Tấm gương Bộ đội Cụ Hồ - Người Thương binh được nhận tấm bằng Tiến sĩ

Trong một lần đọc tin tức thời sự trên các trang báo mạng, tôi đọc được thông tin “Một nông dân khuyết tật được Đại học Mỹ trao bằng Tiến sĩ”, qua tìm hiểu, tôi đã biết thêm được người nông dân ấy không chỉ là một nông dân đơn thuần mà còn là một Thương binh - một người Cựu chiến binh - một giám đốc doanh nghiệp tư nhân - một Tiến sĩ. Nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, chúng ta cùng tìm hiểu về một tấm gương Bộ đội Cụ Hồ có nhiều cống hiến cho đời  bằng đôi bàn tay không lành lặn của mình đó là ông Đoàn Văn Khanh (hay gọi là Tư Khanh) quê ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang.

Ông là một thương binh hạng 2/4

Bị chiến tranh làm hỏng 1 cánh tay, tỷ lệ thương tật 61%, chân không đi được giày, chính vì thế mà hình ảnh của ông xuất hiện trên các trang báo chí lúc nào cũng thấy ông đi đôi dép lào đơn sơ và mặc bộ quần áo rộng rình để che đi những vết sẹo trên cơ thể mình.

Ông tham gia cách mạng từ lúc mới 13 tuổi, lúc đầu tham gia làm giao liên mật cho cách mạng, sau đó xin gia nhập đội du kích địa phương. Suốt quá trình chiến đấu ông nhiều lần bị thương và cũng không ít lần lập nên chiến công. Trong một trận giao tranh với địch, Đoàn Văn Khanh bị thương ở cánh tay phải, các ngón tay của ông bị co rút lại. Không thể tiếp tục chiến đấu, năm 1972, Đoàn Văn Khanh phục viên về quê, năm 17 tuổi làm xã đội trưởng, 18 tuổi được kết nạp Đảng và làm Bí thư xã ủy, 23 tuổi làm Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, 40 tuổi ông “cáo quan” về quê làm nông dân kiêm chủ tịch Hội Cựu Chiến binh.

Là một Chủ tịch Hội Cựu chiến binh giỏi

Trong chiến tranh, Song Thuận là xã vành đai căn cứ quân sự nên hứng chịu nhiều bom đạn và sự càn quét của kẻ thù. Vì vậy sau giải phóng cuộc sống của người dân và các Cựu chiến binh nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Khi được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Song Thuận, ngoài việc củng cố xây dựng tổ chức Hội ngày càng trong sạch vững mạnh, ông Tư Khanh đã cùng với Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh (CCB) xã bàn bạc, đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp vận động CCB giúp nhau làm kinh tế để thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, Ông đã đề ra nhiều biện pháp thiết thực, như: Vận động hội viên góp vốn xoay vòng, xây dựng Quỹ đồng đội và đề ra các phong trào “Bao gạo đồng đội”, “Mái tôn thay lá”, “Câu lạc bộ 5 triệu đồng”...

Ngoài ra, ông Khanh còn đứng ra mua dê giống, thỏ giống về nuôi rồi tặng dê con, thỏ con cho hội viên, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật để giúp hội viên thoát nghèo.

Thời gian qua, khi đời sống kinh tế khá giả, mỗi năm, ông Tư Khanh trích hàng trăm triệu đồng mua gạo tặng đồng đội, bà con nghèo. Ông cũng mua đá hoa cương để lát ốp cho những ngôi mộ của bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, số tiền làm từ thiện của ông đã lên đến gần 4 tỷ đồng. Từ những hành động cao cả trên, ngày 27/7/2017 ông nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn xuân Phúc vì đã có thành tích thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng từ năm 2012 đến năm 2016, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Từ người nông dân ham học hỏi đến tấm bằng Tiến sĩ

Sau hơn 10 năm, qua nhiều nhiệm kỳ, ông Tư Khanh thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã về mở Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận, chuyên sản xuất, kinh doanh những sản phẩm từ cây bưởi.

Con đường dẫn ông đến với mô hình sản xuất này bắt nguồn từ một tin đồn năm 2006, rằng  ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư vú ở phụ nữ đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang. Muốn chứng minh thông tin đó hoàn toàn sai, lại từng nghe nói đến một số bài thuốc dân gian trị bệnh từ tinh dầu bưởi, ông quyết tâm nghiên cứu về tác dụng của quả bưởi đối với sức khỏe con người. Ông khăn gói lên đường, đi học nghề y chuyên về thuốc Nam  để nắm được các dược tính của quả bưởi cũng như cách phối kết hợp cùng các nguyên liệu khác để làm ra mỹ phẩm và các loại thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên, ông quyết tâm lên Sài Gòn học 2 năm Trung cấp Đông y dù lúc ấy ông đã ngoài 50 tuổi.

Trở về ông thành lập công ty, chuyên sản xuất, kinh doanh những sản phẩm từ cây bưởi . Hiện ông đã bào chế thành công hơn 20 sản phẩm từ bưởi. Tiêu biểu là tinh dầu bưởi kích thích mọc tóc, trị hói đầu; nước bưởi ép cô đặc uống để trị nám da mặt, đồng thời trị bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ… doanh nghiệp của ông Khanh đã liên kết với các nơi trong toàn quốc mở được  44 đại lý phân phối sản phẩm. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp còn được xuất khẩu ra nước ngoài bằng đường tiểu ngạch. Trong năm qua, doanh thu trên 5 tỷ đồng, lãi gần 3 tỷ đồng.

Các sản phẩm của doanh nghiệp đều được các cơ quan từ cấp tỉnh đếnTrung ương cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu, doanh nghiệp Long Thuận đã xây dựng Thương hiệu độc quyền cấp quốc gia. Sản phẩm của doanh nghiệp này được công nhận là : “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, được bình chọn vào “Top 500 thương hiệu hàng đầu Việt Nam”. Những sản phẩm của ông Tư Khanh chế biến ra đều không có hóa chất, hướng đến một biện pháp chữa bệnh theo phương pháp Y học cổ truyền.

Say mê nghiên cứu, đưa vào ứng dụng đa dạng từ chính cây trái quê nhà, ông Khanh là người nông dân đầu tiên của nước ta được Đại học  Florida (Mỹ) cấp bằng Tiến sĩ danh dự vào đầu  năm 2018. Đây là học vị ghi nhận các công trình nghiên cứu về lĩnh vực y học cổ truyền của ông đã được ứng dụng có hiệu quả. Điều này cũng có nghĩa là các sản phẩm y học cổ truyền của ông Khanh đã được phía Hoa Kỳ công nhận để phân phối và sử dụng.

Có thể nói người Thương binh Tư Khanh không chỉ là một anh hùng trong thời chiến mà còn là một anh hùng của thời bình khi không ngừng chiến đấu xây dựng phát triển kinh tế cho quê hương, đất nước. Ông là tấm gương bộ đội Cụ Hồ cho thế hệ trẻ chúng ta học hỏi, là nguồn động lực tiếp sức thế hệ anh hùng tiếp bước phấn đấu, noi theo./.


Các tin khác