Trách nhiệm về quản lý giáo dục của chính quyền cấp xã

Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giáo dục và đào tạo liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ hết sức hệ trọng là chuẩn bị nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Trong thời kỳ đổi mới, quan điểm xuyên suốt được Đảng ta khẳng định đó là cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nâng cao, bồi dưỡng và phát  huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhà nước có trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo thế hệ tương lai của đất nước, trách nhiệm đó được giao cụ thể cho các cơ quan chức năng trong bộ máy nhà nước, trong đó chính quyền cấp xã có trách nhiệm to lớn trong hoạt động quản lý giáo dục tại địa phương.

Điều 14, Luật Giáo dục năm 2005 đã xác định Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch, thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, và tại Khoản 4, Điều 100, Luật Giáo dục năm 2005 cũng đã quy định Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện liên quan về thực hiện hiệu quả sự nghiệp giáo dục tại địa phương. Theo đó, tại  Điều 10, Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đã cụ thể hóa và quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Uỷ ban nhân dân cấp xã theo thẩm quyền như sau:

Thứ nhất, xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cấp xã duyệt kế hoạch phát triển giáo dục ở địa phương; tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục ở địa phương khi được phê duyệt; đầu tư hoặc tham gia đầu tư xây dựng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập, trung tâm học tập cộng đồng theo quy định của Ủy ban nhân cấp huyện; phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng quy hoạch về đất cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo tiêu chuẩn quy định về trường chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thứ hai, cho phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; chịu trách nhiệm kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn.

Thứ ba, thực hiện xã hội hóa giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, vận động nhân dân chăm lo cho giáo dục, phối hợp với nhà trường chăm lo giáo dục con em thực hiện nếp sống văn hóa mới, tham gia bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các công trình văn hóa, các công trình giành cho hoạt động học tập, vui chơi của học sinh; huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục của xã.

Thứ tư, thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo theo định kỳ và đột xuất về lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền được giao theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Thứ năm, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức đăng ký, huy động tối đa người trong độ tuổi đi học để bảo đảm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tạo điều kiện cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Thứ sáu, quản lý trung tâm học tập cộng đồng; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở trên địa bàn.

Ngoài ra, về giáo dục nghề nghiệp, Uỷ ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ  thực hiện quản lý theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp: “Uỷ ban nhân dân cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp trên về phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn xã”.

Đảng và Nhà nước ta xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng và toàn dân, điều đó có nghĩa là giáo dục là một trong những vấn đề nhà nước ta chú trọng và quan tâm, luôn ưu tiên trước hết trên mọi lĩnh vực và giáo dục có vai trò rất quan trọng đối với vận mệnh của đất nước, mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đều phải coi trọng và quan tâm đầu tư phát triển.

Cấp xã là cấp cuối cùng trong bộ máy hành chính bốn cấp của nhà nước ta, là cấp gần dân nhất, quản lý mọi mặt của đời sống nhân dân và là cấp chính quyền quản lý quan trọng nhất trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Chính vì vị trí quan trọng như thế, nên trách nhiệm về vấn đề quản lý giáo dục của chính quyền cấp xã là một trách nhiệm nặng nề và cần phải chú trọng. Để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thiết nghĩ chính quyền cấp xã cần tiếp tục quan tâm hơn nữa về việc thực hiện tốt hơn  nhiệm vụ của mình về quản lý mọi mặt của hoạt động giáo dục, trong đó cần chú trọng việc thực hiện ngân sách giáo dục, về chủ trương xã hội hóa giáo dục và về vấn đề phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác.

Tóm lại, giáo dục là điều kiện để phát  huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản cho phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế mà quản lý hoạt động giáo dục nói chung và hoạt động quản lý hoạt động giáo dục ở cấp xã nói riêng cần tiếp tục chú trọng và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bởi: “Muốn xây dựng đất nước trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài” như vua Quang Trung đã viết trong Chiếu lập học năm 1788./.


Các tin khác