên các lĩnh vực khác nhau, nên rất “nhạy cảm” và “khó tính”. Họ có chính kiến, có nhận xét, thậm chí đánh giá, phê phán về bài giảng của giảng viên, về trình độ nhận thức, kiến thức thực tiễn của người dạy một cách khách quan, nghiêm khắc và sát thực. Vì thế đòi hỏi mỗi giảng viên phải luôn chủ động nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn thuộc chuyên ngành mà mình giảng dạy, những vấn đề trong quá trình giảng dạy đặt ra cần giải quyết, đồng thời phải là một người tự học và học tập suốt đời để theo kịp với thực tiễn luôn biến đổi không ngừng trên quan điểm “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục” và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người huấn luyện phải là học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình - Người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi thì người đó là dốt nhất”.

Đối với giảng viên, công tác giảng dạy luôn được coi trọng nhưng mới chỉ là một nửa của hoạt động chuyên môn. Người giảng viên phải dành thời gian đầu tư nghiên cứu khoa học góp phần tổng kết kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận trong những năm qua có nhiều khởi sắc, chú trọng nhiều hơn đến chất lượng nghiên cứu, hoạt động.

Hiện nay, nhà trường đã triển khai một số hoạt động như hoạt động sinh hoạt thời sự vào thứ hai hàng tuần giúp giảng viên cập nhật thông tin thời sự diễn ra trong tuần và vận dụng vào nội dung bài giảng của mình, hay triển khai thực hiện đề án đưa giảng viên về nghiên cứu thực tế ở địa phương, đây là điểm nhấn quan trọng nhằm giúp giảng viên “đi sâu, đi sát” chức năng, hoạt động của các ban, ngành địa phương.

Phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn là trách nhiệm của mỗi giảng viên, nhưng Ban Giám hiệu của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã có sự đầu tư, quan tâm thể hiện qua việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá đúng thực chất và năng lực chuyên môn của từng giảng viên để trên cơ sở đó có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học và coi đó là một trong những nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà trường luôn quan tâm cử giảng viên tham gia học các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị; cử giảng viên tham dự các hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, … do các cấp, ngành ở Trung ương và địa phương tổ chức. Nhờ tích cực học tập, nên trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của đội ngũ giảng viên ngày càng được tăng lên. Tính từ năm tái lập tỉnh Bình Thuận (năm 1992), trường chỉ có 07 giảng viên; trình độ chuyên môn chỉ là đại học, không có giảng viên nào có trình độ thạc sỹ. Hiện tại tổng số giảng viên và tập sự giảng viên của nhà trường là 26 đồng chí, giảng viên là 22 đồng chí, trong đó giảng viên chính là 06 đồng chí; trình độ thạc sỹ có 13 đồng chí, 02 đồng chí đang học nghiên cứu sinh.

Có năng lực chuyên môn phải có phẩm chất đạo đức trong sáng thì năng lực mới được phát huy theo hướng tích cực. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo; người cách mạng thì phải có đạo đức, không có đạo đức thì không lãnh đạo được nhân dân”. Các yếu tố thuộc về năng lực và phẩm chất đạo đức, lối sống của giảng viên trường chính trị cấu thành một chỉnh thể, không tách rời, không thể có yếu tố này mà thiếu yếu tố kia. Không thể chấp nhận được đối với một giảng viên chính trị có năng lực, kiến thức chuyên môn sâu, khả năng truyền đạt tốt mà thiếu nhân cách. 

Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới và trong nước đang có những diễn biến rất phức tạp thì hơn lúc nào hết, đội ngũ giảng viên trường chính trị phải thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; có ý thức tự giác trong việc tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; có tính tổ chức, kỷ luật cao; thực hiện nghiêm các quy chế, quy định. Đồng thời, giảng viên phải truyền đạt và hướng cho học viên của mình có suy nghĩ đúng và việc làm đúng theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong điều kiện kinh tế thị trường, sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường hết sức quyết liệt vào đội ngũ giảng viên. Hiện tượng “thương mại hoá” trong giáo dục đã xảy ra ở nơi này, nơi khác, nếu chúng ta không thường xuyên ý thức đầy đủ mình là người giảng viên của trường chính trị, phải giữ gìn uy tín của nhà trường thì cũng rất dễ đánh mất truyền thống tốt đẹp mà nhiều thế hệ đi trước đã dày công vun đắp. Điều đó nhắc nhở chúng ta không được chủ quan, có thể ngày hôm qua là tốt đẹp nhưng ngày hôm nay nếu chúng ta không thường xuyên tự rèn luyện mình thì rất dễ đánh mất, trong tất cả cái mất thì mất uy tín là cái mất lớn nhất.

Phát huy truyền thống cách mạng của hơn 55 năm xây dựng, bước vào giai đoạn mới, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận phải không ngừng phấn đấu vươn lên. Người giảng viên phải có trình độ chuyên môn, kiến thức sư phạm, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiến thức thực tiễn, sâu sát cơ sở và gương mẫu trong lời nói, việc làm./.


Các tin khác