Từ năm 1992 đến 1994, khoa đã tham gia giảng dạy 27 lớp ở các loại chương trình khác nhau. Đây là một trong những nỗ lực rất đáng kể của khoa nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ của tỉnh nhà. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy khoa còn tham gia nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế, việc nghiên cứu khoa học chưa được quy định thành các công trình như bây giờ. Để phục vụ công tác giảng dạy, khoa cũng đã tham gia vào đề tài khoa học cấp tỉnh về “Mô hình và con đường hình thành người bí thư cấp ủy, chủ tịch xã, phường, thị trấn của tỉnh Bình Thuận”. Về hoạt động nghiên cứu thực tế, mỗi giảng viên phải có 20 ngày để thâm nhập thực tế nhằm thu thập những thông tin, những vấn đề từ thực tiễn của địa phương để nâng cao chất lượng các bài giảng, tăng thêm tính thuyết phục đối với người học.
Đến năm 1995, Trường Đảng tỉnh Bình Thuận được đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận và thành lập 04 khoa: Lý luận cơ sở; Công tác Đảng; Nhà nước và pháp luật; Dân vận, nhưng do lực lượng giảng viên còn thiếu nên chỉ thành lập Khoa Nhà nước và pháp luật do đồng chí Bùi Tấn Hưng được điều chuyển từ vị trí Phó Trưởng khoa Lịch sử Đảng và Đường lối chính sách sang làm Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật. Lúc này khoa Lịch sử Đảng và Đường lối chính sách chỉ còn hai đồng chí. Bắt đầu từ giai đoạn này nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ tỉnh nhà ngày càng tăng, nhưng lực lượng giảng viên lại mỏng, trường đã đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ và lựa chọn nguồn cán bộ bổ sung cho lực lượng giảng viên. Từ 1995 đến 1998 trường nhận về 18 đồng chí nhưng bổ sung cho lực lượng giảng viên cũng chưa nhiều chỉ có 02 đồng chí một biên chế ở khoa Nhà nước và pháp luật, một ở khoa Công tác Đảng. Nhìn lại hoạt động của Khoa Công tác Đảng trong giai đoạn này có thể thấy rằng, tập thể khoa luôn nỗ lực và cống hiến hết mình cho sự nghiệp đào tạo cán bộ cho tỉnh nhà, nhất là khi thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII), bắt đầu từ năm 1997 Trường đã mở lớp tăng gấp đôi so với năm 1996, nhưng số lượng giảng viên trong khoa không thay đổi, đòi hỏi toàn khoa phải tập trung hết sức lực mới có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Mặc dù công tác giảng dạy chi phối nhiều thời gian, nhưng khoa cũng đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học với đề tài cấp trường: “Đánh giá kết quả sau đào tạo trung học chính trị đối với đội ngũ cán bộ cấp xã ở tỉnh Bình Thuận” do đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Xê, Trưởng khoa làm chủ nhiệm đề tài.
Năm 2010, khoa Xây dựng Đảng được thành lập trên cơ sở tách khoa Công tác Đảng, do đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Xê làm Trưởng khoa, lúc này lực lượng giảng viên của khoa đã tăng lên 06 đồng chí. Tuy nhiên, đến đầu năm 2012 đồng chí Trưởng khoa nghỉ hưu, đồng chí Lê Thị Tuyết Vân Phó Trưởng khoa Dân vận được điều động về làm Trưởng khoa và một số đồng chí được luân chuyển về các khoa khác, số lượng giảng viên của khoa còn lại 04 đồng chí, nhưng số môn do khoa đảm trách cũng khá nhiều so với các khoa khác. Tiếp nối truyền thống của khoa qua các thời kỳ, tập thể khoa luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng cộng đồng trách nhiệm, cùng chia sẻ công việc của nhau giữa các thành viên để hoàn thành các tiêu chuẩn giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế theo quy định của Học viện và nhiệm vụ do Ban Giám hiệu phân công hàng năm.
Nét nổi bật dễ nhận thấy về hoạt động của khoa Xây dựng Đảng so với các giai đoạn trước là lực lượng giảng viên trẻ hơn, 03 đồng chí có trình độ thạc sỹ và soạn giảng giáo án điện tử theo chương trình Powerpoint, đã kết hợp đồng bộ, hài hòa những phương pháp giảng dạy truyền thống với những phương pháp giảng dạy tích cực, khoa cũng đã thường xuyên cải tiến, nâng cao chất lượng ra đề kiểm tra, đề thi hết môn học, đề thi tốt nghiệp và thông qua nhiều hình thức như trắc nghiệm, vấn đáp, tự luận; tăng thời lượng cho thực hành và xử lý các bài tập tình huống. Qua đó, từng bước khơi dạy tính tích cực, chủ động của học viên trong những giờ lên lớp đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Ngoài ra, khoa luôn cố gắng duy trì hoạt động thao giảng, dự giờ, giảng tập, giảng duyệt, trong những năm qua, các giảng viên trong khoa luôn được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp trường, giảng viên dạy giỏi cấp Học viện 02 đồng chí.
Đối với nhiệm vụ nghiên cứu thực tế khoa luôn tổ chức đi nghiên cứu thực tế cả tập thể khoa và liên khoa. Việc nghiên cứu thực tế luôn trãi đều ở tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, khoa chủ động xây dựng kế hoạch và đi nghiên cứu theo chủ đề, cuối năm có báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế. Gần đây thực hiện đề án nghiên cứu thực tế của Trường, 01 giảng viên của khoa đã tham gia đi thực tế ở cơ sở trong 6 tháng. Nhờ vậy các giảng viên và chuyên viên có điều kiện cập nhật kiến thức từ thực tế, diễn biến tình hình của địa phương trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trong công tác Xây dựng Đảng đưa vào bài giảng nhằm tăng thêm tính thuyết phục, giúp học viên vừa nắm vững lý luận, vừa bám sát thực tiễn cuộc sống để dễ vận dụng vào thực tiễn công tác của mình sau này. Trong công tác nghiên cứu khoa học, ngoài những đề tài cấp khoa đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực như nâng cao chất lượng dự giờ, nâng cao chất lượng giảng tập, giảng duyệt; khoa còn tham gia đề tài khoa học cấp trường về xây dựng đề cương bài giảng các phần II, IV, V tham gia viết giáo trình phần VI về tình hình nhiệm vụ địa phương; tiến hành xây dựng bộ đề thi trắc nghiệm phần II. Các thành viên trong khoa còn tham gia viết bài đăng bản tin, Website của trường, hầu như công trình khoa học các năm của các thành viên trong khoa đều đạt và vượt.
Những kết quả đạt được như trên là thành quả đáng trân trọng và khích lệ của tập thể khoa Xây dựng Đảng trong những năm qua, đã kế thừa và tiếp tục truyền thống của khoa qua các giai đoạn, với quyết tâm vươn lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.