Quan điểm của Hồ Chí Minh về lực lượng thanh niên trong cách mạng giải phóng dân tộc

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến lực lượng thanh niên. Bằng kinh nghiệm bản thân và tầm nhìn xa của một thiên tài, Người đã đánh giá đúng vai trò của thanh niên, dành rất nhiều nỗ lực, tâm huyết cho việc tổ chức, dẫn dắt các thế hệ thanh niên đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không phụ lòng tin của người, thanh niên Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã thực hiện trọn sứ mệnh lịch sử ấy.

 

Khi còn là thanh niên, với một khát vọng cháy bỏng về lý tưởng giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. Vốn là một thanh niên sớm tham gia hoạt động yêu nước và am tường về lịch sử dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua các nhà cách mạng đương thời cũng như hạn chế của thời đại để có nhận thức đúng đắn về vai trò của thanh niên trong lịch sử nước nhà và tầm quan trọng của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước sau này. Với nhãn quan chính trị sâu sắc, Người đã sớm nhận thức vai trò quan trọng của thanh niên đối với tương lai và vận mệnh của dân tộc: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc”[1].

Chính từ việc sớm phát hiện được vai trò của thanh niên như vậy nên trong thời gian làm việc ở Ban Phương Đông – Quốc tế Cộng sản, nhiều lần Nguyễn Ái Quốc đề nghị được trở về gặp gỡ thanh niên yêu nước đang ở Quảng Châu (Trung Quốc) để thực hiện ý nguyện: “Tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do – độc lập”[2]. Cuối năm 1924, sau khi tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đến  Quảng Châu, hoạt động chính của Người tập trung chủ yếu vào việc mở lớp huấn luyện về chủ nghĩa Mác – Lênin để đào tạo cán bộ đưa về nước hoạt động, thành lập tổ chức “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” (hay còn gọi là “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội”. Đây chính là tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản mà hội viên hầu hết đều ở tuổi thanh niên.

Những hạt giống đầu tiên do Người dạy dỗ, dìu dắt trực tiếp đã tạo nên một thế hệ cách mạng mới nhanh chóng trưởng thành cả về nhận thức và hành động, đảm đương những chức vụ quan trọng của Đảng khi đang ở tuổi thanh niên như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư ở tuổi 26; Nguyễn Đức Cảnh là người chủ tịch đầu tiên của Công hội đỏ tham gia Hội nghị thành lập Đảng khi mới 22 tuổi; Nguyễn Thị Minh Khai tham gia Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở tuổi 25; Lê Hồng Phong được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản lúc 33 tuổi.

Không chỉ dừng lại ở việc giác ngộ, đào tạo cán bộ cách mạng mà cũng từ rất sớm, với tầm nhìn xa trông rộng của mình, Nguyễn Ái Quốc còn rất quan tâm tới việc trang bị cho họ những kiến thức chính trị, quân sự cần thiết cho cuộc đấu tranh vũ trang sau này. Viêc gửi một số thanh niên ưu tú vào học ở trường quân sự Hoàng Phố như: Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh, Lê Thiết Hùng, Lê Hồng Sơn, Phùng Chí Kiên,... nhằm chuẩn bị lực lượng nòng cốt cho đội quân cách mạng tương lai đã thể hiện rõ quan điểm đó của Người. Không ít người trong số đó đã trở thành những tướng lĩnh cao cấp của quân đội ta sau này. Sự nghiệp cách mạng ngày một phát triển đã đến lúc cần phải có một đội quân cách mạng vũ trang, một lần nữa lòng tin của Người vào thế hệ trẻ được thể hiện khi quyết định giao cho Võ Nguyên Giáp khi còn rất trẻ đứng ra thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944). Chính lòng tin của Người vào thế hệ trẻ nói chung và đối với bản thân Võ Nguyên Giáp nói riêng đã góp phần tạo nên một vị tướng kiệt xuất không chỉ của Việt Nam mà cả trong lịch sử quân sự nhân loại.

Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, một lần nữa vai trò của thanh niên đối với vận mệnh nước nhà được thể hiện. Ở Hà Nội, mặc dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng với sự nhạy bén với thời cuộc và trách nhiệm trước lịch sử, người thanh niên 26 tuổi Nguyễn Khang đã quyết định Hà Nội phải đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần làm nên thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám trong cả nước, ở Huế, Thanh niên Tin tuyến (tức Thanh niên Phan Anh); ở Sài Gòn, Thanh niên Tiền phong (tức Thanh niên Phạm Ngọc Thạch) là lực lượng nòng cốt trong khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

So với những nhà cách mạng tiền bối hoặc cùng thời trong cách sử dụng lực lượng thanh niên thì Nguyễn Ái Quốc “Được vũ trang bằng thế giới quan khoa học, Nguyền Ái Quốc đã nhìn nhận và sử dụng thanh niên khác về chất. Trước Nguyễn Ái Quốc, các lãnh tụ của các phong trào cách mạng chỉ nhìn nhận và sử dụng thanh niên như một phương tiện để đạt mục đích của mình. Với Nguyễn Ái Quốc, tình hình hoàn toàn khác. Trong toàn bộ hoạt động cách mạng của mình, trên bình diện lí luận cũng như trong thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc hoàn toànthực sự đặt lòng tin cậy của mình vào lớp người trẻ tuổi, đặc biệt là thanh niên trí thức yêu nước”[3].

Như vậy, từ tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng do Người sáng lập, giáo dục và rèn luyện là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là bước trưởng thành nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Nét đặc trưng của cả hai tổ chức này là hội viên - đảng viên đều là những người trong độ tuổi thanh niên và chính là lực lượng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Không dừng lại ở tổ chức, huấn luyện, hướng thanh niên đi con đường đi của dân tộc, Nguyễn Ái Quốc tin tưởng giao việc, giao trách nhiệm cho những người, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, những trọng trách nặng nề, ngay khi cách mạng còn non trẻ cũng như trong chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Không phụ lòng tin tưởng của Người, lớp lớp thanh niên Việt Nam, từ những người giữ cương vị cao nhất của Đảng, Nhà nước, quân đội đến những người không được lịch sử ghi tên, đã kế tiếp nhau làm nên những chiến công hiển hách trong thời đại Hồ Chí Minh và đang viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc. Với những gì đã làm được, thanh niên Việt Nam thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo, lực lượng xung kích, mở đường và làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thế kỉ XX.

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn ghi nhận, đề cao vai trò của thanh niên, đặt trọn niềm tin vào thê hệ trẻ, lịch sử đã khẳng định vai trò và vị trí của thanh niên, là rường cột của nước nhà. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã hoạch định những chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, trong đó có việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ thanh niên. Đồng thời, thanh niên cũng sẽ là nhân tố quan trọng, xung kích thực hiện những nhiệm vụ chiến lược đó./.

 


[1] Hồ Chí Minh (2000): Toàn tập, Tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.398

[2] Hồ Chí Minh (2000): Toàn tập, Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.192

[3]  Phạm Xanh (2002): Hồ Chí Minh, Dân tộc và thời đại, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.74

 


Các tin khác