Phân biệt chỉ tiêu GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người (GDP bình quân đầu người) và thu nhập bình quân đầu người là hai trong số 350 chỉ tiêu thống kê quốc gia do Tổng cục Thống kê công bố. Hai chỉ tiêu thống kê này được sử dụng ngày càng nhiều trong việc đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội, mức sống của dân cư. Hai chỉ tiêu này hoàn toàn khác nhau về mục đích, ý nghĩa, khái niệm và phương pháp tính... Tuy nhiên, trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội, đôi khi chúng ta vẫn còn nhầm lẫn giữa hai chỉ tiêu này. Bài viết này nhằm giúp chúng ta phân biệt điểm khác nhau giữa chỉ tiêu GDP bình quân đầu người và và thu nhập bình quân đầu người.

Chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người (GDP bình quân đầu người)

Để tính được chỉ tiêu này, Tổng cục Thống kê phải tính được chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Tổng sản phẩm trong nước (GDP): là một trong những chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng phản ánh “toàn bộ kết quả cuối cùng của các hoạt động sản xuất của tất cả các đơn vị thường trú trong nền kinh tế của một nước trong một thời kỳ nhất định (quý, 6 tháng, 9 tháng và năm); phản ánh các mối quan hệ trong quá trình sản xuất, phân phối thu nhập, sử dụng cuối cùng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân”. GDP được tính theo giá thực tế và giá so sánh. GDP theo giá thực tế thường được dùng để nghiên cứu về cơ cấu và sự biến động về cơ cấu kinh tế theo các ngành, các nhóm ngành, theo loại hình kinh tế, mối quan hệ giữa kết quả sản xuất với phần huy động vào ngân sách nhà nước và phúc lợi xã hội; GDP theo giá so sánh dùng để đánh giá tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, của các ngành, các loại hình, các khu vực, nghiên cứu sự thay đổi về khối lượng hàng hóa và dịch vụ mới được tạo ra theo thời gian.

Dưới các góc độ khác nhau, GDP mang ý nghĩa và nội dung khác nhau:

(1) Xét về góc độ sử dụng (chi tiêu): GDP là tổng cầu của nền kinh tế bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ, tích luỹ tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

(2) Xét về góc độ thu nhập: GDP bao gồm thu nhập của người lao động, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ;

(3) Xét về góc độ sản xuất: GDP bằng giá trị sản xuất trừ đi chi phí trung gian.

Và từ các góc độ khác nhau, GDP được tính theo ba phương pháp khác nhau (Phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng cuối cùng và phương pháp thu nhập).

Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người (GDP bình quân đầu người): là một trong những chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp quan trọng phản ánh kết quả sản xuất tính bình quân đầu người trong một năm. GDP bình quân đầu người còn là chỉ tiêu được dùng để đánh giá sự phát triển kinh tế theo thời gian và so sánh quốc tế.

Như vậy, GDP bình quân đầu người 1 năm được tính bằng cách chia GDP trong năm cho dân số trung bình trong năm tương ứng. GDP bình quân đầu người có thể tính theo giá thực tế, tính theo nội tệ hoặc ngoại tệ (bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế hoặc tỷ giá sức mua tương đương); cũng có thể tính theo giá so sánh để tính tốc độ tăng.

Công thức tính:

Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người (VNĐ/người )

=

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm (tính bằng VND)

Dân số trung bình trong cùng năm

Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người

Thu nhập bình quân đầu người là chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng phản ánh “mức thu nhập và cơ cấu thu nhập của các tầng lớp dân cư”. Chỉ tiêu này dùng để đánh giá mức sống, phân hóa giàu nghèo, tính tỷ lệ nghèo làm cơ sở cho hoạch định chính sách nhằm nâng cao mức sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo. Thu nhập của hộ bao gồm:

(1) Thu từ tiền công, tiền lương;

(2) Thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất và thuế sản xuất);

(3) Thu từ sản xuất ngành nghề phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất và thuế sản xuất);

(4) Thu khác được tính vào thu nhập như do biếu, mừng, lãi tiết kiệm…

Các khoản thu không được tính vào thu nhập gồm rút tiền gửi tiết kiệm, thu nợ, thu bán tài sản, vay nợ, tạm ứng và các khoản chuyển nhượng vốn nhận được do liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh…

Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng được tính bằng cách chia tổng số thu nhập của hộ dân cư cho số nhân khẩu của hộ và chia cho 12 tháng.

Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng (VNĐ/người )

=

Tổng thu nhập của hộ dân cư trong năm 
(tính bằng VND)

12 x (Số nhân khẩu bình quân năm của hộ)

Muốn tính Thu nhập bình quân đầu người 1 năm ta lấy thu nhập bình quân đầu người 1 tháng nhân với 12 tháng.

Phân biệt giữa GDP bình quân đầu người và Thu nhập bình quân đầu người

Từ cách tính hai chỉ tiêu GDP bình quân đầu người và Thu nhập bình quân đầu người, ta có thể thấy như sau:

Chỉ tiêu GDP bình quân đầu người ngoài khoản (1), (2) và (3), còn bao gồm thuế sản phẩm, khấu hao tài sản cố định và thặng dư sản xuất (phần này do doanh nghiệp, nhà nước nắm giữ).

Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người gồm 4 khoản nêu trên thì 3 khoản (1), (2) và (3) cũng được tính trong GDP, tương ứng với chỉ tiêu thu nhập của người lao động và thu nhập hỗn hợp. Khoản (4) là phần thu nhập từ sở hữu và thu chuyển nhượng không được tính trong chỉ tiêu GDP.

Sơ đồ: Mối quan hệ giữa GDP bình quân đầu người và Thu nhập bình quân đầu người

Như vậy, hai chỉ tiêu này có một yếu tố trùng nhau là thu của người lao động (thu từ sản xuất). Và khác nhau: thu nhập bình quân đầu người không bao gồm thuế sản xuất (Nhà nước nắm giữ) và khấu hao tài sản cố định, thặng dư sản xuất (doanh nghiệp nắm giữ) nhưng lại bao gồm phần thu nhập sở hữu và chuyển nhượng hiện hành và ngược lại. Và theo cách phân tích như trên thì thông thường chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ lớn hơn so với chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người.

Tóm lại, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người hoàn toàn khác với chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người về mục đích, ý nghĩa, khái niệm, phương pháp tính,… Vì vậy, chúng ta cần nắm thật chính xác các nội dung có liên quan đến hai chỉ tiêu này để vận dụng phù hợp với từng điều kiện, yêu cầu cụ thể của công việc./.

 


Các tin khác