Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghề giáo

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách, nội dung và phương pháp của người thầy giáo để đảm bảo sự thành công của giáo dục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng là một thầy giáo trước khi trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Người là hiện thân của một tấm gương đạo đức trong sáng, tư tưởng, đạo đức của Người đã, đang và tiếp tục soi đường cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ, đạo đức tác phong, phương pháp của thầy, cô giáo trong xã hội. Theo người muốn có nền giáo dục tốt phải có mục đích, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục tốt, có cơ sở vật chất cho người dạy và người học… trong đó, người thầy, cô giáo là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo. Không có thầy, cô giáo thì không có giáo dục, học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hoặc xấu… Người từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng và Chính Phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai, và nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được?”[1] Việc “dạy dỗ” ở đây chính là người thầy giáo, cô giáo phải đem sự hiểu biết, năng lực và phẩm chất của mình truyền đạt cho người học, làm cho người học phát huy khả năng của bản thân, phát triển các mặt đạo đức, tri thức và thể lực… để trở thành người lao động chân chính, có ích cho xã hội. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, gắn liền với sự nghiệp của những người thầy, cô giáo trong xã hội.

Bác đặc biệt đề cao vai trò đạo đức của người thầy giáo, cô giáo coi đó là linh hồn của nghề dạy học. Người nói: chính trị là đức, chuyên môn là tài, có tài mà không có đức là hỏng, hay chính trị là linh hồn, chuyên môn là thể xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ là cái xác không hồn. Nhưng không tuyệt đối hoá mặt đạo đức coi nhẹ lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Có đức là để tài năng phát triển đúng hướng và có tài thì đức mới phát huy được tác dụng. Người nói: có tài mà không có đức là người vô dụng. Do đó, người thầy giáo phải chú ý cả tài và đức, phải thực sự là tấm gương tích cực, mẫu mực trong suốt quá trình dạy học và cả đời thường.

Trong giai đoạn hiện nay, hơn bao giờ hết, đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp giáo dục phải được tăng cường. Thầy, cô giáo phải ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong sự nghiệp trồng người, nuôi trồng nhân cách. Trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách, nội dung và phương pháp, thể hiện là tấm gương sáng trong lời nói và hành động, nhất là trên bục giảng. Đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì sự nghiệp giáo dục - đào tạo càng phải được chú động hàng đầu. Thực hiện lời dạy của Bác về công tác giáo dục, thời gian qua Đảng ta luôn xác định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Để đáp ứng yêu cầu của thời đại, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung Ương khóa XI với nội dung “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết đặt mục tiêu chung tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả.

Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghề giáo cũng như học tập và làm theo tấm gương đạo đức nghề giáo của Người. Vừa qua, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của BCH T.Ư Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; những vấn đề đặt ra và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Thông tin đến các báo cáo viên về những đổi mới căn bản và toàn diện, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết ngành giáo dục đã chuyển đổi từ truyền thụ kiến thức một chiều sang phương thức lấy học trò làm trung tâm, đề cao phát triển phẩm chất và năng lực, tính chủ động trong giải quyết những vấn đề trong cuộc sống./.

 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Sdd, Tr 222


Các tin khác