Ghi nhận bước đầu về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và công tác dân vận của xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong

Phan Dũng là một xã miền núi, vùng cao, nằm ở phía Bắc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thị trấn Liên Hương 42 km về phía Đông. Phan Dũng có diện tích tự nhiên 35.320,40 ha, toàn xã có 881 khẩu, trên 90% dân tộc Rắc lay sinh sống. Điểm đặc biệt, xã không có tổ chức tôn giáo. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tình hình kinh tế - xã hội và công tác dân vận của xã đã có nhiều nét đổi mới.

Làm việc với chúng tôi, đồng chí Mai Thị Phương Phuống - Phó Bí thư Đảng ủy xã và đồng chí Hoàng Văn Duy - Chủ tịch UBND xã đã cho biết một số nét về tình hình chung của địa phương.

Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã có nhiều điểm đáng chú ý, là xã nông nghiệp nên thu nhập chủ yếu của bà con từ trồng trọt và chăn nuôi. Với tổng diện tích đất trồng trọt của xã là 328,98 ha trong đó, bà con chủ yếu là trồng lúa (271,08 ha), bắp (39 ha), mè (2,5 ha), điều (16 ha) với sản lượng khá ổn định. Về chăn nuôi, bà con chủ yếu nuôi theo kiểu thả rông với số lượng không lớn: bò (1.023 con), dê (242 con), heo (128 con).

Về văn hóa - xã hội: Số hộ đạt gia đình văn hóa 170/216 hộ (chiếm tỷ lệ đạt 78,70%); hộ nghèo giảm còn 40 hộ so với năm 2017 là 52 hộ; hộ cận nghèo còn 18 hộ so với năm 2017. Giữ chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, mầm non và THCS mức độ I, huy động trẻ vào lớp 1 đạt 100%, trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 105%. Nhìn chung, tuy còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội của xã phát triển khá toàn diện, đạt và vượt kế hoạch mà địa phương đề ra. So với các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, hiện xã đã đạt 8 tiêu chí, còn 11 tiêu chí chưa đạt; trong đó, có các tiêu chí về: hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, an ninh, trật tự  xã hội, chợ nông thôn, thủy lợi…        

Về công tác dân vận, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ngày càng hướng mạnh về địa bàn dân cư, từ đó đã thu hút nhiều đối tượng tham gia vào hoạt động của tổ chức Hội, đoàn thể. Đến nay có 465 đoàn viên, hội viên trong toàn xã và 53 cốt cán chính trị. Từng tổ chức Hội không ngừng tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực trong hoạt động giúp nhau cùng phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, tận dụng từ nhiều nguồn chính sách ưu đãi, đặc biệt là Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo, vốn vay vùng khó khăn cùng với chính sách tăng kinh phí bảo vệ rừng… các Hội, đoàn thể đã phối hợp tạo điều kiện giúp đỡ các hội viên và nhân dân trong việc phát triển sản xuất từ đó nâng mức thu nhập và góp phần ổn định đời sống của nhân dân. Nhờ vậy, số hộ khá, giàu của xã đã được nâng lên là 20 hộ, 141 hộ trung bình và giảm hộ nghèo, cận nghèo hàng năm. Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã vận động các cơ quan, đơn vị ủng hộ xây dựng 01 công trình điện thắp sáng các tuyến đường trong khu dân cư với kinh phí 5.000.000 đồng; vận động “Quỹ Vì người nghèo” được 1.474.000 đồng đạt 100%, “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” được 3.500.000 đồng, đạt tỷ lệ 175%; vận động các cơ quan, đơn vị ủng hộ quỹ “Tiếp bước cho em đến trường” được 6.100.000 đồng, đạt 122% so chỉ tiêu giao và cấp phát kịp thời cho các em học sinh…

Tuy nhiên, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể của xã còn nhiều hạn chế:  từng tổ chức Hội còn thụ động, chưa thật sự phát huy hết trách nhiệm được giao, chưa đi sâu nghiên cứu từng đối tượng cụ thể để có kế hoạch, giải pháp vận động, tuyên truyền phù hợp. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể có việc thiếu chặt chẽ, có hiện tượng trùng lắp, chồng chéo dẫn đến tổng kết, thống kê thiếu chính xác, nhất là các cuộc vận động mang tính nhân đạo, các phong trào thi đua yêu nước. Các cuộc vận động chống suy thoái về đạo đức, lối sống thực dụng; thực hiện nếp sống văn minh trong dân cư,… đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện mô hình phát triển kinh tế (trồng trọt, chăn nuôi) do địa phương đầu tư vẫn còn hạn chế, do không có kinh phí và kinh nghiệm của bà con trong trồng trọt, chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, đời sống các hộ dân nhìn chung còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp. Mặt khác, công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại thiếu kịp thời.

Do vậy, đối với Phan Dũng, để có thể tiếp tục phát huy những mặt đạt được và khắc phục những hạn chế về phát triển kinh tế - xã hội và công tác dân vận; thời gian đến, địa phương cần thực hiện tốt những vấn đề sau đây:

Một, tranh thủ mọi nguồn lực của địa phương, của huyện, tỉnh và Trung ương; trong đó, chú trọng việc xã hội hóa để phát triển các mô hình kinh tế. Hướng dẫn bà con tiếp tục chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với các kỹ thuật mới. Nâng cao đời sống của nhân dân, cải thiện thu nhập bình quân đầu người hàng năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo.

Hai, hướng mạnh các hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể gần dân, sát dân nhằm thu hút nhân dân đến với các tổ chức. Đổi mới cách thức thực hiện mối quan hệ giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc; phát huy vai trò chủ động sáng tạo của các tổ chức thành viên; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với UBND; giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên và các ngành trong xã.

Ba, phát huy lực lượng cốt cán chính trị; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời ngăn chặn và giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn phát sinh ngay từ đầu. Thường xuyên quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội.

Bốn, thường xuyên kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện, uốn nắn khắc phục những hạn chế trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của từng bộ phận, cá nhân cán bộ, công chức. Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cán bộ, công chức và nhân dân hiểu và chấp hành. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ của xã tiếp tục tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới của xã Phan Dũng trong tương lai không xa./.


Các tin khác