Trong thư Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng”.
Trong suốt 64 năm qua, lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và làm kim chỉ nam cho ngành y tế. Trong xã hội, mỗi ngành nghề đều có vai trò, vị trí và ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của đất nước, đòi hỏi phải có “đạo đức nghề nghiệp”, lương tâm, trách nhiệm của người làm nghề. Nghề y là một nghề đặc thù, cao quý, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của con người nên mỗi cán bộ, nhân viên y tế phải có cách tiếp cận, đòi hỏi những kỹ năng, phản xạ, được gọi là đạo đức nghề nghiệp cao hơn những nghề khác, mà xã hội gọi là y đức.
Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chǎm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: 'Lương y phải như từ mẫu'. Phải thật thà đoàn kết, khắc phục khó khǎn, học tập vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý xây dựng nền Y học Việt Nam. Y đức phải thể hiện qua những tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức được xã hội thừa nhận.
Sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo nhân dân ta giành được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang lại nhiều thời cơ rất tích cực cho đất nước ta, trong đó ngành y có nhiều điều kiện phát triển. Thực hiện lời dạy của Bác, ngành Y tế Việt Nam trong mấy chục năm qua ngày càng lớn mạnh, trưởng thành nhiều mặt, đội ngũ cán bộ y tế có nhiều tiến bộ và cống hiến to lớn. Năm 1954, chúng ta mới có 300 y, bác sĩ thì đến nay chúng ta đã có 460.000 người trong ngành Y tế, có 14.000 cơ sở khám, chữa bệnh các hạng, có tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân đạt 8,2 - cao hơn bình quân các nước ASEAN. Trình độ y tế chuyên sâu phát triển vượt bậc.
Có thể nói, trên thế giới có kỹ thuật hiện đại nào, có loại thuốc mới nào thì gần như trong thời gian rất ngắn, các thầy thuốc, bác sĩ của ta đều tiếp cận, ứng dụng và làm chủ được công nghệ đó. Một số kỹ thuật trong phẫu thuật bằng máy móc hiện đại, cấy ghép tạng, thụ tinh nhân tạo, nghiên cứu và sản xuất vắc xin y tế… có thành tựu vượt trội so với mặt bằng các nước có nền kinh tế ở trình độ tương tự. Đây là thành quả, đồng thời thể hiện sự quan tâm bền bỉ đến công tác y tế nói riêng cũng như sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, đằng sau sự thành công đó, là sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ làm công tác y tế của toàn ngành Y. Họ vẫn đang thầm lặng làm tốt công việc cứu người trị bệnh của mình, đúng như lương tâm mà họ ấp ủ là tất cả vì con người và bệnh nhân.
Tuy nhiên, những thách thức và tác động tiêu cực từ nền kinh tế thị trường cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong đó là những ảnh hưởng đến vấn đề giữ gìn y đức của người làm công tác y tế. Vẫn còn ở đâu đó là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, là những hình ảnh “chưa đẹp”, nhũng nhiễu, hách dịch, sự tắc trách, vô trách nhiệm của một bộ phận cán bộ y bác sĩ đã gây những hậu quả cho gia đình người bệnh, làm cho xã hội bức xúc và cho chính những người thầy thuốc chân chính bị tổn thương. Tình trạng mất an ninh tại bệnh viện khi số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có hành vi tấn công các nhân viên y tế cũng đã xảy ra ở một số nơi. Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ người bệnh và sự phát triển bền vững của ngành Y tế nói chung.
Ngày 27-2-2019 đánh dấu kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đây là dịp để đội ngũ cán bộ làm công tác y tế nhận thức sâu sắc và khắc cốt ghi tâm lời dạy ân tình, sâu sắc, thiết thực của Bác Hồ kính yêu về nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện và trau dồi y đức, bồi đắp lòng nhân ái, lương tâm, trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất cao đẹp của những người thầy thuốc, xứng đáng với hình ảnh: “Lương y phải như từ mẫu”./.