Đôi điều trăn trở khi đến với bãi rêu Cổ Thạch

Bình Thuận với những cảnh quan xinh đẹp được thiên nhiên ưu đãi từ lâu đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, không chỉ đối với du khách trong nước mà cả du khách quốc tế. Một trong những địa danh du lịch độc đáo thu hút du khách đó là bãi rêu Cổ Thạch tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.

Thường thì sau Tết nguyên đán, vào khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm là vào mùa rêu Cổ Thạch. Trên bãi đá nhiều hình thù, bố trí rải rác thành dải dài ven biển Cổ Thạch, được một lớp rêu xanh mướt mọc lên bao phủ tạo nên cảnh tượng vô cùng đẹp mắt. Đặc biệt, vào buổi sáng, khi mặt trời vừa nhô lên, màu hửng đỏ của vầng nắng, màu xanh của rêu cộng với màu xanh ngắt mênh mông của nước biển tạo nên khung cảnh thơ mộng, làm cho ai cũng cảm thấy khoan khoái, hứng khởi, như trút bỏ mọi lo toan, phiền muộn để tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên. Vào mùa, những người đi “săn rêu” là người địa phương, du khách trong tỉnh, ngoài tỉnh… thường đến sớm để chờ giây phút mặt trời lên, cũng là lúc thủy triều chưa lên cao để ngắm bãi rêu vào thời khắc đẹp nhất và để “săn” những tấm hình kỷ niệm ấn tượng nhất.

Vào mùa rêu, bãi biển Cổ Thạch nhộn nhịp, cùng với nó các dịch vụ để phục vụ các tay “săn rêu, săn ảnh” cũng phát triển. Các nhà nghỉ, hàng quán, dịch vụ tắm nước ngọt… có sẵn san sát bãi biển thuận tiện do du khách phương xa. Tuy nhiên, từ đây cũng đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý, bảo tồn nếu muốn giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng và sự bền vững của môi trường du lịch Bình Thạnh nói riêng, Tuy Phong nói chung.

Điều đầu tiên có thể làm du khách ngán ngẩm là cảnh lộn xộn biểu hiện của sự thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch chưa “bài bản”. Mặc dù cổng vào từ xa được xây dựng khá bài bản, cho ta cảm giác ban đầu là sẽ được vào một khu du lịch quy mô, tầm cỡ, nhưng thực tế khác xa với ấn tượng ban đầu. Đường đi chỉ tốt một đoạn, vào đến gần thì lởm chởm, hư hỏng, bong tróc từng lớp nhựa. Đường xuống bãi rêu nhỏ, vòng vèo qua các quán ăn, không có biển chỉ dẫn nên nhiều du khách đi nhầm. Hàng quán lổm chổm tràn ra đường. Nhà nghỉ hầu hết đều “chất lượng bình dân”, với giá “hét trên trời” vào mùa săn rêu. Bãi giữ xe ô tô tạm, thực ra thì để xe bên đường đi chứ chưa có quy hoạch bãi giữ rõ ràng.

Và điều đáng quan tâm nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường nơi đây. Nước thải từ các nhà nghỉ, quán ăn xả trực tiếp ra bãi biển. Rác thải bị du khách và chính những người kinh doanh hàng quán cứ vô tư vứt ngay trên bãi biển. Dọc đường xuống bãi rêu, mùi tanh tưởi của nước thải, rác thải, mùi từ các quán ăn hải sản không được vệ sinh chu đáo, mùi của nước bẩn đọng ở những ổ gà trên mặt đường thật sự cho ta cảm giác “khó chịu”, chỉ còn biết cố gắng đi nhanh hết mức để ra khỏi nơi này.

Trên hết là sự tự phát của điểm du lịch nổi tiếng này. Điều an ủi là cảnh đẹp của bãi rêu Cổ Thạch không bõ công của du khách. Nhưng với nhiều người có lẽ chỉ đến một lần cho biết “săn rêu” là như thế nào, còn quay trở lại thì lại là chuyện khác. Mà đối với lĩnh vực du lịch, thì từ lâu đã xác định khách mới không quý bằng khách cũ. Vậy làm sao để du khách, những người “săn rêu” đến với bãi rêu Cổ Thạch có được cảm giác trọn vẹn nhất, dành tình cảm yêu thương nhất cho nơi đây, là vấn đề các nhà quản lý phải thật sự quan tâm và thực hiện căn cơ, đồng bộ, nhất là trong bối cảnh tỉnh ta đã xác định du lịch là thế mạnh của nền kinh tế.

Theo tôi, nơi này đủ điều kiện để trở thành một khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp. Muốn vậy, phải có một quy hoạch cụ thể, chi tiết; phải thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực thật sự.  Để làm được việc này phải có sự chỉ đạo, tham gia của cấp tỉnh vì riêng địa phương không thể thực hiện được.

Còn trước mắt, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.  Xử phạt nghiêm túc những nhà nghỉ, hàng quán có hành vi xả nước thải, rác thải ra môi trường biển. Quản lý về giá cả các dịch vụ xung quanh điểm du lịch.

Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn cho những người tham gia làm dịch vụ du lịch nơi đây, về giá trị của sự gìn giữ vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ trong việc phát triển du lịch (đó cũng chính là điều kiện để đảm bảo công ăn, việc làm cho họ). Khắc phục tình trạng “ăn xổi” trong làm du lịch.

Nên có những biển báo, áp phích nhắc nhở du khách giữ gìn vệ sinh chung khu du lịch, giữ gìn môi trường biển. Thường xuyên làm công tác vệ sinh, dọn dẹp khu vực bãi biển và cảnh quang xung quanh bãi rêu Cổ Thạch. Và trong điều kiện hiện tại vẫn cần sắp xếp, bố trí lối đi lại, khu vực giữ xe, hàng quán trật tự, gọn gàng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đến đây.

Nơi này vẫn đang làm du lịch theo kiểu tận hưởng những gì sẵn có của tự nhiên, mà chưa quan tâm đến giữ gìn, bảo tồn những báu vật mình được tự nhiên ban tặng. Nhưng thực tế đã cho chúng ta thấy rằng, mối quan hệ giũa con người với tự nhiên là mối quan hệ bình đẳng hai chiều; con người đối xử tốt với tự nhiên thì tự nhiên sẽ tạo điều kiện, cơ hội cho con người sinh sống, tận hưởng, phát triển; và ngược lại. Du khách và người dân mong lắm sự thay đổi ở bãi rêu Cổ Thạch vào những “mùa săn rêu” sau./.  


Các tin khác