Trong Bản luận cương nổi tiếng về L. Phoi ơ bắc, Các Mác viết “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”[1]. Luận điểm trên của chủ nghĩa Mác về bản chất con người đã khắc phục được những hạn chế trong quan niệm về con người của chủ nghĩa duy vật siêu hình và chủ nghĩa duy tâm, đồng thời đã đặt nền tảng cho quan điểm duy vật lịch sử trong việc xem xét con người. Lần đầu tiên trong lịch sử triết học, Mác đã xem xét vấn đề bản chất con người từ hoạt động thực tiễn, từ quan hệ hiện thực của con người. Như vậy, quan điểm của C.Mác đã cho chúng ta một phương pháp luận khoa học trong việc nhìn nhận, đánh giá con người trong tổng hoà các quan hệ xã hội hiện thực. Khẳng định vai trò của con người, C.Mác viết: “Xã hội sản xuất ra con người với tính cách như thế nào thì nó sản xuất ra xã hội như thế ấy”[2]. Kế thừa tư tưởng của C. Mác, Lênin cũng khẳng định vai trò quyết định của con người: “Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn nhân loại là người công nhân, người lao động”[3]. Tư tưởng cơ bản về con người của các nhà kinh điển nêu trên đến Hồ Chí Minh được phát triển thành luận điểm: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”[4]. Đó cũng là những luận điểm có tính nền tảng của chiến lược con người trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nhận thức một cách đúng đắn về chiến lược phát triển con người và khẳng định bằng Nghị quyết, chủ trương và chính sách thật sự coi trọng con người, coi con người là nhân tố có tính quyết định để xây dựng thành công xã hội mới. Đảng ta rất chú trọng đến việc phát huy nhân tố con người và coi đây là mục tiêu động lực của toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Từ Đại hội VI – Đại hội đổi mới, Đảng ta đã chú trọng đến quyền làm chủ của nhân dân lao động “thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới”[5], đào tạo con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức là động lực mạnh mẽ nhất để xây dựng xã hội mới, đồng thời là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Trong văn kiện Đại hội lần thứ VII của Đảng đã khẳng định: “Đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, coi đó là quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố con người – động lực trực tiếp của sự phát triển”[6]. Với Đại hội VIII của Đảng, đất nước chuyển hẳn sang thời kỳ phát triển mới. Những thành tựu to lớn, nhiều mặt của hơn 10 năm đổi mới đất nước không chỉ đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội mà còn tạo nên những điều kiện và tiền đề cần thiết để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tư tưởng chủ đạo của chiến lược phát triển con người của Đại hội VIII là thực hiện “chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”[7]. Vấn đề con người và chiến lược phát triển con người đã được Đại hội VIII của Đảng cụ thể hoá thành các quốc sách lớn thích ứng với những yêu cầu mới của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đó là các chính sách nhằm phát huy nguồn lực con người và thực hiện công bằng xã hội. Mục đích cao nhất của hệ thống chính sách này nhằm phát triển trí tuệ của người Việt Nam, nguồn vốn quyết định nhất, quý giá nhất của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Khi công cuộc đổi mới đất nước đang đi dần vào chiều sâu và phải giải quyết những nhiệm vụ hết sức to lớn và phức tạp thì Đảng ta chủ trương bằng mọi giá phải “khơi dậy trong nhân dân lòng yêu nước, ý chí quật cường, phát huy tài trí của người Việt Nam, quyết tâm đưa nước nhà ra khỏi nghèo nàn và lạc hậu bằng khoa học và công nghệ”[8].
Các chủ trương chính sách nhằm phát huy nhân tố con người theo tinh thần Đại hội IX là xuất phát từ quan điểm cho rằng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, là chủ nhân thực sự của xã hội, là chủ thể của mọi hoạt động kinh tế, văn hoá xã hội và mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp cách mạng là phục vụ nhân dân. Quan điểm đúng đắn đó được thể hiện ở chủ trương “phát triển giáo dục đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người – yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”[9]. Tiếp nối tinh thần Đại hội IX, Đại hội X, XI, XII khẳng định: mọi hoạt động văn hoá nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện… văn hoá trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường xây dựng và bảo vệ tổ quốc. “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành mục tiêu của chiến lược phát triển”[10].
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, tiềm năng sáng tạo to lớn của con người Việt Nam đã và đang được phát huy mạnh mẽ, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin cũng như là những quan điểm và chủ trương đúng đắn của Đảng về chiến lược phát triển con người thời kỳ đổi mới, tiềm năng sáng tạo to lớn của con người Việt Nam đang ngày càng được khơi dậy, được nhân lên và phát triển, tạo ra nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta hiện nay, khi mà nguồn lực tài chính và vật chất còn nhiều hạn hẹp và trong thời đại kinh tế trí thức hiện nay, nguồn lực con người với tiềm năng và năng lực sáng tạo vô cùng phong phú đang ngày càng trở thành nguồn gốc quan trọng nhất của sự giàu có và phát triển toàn diện đất nước./.
[1] C. Mác và Ph.Ăngghen Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1980, tr 257.
[2] C. Mác, Bản thảo kinh tế - triết học 1844, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1962, tr 130.
[3] Lênin toàn tập, tập 38, Nxb Tiến bộ, M., 1977, tr 130.
[4] Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1970, tr 13.
[5] Đảng CSVN, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr 113.
[6] Đảng CSVN, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr 121.
[7] Đảng CSVN, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1996, tr 28
[8] Đảng CSVN, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1996, tr 107.
[9] Đảng CSVN, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr 108.
[10]Đảng CSVN, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr 126.