Ghi nhận từ chuyến đi nghiên cứu thực tế tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận

Ngày 17/8/2018, đoàn trường Chính trị Bình Thuận gồm 16 đ/c do Ths. Nguyễn Thị Thuận Bích - TUV, Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn đã thực hiện chuyến đi nghiên cứu thực tế tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ngày đoàn chúng tôi về nghiên cứu thực tế tại xã là một ngày mưa tầm tã. Tuy nhiên, những cơn mưa to kia cũng không ngăn nổi những bước đi tìm hiểu, khám phá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại một xã vùng cao của tỉnh.

Xã Đa Mi là một trong 5 xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, thành lập năm 2002, có diện tích 14.538 ha, có 04 thôn, 29 tổ tự quản, 1.453 hộ với 5.373 nhân khẩu (trong đó 2.553 nữ; công dân 14 tuổi trở lên có 4.196 người). Hiện nay, xã có 09 dân tộc anh em đang sinh sống, người Kinh chiếm tỷ lệ đến 97,27% và các dân tộc khác như K’ho, Mường, Hoa, Tày, Nùng, Thái, Thổ, Khơ Me chiếm tỷ lệ thấp. Xã có 03 Tôn giáo gồm Đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm tỷ lệ trên 73%, Phật giáo 14% và Tin lành 0,2%. Đa số người dân của vùng là dân di cư tự do của 57 tỉnh, thành trong cả nước đến lập nghiệp trước và sau khi thành lập xã.

Đón tiếp đoàn trường là đ/c Bí thư xã cùng tập thể lãnh đạo UBND xã. Tại đây, đoàn chúng tôi được đ/c Ngô Xuân Vân - Bí thư xã báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IV, giữa nhiệm kỳ 2015-2020, phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ đến cuối nhiệm kỳ và báo cáo Tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ 07 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung những tháng còn lại cuối năm 2018 theo Nghị quyết số 16-NQ/ĐU, ngày 10/01/20178 của BCH Đảng bộ xã. Đảng ủy xã đã dồn sức tập trung lãnh đạo với quyết tâm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở địa phương.

Hiện nay, toàn xã có nhiều loại cây trồng có giá trị gia tăng cao được phát triển, phát huy được tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết. Một số cây trồng đã phát triển với quy mô lớn, sản xuất chuyên canh với các biện pháp thâm canh như sầu riêng, cà phê, điều,…với tổng diện tích các loại cây trồng trên địa bàn 2.307 ha, trong đó: diện tích cà phê 1.620 ha (tăng 175 ha), có 1.595 ha cho thu hoạch sản lượng đạt từ 3,5-4 tấn/ha/năm; điều 250 ha sản lượng đạt từ 1-1,2 tấn/ha/năm (tăng 79 ha). Ngoài ra, địa phương còn trồng các loại cây ăn quả khác như bơ, mít, xoài,… và các loại cây ngắn ngày như bắp 40 ha, đậu 35 ha; trồng mới 122 ha sầu riêng, cà phê 12 ha, bơ 85 ha chủ yếu xen canh trong diện tích cà phê.  Đối với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay, ở xã cũng có một mô hình trồng dưa lưới và ớt chỉ thiên công nghệ cao của hộ gia đình Trần Huy Hàm ở tổ 3, thôn Đa Tro.

Trong chăn nuôi, người dân trong xã tiếp tục phát triển đa dạng các loại con nuôi như bò, dê, heo, các loại gia súc, gia cầm,… cùng với các mô hình nuôi heo đen, heo lai, cừu,… góp phần ổn định thu nhập của nhân dân. Với lợi thế về điều kiện thời tiết không quá lạnh cũng không quá nóng, tại xã có một cơ sở nuôi cá tầm theo quy trình nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế GLOBAL GAP, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, an toàn với sức khỏe của công nhân và người tiêu dùng, rộng hơn 14.000 m2 lồng bè với sản lượng hàng trăm tấn cá thương phẩm mỗi năm. Công ty Cổ phần Tầm Long Đa Mi được thành lập năm 2008, là đơn vị chuyên sản xuất cá tầm tại lòng hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Hiện nay ngoài xuất khẩu, cá tầm Đa Mi còn cung ứng cho nhiều nơi trên toàn quốc.

Điểm nổi bật thứ hai của xã là công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động luôn được quan tâm. Xã đã mở 14 lớp hội thảo, tập huấn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, các loại cây trồng có năng suất cao; có 890 người tham dự; 16 lớp đào tạo nghề 180 người tham dự cấp chứng chỉ sau học tập. Ngoài ra, xã cũng tích cực vận động hội viên tham gia 02 tổ sản xuất Sầu riêng an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh xem xét.

Điểm nổi bật thứ ba của xã là quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Quyết định 491/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009 về ban hành tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Quyết định 342/QĐ-TTg, ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, sau 04 năm thực hiện xã đã đạt 9/19 tiêu chí. Tuy nhiên, với Quyết định 1980/QĐ-TTg  ngày 17/10/2016 về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, qua rà soát xã đã đạt 6/19 tiêu chí (4,7,10,12,16,19); năm 2018 phấn đấu thực hiện 3 tiêu chí (8,11,14) và tiếp tục theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra.

Trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã rất quan tâm thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng tương đối nhu cầu sinh hoạt của nhân dân được thực hiện theo cơ chế nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ. Hiện nay, xã đã triển khai làm 2,2 km đường bê tông xi măng với trị giá 2.054 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 411 triệu đồng và đang thi công thêm 1,5 km tại thôn La Dày, nhân dân đóng góp 218,7 triệu đồng.

Điểm nổi bật thứ tư của xã là công tác cấp quyền sử dụng đất cho nhân dân. Đến cuối năm 2017, xã đã cấp cấp quyền sử dụng đất cho 263 hộ với 376 hồ sơ với tổng diện tích là 136.59 ha. Trong đó, đất ở với diện tích là 29.600 m2, còn lại là đất nông nghiệp; đồng thời hoàn tất các hồ sơ còn lại chuyển về phòng Tài nguyên môi trường của huyện để tiếp tục cấp quyền sử dụng đất cho nhân dân.

Bên cạnh đó, lãnh đạo xã cũng thường xuyên quan tâm và thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình có công, người nghèo. Thực hiện mục tiêu “3 giảm” có hiệu quả, không có trọng án, không có tệ nạn ma túy trên địa bàn. Chính những điểm nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 31,2 triệu/người, vượt chỉ tiêu 30 triệu/người mà nghị quyết đã đề ra.

Bên cạnh những mặt đạt được, Đa Mi vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Tình hình vi phạm về đất đai, tài nguyên khoáng sản, rừng vẫn còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Một số chỉ tiêu đạt thấp, trong đó tỷ lệ tham gia BHYT chỉ đạt 52,76% so với mức bình quân chung của huyện và tỉnh là 79,66%. Trạm Y tế xã chưa được bố trí bác sĩ. Lãnh đạo xây dựng nông thôn mới chưa được tập trung đúng mức, chỉ đạt 5/19 tiêu chí và chưa vững chắc. An ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội có nơi, có lúc còn diễn biến phức tạp, nổi lên tình trạng đánh bạc tại thôn Đa Kim, Đa Tro và vùng giáp ranh chưa được triệt phá. Tình trạng thương lái cạnh tranh mua bán sầu riêng không lành mạnh, gây mất trật tự xã hội tại địa phương.

Để khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, Đảng ủy xã Đa Mi đã định những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:

Một là, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả thu nhập cao gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, xã cần khảo sát, đánh giá, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất để bảo vệ quyền lợi nông dân, chấm dứt tình trạng ép giá, tranh mua tranh bán nông sản,... Đưa phong trào sản xuất đi vào phát triển theo chiều sâu.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu còn đạt thấp, phấn đấu đến cuối năm hoàn thành 100% chỉ tiêu đã đề ra.

Ba là, tiếp tục huy động các nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường học, các thiết chế văn hóa, thể thao, tăng cường huy động sức dân trong phong trào làm giao thông nông thôn để sớm đạt mục tiêu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bốn là, tập trung kiểm điểm, chấn chỉnh, xử lý vi phạm đi đôi với tăng cường kiểm tra kiểm soát, đẩy lùi tình trạng vi phạm trong vấn đề lấn chiếm đất đai, khai thác khoáng sản trái phép. Phối hợp chặt chẽ với các ngành của huyện, tỉnh trong quản lý đất lâm nghiệp, rừng, tài nguyên khoáng sản thuộc xã.

Năm là, tiếp tục chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cho xã, nhất là cán bộ tại chỗ, gắn với củng cố, kiện toàn sắp xếp lại đội ngũ cán bộ xã, thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Và với tôi, được khám phá, trải nghiệm một ngày tại xã Đa Mi mãi là một kỷ niệm đẹp, khó phai mờ. Vùng đất này không chỉ hiện lên với những nét đẹp hoang sơ của núi rừng cùng những ngọn thác lớn, nhỏ tươi mát mà còn là vùng đất với rất nhiều tài nguyên, tiềm năng phong phú, với những con người cần cù, chịu thương chịu khó và giàu nghị lực. Vì thế, tôi luôn tin rằng xã Đa Mi sẽ còn tiếp tục phát triển vươn xa trong thời gian tới và là xã vùng cao phát triển nhất của tỉnh nhà./.


Các tin khác