Để tìm hiểu nhân cách và tư tưởng yêu nước của cụ Nguyễn Sinh Sắc đến nhân cách, ý chí cứu nước của Nguyễn Tất Thành cần đánh giá đầy đủ về khuynh hướng tư tưởng và hoạt động thực tiễn trong suốt cuộc đời của cụ, đặc biệt là những năm tháng của tuổi niên thiếu mà Nguyễn Tất Thành được sống gần gũi bên người cha của mình.
Trong những năm dạy học ở quê nhà, Nguyễn Sinh Sắc có điều kiện đi sâu vào cuộc sống của nhân dân, giao du tiếp xúc với nhiều sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Vuơng Thúc Qúy, Đặng Thái Thân. Những nơi ông đến là những nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi và anh dũng. Trong gia đình, Nguyễn Tất Thành là người được ông yêu thương và đặt nhiều hy vọng nhất, đi đến đâu ông cũng thường cho đi cùng, nhờ vậy mọi việc làm, mọi lời nói cử chỉ hàng ngày của ông đều đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc tới Nguyễn Tất Thành. Đặc biệt là những cuộc đàm luận đã có ảnh hường sâu sắc tới tư tưởng yêu nước của Nguyễn Sinh Sắc góp phần giúp cho Nguyễn Tất Thành có nhiều suy nghĩ về con đường sẽ lựa chọn. Khi nghe bọn thực dân Pháp tuyên truyền về cuộc đại cách mạng tư sản Pháp, Người đã suy nghĩ và muốn tìm hiểu bản chất của nó. Sau này Người đã nhắc lại ý nghĩ của mình trong giai đoạn này:
Vào trong tuổi 13, lần đầu tiên, tôi được nghe những từ Pháp “Tự do - Bình đẳng - Bác ái… thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những từ ấy”. Thời kỳ này phong trào yêu nước phát triển mạnh trong cả nước với nhiều khuynh hướng khác nhau, Nguyễn Sinh Sắc đi nhiều, thăm dò, đàm luận đắn đo suy nghĩ nhưng không nghiêng hẳn về một xu hướng nào. Vì thế ông không hành động theo một tổ chức nào kể cả phong trào Đông du của Phan Bội Châu, bạn chí thân của ông. Hai ông cùng chung tư tưởng yêu nước và mục đích cứu nước nhưng làm thế nào để cứu nước thì mỗi người suy nghĩ và hành động theo một hướng. Cũng vì thế Nguvễn Tất Thành đã từ chối con đường Đông du ngay từ khi cụ Phan Bội Châu muốn đưa sang Nhật học tập.
Sau nhiều lần từ chối tháng 6-1906, Nguyễn Sinh Sắc vào Huế nhận chức Thừa biện bộ Lễ tại kinh đô Huế là trung tâm của thực dân phong kiến. Có điều kiện va chạm trực tiếp quan trường thực dân phong kiến. Lúc này ông mới thật hiểu nhân tình thế thái, hiểu sự thối nát của quan trường, hiểu cả những khó khăn, phức tạp và sự bế tắc của sự nghiệp cứu nước. Cụ nói với bà con: Người ta làm quan là để vinh thân phì gia nhưng tôi làm quan là để che thân. Bằng thực tế cuộc sống trong đám quan trường và của bản thân mình đang phải chịu đựng, ông chua xót nói với các giám sinh rằng: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hữu nô lệ” (Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ, lại càng nô lệ hơn). Tư tưởng tiến bộ, nhân cách cao thượng của người cha đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đậm nét trong con người Nguyễn Tất Thành lúc thiếu thời. Trong khi đa số các nhà Nho không muốn cho con vào học trường Pháp - Việt vì vào đây phải học chữ Tây. Nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc thì nghĩ khác: “Muốn đánh Tây thì phải hiểu Tây, muốn hiểu Tây thì phải học tiếng Tây. Cho nên cụ vẫn cho con đến trường học. Cụ Nguyễn Sinh Sắc cho rằng: - Đây là điều kiện tốt nhất để con của mình trực tiếp tiếp xúc với nền giáo dục Pháp và nền văn minh Pháp. Thời kỳ học tập ở kinh đô Huế, Nguyễn Tất Thành ở chung với cha cho nên mỗi lời nói, mỗi việc làm, phong cách sống hàng ngày của người cha thân yêu đều có tác động trực tiếp tới suy nghĩ hành động và phong cách của Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Sinh Sắc là người rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái, tuy ông bị thực dân Pháp khiển trách vì con trai ông học ở trường Quốc học Huế đã có những lời chống Pháp trước mặt thầy giáo và học sinh nhân có cuộc biểu tình của dân chúng chống thuế năm 1908 - Nhưng ông vẫn dạy bảo con cái theo cách suy nghĩ và cách nhìn của mình.
Tư tưởng tiến bộ và nhân cách cao thượng của cha. Những biến đổi lớn lao của xã hội nước ta trong những năm đầu thế kỷ 20, đặc biệt là vấn đề tự ý thức của bản thân đã làm cho tư tưởng yêu nước và lòng căm thù giặc của Nguyễn Tất Thành phát triển cao độ, thúc giục Nguời đi đến những hoạt động yêu nước sôi nổi và suy nghĩ theo con đường riêng của mình.
Trước khi đi vào các tỉnh phía Nam tìm đường ra nước ngoài, Nguyễn Tất Thành có lên Bình Khê thăm cha. Thấy con trai đến Bình Khê ông Nguvễn Sinh Sắc hỏi con:
“Con đến đây để làm gì?
Con đến đây để tìm cha.
Nghe vậy ông Nguyễn Sinh Sắc trìu mến nói với con:
Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có lợi ích gì?”[1]
Cuộc gặp gỡ đó càng thôi thúc thêm Nguyễn Tất Thành quyết tâm đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Trong những năm bôn ba ở nước ngoài, có lẽ hình Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một trong những niềm tin yêu nhất của Nguyễn Tất Thành giúp cho Nguời thêm nghị lực, thêm suy nghĩ hành động để chọn con đường nên đi và ngược lại trong những năm cuối đời mình hình ảnh người con thân yêu nhất Nguyễn Tất Thành cũng là niềm tin yêu nhất trong đời cụ. Cụ đã đặt niềm hy vọng nhất và đã có những nhắn nhủ cuối cùng. Vào khoảng tháng 9-1926, trước khi rời Sài Gòn bí mật sang Quảng Châu dự lớp Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Đồng chí Lê Mạnh Trinh đã đến chào tạm biệt cụ Nguyễn Sinh Sắc. Thông qua Lê Mạnh Trinh, cụ Nguyễn Sinh Sắc căn dặn người con trai của mình: “Cháu ra đi cố gắng. Bác nghe nói “Quốc” đương ở Quảng Châu. Cháu gặp thì nói: Bác vẫn khỏe, đừng lo... Cứ cố gắng làm việc, trung với nước tức là hiếu với Bác”[2]. Cụ Nguyễn Sinh Sắc là một nhân cách lớn. Nguyễn Tất Thành đã tiếp nhận được từ nhân cách và tấm gương yêu nước của người cha kính yêu để hình thành nên phong cách và chí hướng cách mạng của mình.
Trước hết đó là tấm gương về ý chí kiên cường quyết tâm vượt qua mọi gian khổ khó khăn để đạt cho được mục tiêu. Cụ Nguyễn Sinh Sắc là một điển hình của ý chí đó. Ông đã nêu cao tấm gương hiếu học, khổ học. Quá nửa đời người ông theo đuổi sự nghiệp vươn lên đỉnh cao của kiến thức, quyết tâm sắt đá đó để đạt cho được mục tiêu, đã trở thành tấm gương sáng cho con cái noi theo. Sau này ý chí cứu dân, cứu nước sôi sục thường trực, thiết tha, không nhụt chí, không nản lòng của Hồ Chí Minh chính là sự kế tục ý chí của thân phụ mình, nhưng mãnh liệt hơn, với mục tiêu cao cả hơn.
Tấm gương ý chí gắn liền với tấm gương lao động. Cụ Nguyễn Sinh Sắc từ nhỏ đã phải lao động chăn trâu, cắt cỏ, nấu ăn. Nguyễn Sinh Sắc không những là một học sinh thông minh hiếu học mà còn là một thiếu niên siêng năng trong lao động, hoạt bát trong sinh họat nết na lễ phép trong giao. Đỗ Phó bảng rồi ông vẫn cuốc đất làm vườn cùng với con cái. Nếu không có tấm gương và sự giáo dục đó của thân phụ mình, Nguyễn Tất Thành không thể khăng khái giơ hai bàn tay ra nói với bạn: Chúng ta đã làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Việc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trong tư cách là người lao động làm bồi tàu, quét tuyết, rửa ảnh, thủy thủ... giữ gìn nếp sống cần kiệm, giản dị quyết tâm đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác họ làm ăn thế nào rồi trở về giúp đồng bào, đó cũng chính là sự nối tiếp từ cách sống và chí huớng của người cha mình.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một nhà Nho cấp tiến có nhân cách cao thượng. Ông xem thường lễ nghi phong kiến khuyên răn con cái chớ có học đòi. Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình. Ông xem quan là những kẻ nô lệ nhất trong đám người nô lệ, khinh rẽ uy quyền, coi trọng đạo đức, giữ gìn nếp sống trong sạch, giản dị gần gũi với dân, thương yêu học trò. Ông cũng là người thức thời không bảo thủ, có tư tưởng tiến bộ, có tâm huyết, có chí hướng, sống giản dị. Có lẽ trong những năm tháng sống bên cạnh cha đã ảnh hưởng cho Nguyễn Tất Thành một nếp sống thanh cao, tư tưởng tiến bộ như thế.
Nhưng có lẽ tư tưởng thương dân của cụ Nguyễn Sinh Sắc mới là ảnh hưởng sâu sắc nhất, quyết định nhất đối với sự hình thành chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành. Lòng thương dân đó có gốc sâu xa từ trong cuộc đời của mình, từ nghèo khổ mà đi lên chịu ơn sâu nghĩa nặng của dân. Nguyễn Sinh Sắc là con người đôn hậu dễ xúc cảm, giàu lòng thương người vốn xuất thân nghèo khố lại sống gần dân. Cụ hiểu sâu sắc nỗi khổ của dân - Với nỗi khổ niềm thương dân vô hạn, trước khi vào nhận chức Thửa biện bộ Lễ ông chỉ để lại một ít ruộng cho người con gái Nguyễn Thị Thanh, còn nửa ông bán lấy tiền giúp cho nhưng người dân trong làng có người thân phải đi phu. Khi làm quan, dù ngắn ngủi cụ vẫn đứng hẳn về phía nhân dân, trừng trị bọn cường hào tông lý… hay ức hiếp dân bênh vực cho người nghèo. Hay khi bị thải hồi lòng thương dân của cụ càng bao la bát ngát, lòng thương dân của cụ càng sâu đậm cho nên nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân Đồng Tháp nói riêng rất thương yêu qúy trọng cụ, không chỉ vì cụ là một nhà Nho yêu nước chân chính mà còn là một thầy thuổc giỏi học rộng, giàu lòng thương người, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi gặp hoạn nạn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa, trước hết là truyền thống của gia đình, những con người cụ thể. Người được sống trong một gia đình mà mỗi người có một nét đẹp riêng. Trong đó, người cha, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là người có học thức cao, có nhân cách cao thượng, trong sáng, yêu nước, thương dân đã ảnh hưởng rõ nét đối với nhân cách và ý chí cứu nước của Hồ Chí Minh./.
[1] Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học về Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, 1990, tr.170.
[2] Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học về Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, 1990, tr.170-171.