Lý luận về “đấu tranh giai cấp” trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”

Trong di sản lý luận của C. Mác và Ph.Ăng ghen, “Tuyên ngôn của đảng cộng sản” giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Đây có thể coi là một tác phẩm then chốt, nền tảng của lý luận chính trị trong chủ nghĩa Mác. Lần đầu tiên, tác phẩm của hai ông đã hệ thống hoá những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác, thể hiện đầy đủ ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - kinh tế chính trị học, chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, chủ nghĩa xã hội khoa học dưới dạng cô đọng nhất.

Với ý nghĩa là cương lĩnh chính trị của giai cấp vô sản,  "Tuyên ngôn" đã trang bị về lý luận cách mạng cho giai cấp vô sản, trang bị thế giới quan cách mạng, phương pháp tư duy biện chứng duy vật cho giai cấp vô sản, giúp cho giai cấp vô sản tránh được tình trạng mò mẫm và tính chất tự phát trong tiến trình cách mạng của giai cấp mình. Những nguyên lý trình bày trong "Tuyên ngôn" đã được vận dụng và kiểm nghiệm trong thực tiễn qua Công xã Pari, Cách mạng tháng Mười và các phong trào cách mạng của giai cấp vô sản trên toàn thế giới.

170 năm đã trôi qua kể từ khi Tuyên ngôn của đảng cộng sản ra đời. Trong khoảng thời gian ấy rất nhiều biến đổi to lớn đã diễn ra trên thế giới. Thực tiễn thời đại ngày nay khẳng định sự đúng đắn của các nguyên lý cơ bản mà C.Mác, Ph.Ăngghen đã nêu trong Tuyên ngôn, trong đó có lý luận về đấu tranh giai cấp.

C.Mác và Ph.Ăngghen nêu rõ trong Tuyên ngôn: "Bất cứ  cuộc đấu tranh giai cấp nào cũng là một cuộc đấu tranh chính trị"[1]. Như vậy, về thực chất, đấu tranh chính trị là đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp, hay đấu tranh chính trị là một chủ đề lớn xuyên suốt tác phẩm Tuyên ngôn. Với chủ đề này trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen không chỉ phân tích cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, mà ở mức độ cao hơn, các ông đã khái quát nâng lên thành lý luận về đấu tranh giai cấp, nêu rõ khái niệm và những đặc điểm của nó. Theo các ông, đấu tranh giai cấp có những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, đấu tranh giai cấp xuyên suốt lịch sử xã hội có giai cấp và là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: "Lịch sử tất cả các xã hội từ trước đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp"[2]. Với nhận định đó, Tuyên ngôn đã đưa ra nguyên lý về đấu tranh giai cấp như là một nguyên lý phổ biến, là đặc trưng và là động lực thúc đẩy những biến đổi xã hội trong các xã hội đã phân chia thành giai cấp.

Thứ hai, đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh mang tính chất quyết liệt giữa hai giai cấp đối kháng và "bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau"[3]. Luận giải cho điều đó, Tuyên ngôn đã phân tích quá trình phát triển của cuộc đấu tranh chính trị giữa giai cấp vô sản và tư sản, tính chất triệt để của nó, đồng thời khẳng định niềm tin chắc chắn rằng sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản là tất yếu như nhau.

Thứ ba, đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và tư sản là cuộc đấu tranh có tổ chức, có sự lãnh đạo của Đảng. Trong Tuyên ngôn C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ rằng, từ thực tiễn đấu tranh, những người vô sản bắt đầu liên hiệp lại và đi đến thành lập các đoàn thể chuẩn bị trước cho những cuộc đấu tranh. Sự tổ chức ấy của những người vô sản tạo điều kiện cho sự ra đời của chính đảng vô sản. Tuyên ngôn có đoạn: "Sự tổ chức như vậy của những người vô sản thành giai cấp và do đó thành chính đảng, luôn luôn bị sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau phá vỡ. Nhưng nó luôn luôn được tái lập và luôn luôn mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, hùng mạnh hơn"[4]. Như vậy, sự lãnh đạo của chính đảng vô sản là cần thiết khách quan. Nó đánh dấu bước trưởng thành của phong trào vô sản từ tự phát đến tự giác, hướng cuộc đấu tranh theo lý tưởng chính trị nhất định, là điều kiện để bảo đảm cho thắng lợi của giai cấp vô sản.

Thứ tư, đấu tranh giai cấp là đấu tranh có mục đích rõ ràng: giành, giữ chính quyền. Chính vì vậy, Tuyên ngôn đã xác định rõ mục đích trước mắt của những người cộng sản trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản là giành lấy chính quyền.

Thứ năm, đấu tranh giai cấp về thực chất là nhằm giải phóng về kinh tế. Tuyên ngôn cho thấy rằng, việc giai cấp tư sản lật đổ sự thống trị của giai cấp phong kiến là nhằm thiết lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, tạo ra lực lượng sản xuất mới. Cũng như vậy, nếu giai cấp vô sản thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống trị, thì nó sẽ dùng bạo lực tiêu diệt những quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới, tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển. Quan điểm này về sau được Ph.Ăngghen khái quát lại: "Bất cứ cuộc đấu tranh giai cấp nào cũng đều là đấu tranh chính trị,- xét đến cùng, đều xoay quanh vấn đề giải phóng về kinh tế"[5].

Thứ sáu, đấu tranh giai cấp còn là đấu tranh giữa các ý thức hệ, được tiến hành thường xuyên và liên tục. C.Mác và Ph.Ăngghen cũng xác định rõ nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng đối với Đảng cộng sản: "Không một phút nào Đảng cộng sản lại quên giáo dục cho công nhân một ý thức hết sức sáng rõ về sự đối kháng kịch liệt giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, để khi có thời cơ thì công nhân Đức biết sử dụng những điều kiện chính trị và xã hội do sự thống trị của giai cấp tư sản tạo ra, như là vũ khí chống lại giai cấp tư sản"[6]. Luận điểm này trong Tuyên ngôn cho đến nay vẫn còn rất có ý nghĩa. Thực tiễn cho thấy rằng cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng vẫn diễn ra hằng ngày hằng giờ ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Cuộc đấu tranh chống "diễn biến hoà bình" ở nước ta là một bằng chứng cho thấy tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh này. Cho nên, trong các văn kiện nghị quyết, Đảng Cộng sản Việt Nam đều coi công tác tư tưởng - lý luận là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng.

Khi nghiên cứu vấn đề đấu tranh giai cấp trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, cũng cần lưu ý một luận điểm nữa về cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, cuộc đấu tranh này sẽ dẫn tới giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong cuộc đấu tranh này, giai cấp vô sản sẽ trở thành giai cấp thống trị, tiêu diệt những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đồng thời nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện tồn tại của sự đối kháng giai cấp, tiêu diệt các giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính nó với tư cách là một giai cấp.

Mác đã từng nói Ông và Ăngghen không phải là người phát hiện ra giai cấp và đấu tranh giai cấp, trước ông từ lâu các nhà sử học và kinh tế học đã phân tích sâu sắc về giai cấp và đấu tranh giai cấp, công lao của ông là ở chỗ khẳng định rằng cuộc đấu tranh giai cấp của  giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản nhất định dẫn tới chuyên chính vô sản và nền chuyên chính này là điều kiện cần thiết để quá độ lên một xã hội không còn giai cấp.

Thế như­ng quan điểm đó của Mác bị một số người hiểu lầm và bị kẻ thù xuyên tạc. Họ ra sức chứng minh rằng Mác đã sai lầm ở chỗ khẳng định rằng. Lịch sử loài người từ khi xuất hiện đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp, cố tình quên chú thích của Mác và Ăngghen nói rằng lịch sử - kể từ khi chế độ công hữu ruộng đất nguyên thuỷ tan rã - là lịch sử đấu tranh giai cấp. Họ ra sức chứng minh rằng ngoài sự độc tôn đấu tranh giai cấp là động lực chính của sự phát triển lịch sử, Mác và Ăngghen không còn biết động lực nào khác, mặc dù trong thực tế hai ông để công nhiều cho việc phân tích vai trò động lực của sự phát triển lực lượng sản xuất cũng nh­ư vai trò to lớn của sự liên kết, hợp tác giữa người và người trong tiến trình phát triển của lịch sử. Họ cố tình làm cho người ta hiểu lầm rằng với Mác và Ăngghen đấu tranh giai cấp chỉ là hành vi bạo lực của giai cấp này dùng để tiêu diệt giai cấp khác nhằm giành lấy chính quyền phục vụ cho quyền lợi của riêng giai cấp mình và để kéo dài mãi mãi tình trạng phân chia giai cấp, xung đột giai cấp…

Không ít những kẻ thù địch đối với chủ nghĩa xã hội đã lợi dụng triệt để những sai lầm, thiếu sót của các n­ước xã hội chủ nghĩa trong quá trình thực hiện chính sách cải tạo giai cấp bóc lột… để phủ nhận học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác.Trong tình hình đó, việc nghiên cứu với thái độ nghiêm túc nguyên lý về đấu tranh giai cấp mà Mác, Ăngghen nêu trong Tuyên ngôn và vận dụng sáng tạo nguyên lý đó vào điều kiện hiện nay là một đòi hỏi bức bách.

Vận dụng lý luận về đấu tranh giai cấp trong tuyên ngôn ở nư­ớc ta hiện nay Đảng đã khẳng định: “Mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng”[7]. Thực chất đấu tranh giai cấp ở Việt Nam hiện nay là đấu tranh chống khuynh hướng tự phát tư bản chủ nghĩa và các thế lực thù địch với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nội dung của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay là “thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng nư­ớc nghèo, kém phát triển, thực hiện công bằng xã hội, chống áp bức, bất công, đấu tranh ngăn chặn và khắc phục những tư tưởng và hành động tiêu cực, sai trái, đấu tranh làm thất bại mọi âm m­u và hành động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng n­ước ta thành một n­ước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc[8].

Tóm lại, phấn đấu giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội, cho con đư­ờng xã hội chủ nghĩa, tránh được con đ­ường tư bản chủ nghĩa đau khổ và đã lỗi thời về mặt lịch sử bằng một sự nghiệp vĩ đại vừa xây dựng sáng tạo, vừa cải tạo sâu sắc trên tất cả các mặt của đời sống xã hội - Đó là nội dung cơ bản và bao trùm của đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ ở nư­ớc ta, là ý nghĩa của sự vận dụng sáng tạo lý luận về đấu tranh giai cấp của C. Mác - Ph.Ăngghen trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”./.

 


[1] C.Mác và Ph.Angghen, Toàn  tập, Nxb CTQG, HN, T. 4, 1995, tr. 608.

[2] Sđd, tr. 596

[3] Sđd, tr. 596.

[4] Sđd, tr. 609.

[5] C.Mác và Ph.Angghen, Toàn  tập, Nxb CTQG, HN, T. 21,  2002, tr. 441.

[6] Sđd, t.4, tr. 645.

[7] ĐCSVN: Văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ IX, NXB CTQG, H. 2001. Tr.85.

[8] ĐCSVN: Văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ IX, NXB CTQG, H. 2001. Tr.22.

 


Các tin khác