Mỹ Lai, Sơn Mỹ - ngày ấy và bây giờ

Trong những ngày đi thực tế vừa qua trong tháng tư, tôi cùng các thành viên của đoàn tham quan, nghiên cứu Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã đến tham quan một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng và nghiên cứu một số địa điểm di tích lịch sử của tỉnh Quãng Ngãi. Dấu ấn đọng lại qua những chặng đường dài của chuyến đi ngoài ấn tượng về những con người thân thiện, về sự phát triển vượt bậc về du lịch biển đảo còn là một cảm nhận khó tả về vụ thảm sát Mỹ Lai sau khi tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ nằm trên địa phận xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh,TP Quãng Ngãi.

Đoàn tham quan tại khu đài tưởng niệm trong Khu chứng tích Sơn Mỹ

Đoàn tham quan, nghiên cứu của chúng tôi gồm 15 thành viên, do Cô Nguyễn Thị Thuận Bích - Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn với cuộc hành trình 4 ngày 3 đêm từ Bình Thuận đến Quãng Ngãi. Đoàn đến với Khu chứng tích Sơn Mỹ vào một buổi chiều vàng nắng hạ, sau đoạn đường ngắn di chuyển trên biển bằng tàu cao tốc Supper Đông từ huyện đảo Lý Sơn trở về đất liền.Vừa bước xuống xe, cảnh tượng hiện lên trước mắt chúng tôi là một hình ảnh Khu chứng tích nằm yên bình trong vùng quê đang rộn ràng bởi các bản đồng ca của những chú ve kêu inh ả trong buổi chiều hè. Các thành viên trong đoàn nhanh chân tiến vào Khu trưng bày hình ảnh của Khu chứng tích để được nghe chị hướng dẫn tham quan thuyết minh về những gì đã từng xảy ra tại địa điểm này cách đây hơn 50 năm về trước.

Những gì đã diễn ra tại đây trong ngày 16 tháng 3 năm 1968?

Buổi sáng ngày hôm ấy, ngày 16 tháng 3 năm 1968, vào khoảng 7h30’ hàng trăm lính Mỹ đã đổ bộ bằng trực thăng xuống thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, tại đây chúng đã tiến hành một cuộc thảm sát kinh hoàng và ghê rợn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ,  cướp đi sinh mạng của 504 con người trong vòng 4 giờ đồng hồ, trong đó đa phần là phụ nữ, người già và trẻ nhỏ để lại bao nỗi đau thương, mất mát cho đồng bào dân tộc Việt Nam.

Với phương châm “tàn sát bất cứ thứ gì động đậy”. Ngày hôm ấy, bọn lính Mỹ đã tung những loạt đạn xối xả, bừa bãi, chúng hủy diệt bất cứ thứ gì chuyển động là con người, hay bất kể là gia súc hay gia cầm với mức độ tàn bạo mỗi lúc một cao. Lính Mỹ quăng lựu đạn vào nhà mà không thèm bận tâm xem trong nhà có gì. Một phụ nữ vừa ôm con nhỏ bước ra khỏi nhà liền bị bắn chết ngay lập tức, khủng khiếp hơn, một lính Mỹ liền dùng khẩu súng trường tự động xả đạn bắn tung xác đứa trẻ sơ sinh khi nó vừa rơi xuống đất. Ngay cả những người giơ tay đầu hàng từ chỗ ẩn nấp hoặc những tiếng rên cất lên từ các đống xác người cũng bị những lính Mỹ này "giải quyết". Máu chảy thành suối khi chúng dồn năm bảy chục người trên dòng kênh mương và tung hàng loạt mũi đạn xối xả đến nỗi không biết mình đã bắn sót ai không.

Tội ác của chúng càng nhân lên cấp độ cao hơn khi những cơn dục vọng của bọn chúng thôi thúc chúng chẳng buôn tha ai bất kể đó là người phụ nữ trẻ, người mẹ già hay những em bé gái nhỏ. Có người mẹ vừa sinh con xong cũng bị bọn chúng lột hết quần áo hãm hiếp cho đến chết, có người phụ nữ đang mang bầu gần sinh cũng bị bọn chúng cưỡng hiếp, cưỡng hiếp xong chúng còn dùng những lưỡi lê đâm thủng bụng, bào thai lòi hai chân ra ngoài…

Hình ảnh trong khu nhà trưng bày của Khu chứng tích Sơn Mỹ

Thế mà, những hành động mà chúng gây ra tại đây lại được xem là chiến tích sau cuộc đọ súng ác liệt và báo cáo rằng "Bộ binh Hoa Kỳ đã giết 128 tên Cộng sản sau một trận đánh đẫm máu kéo dài 1 ngày mà không bị thương vong một binh sĩ nào".

Vụ thảm sát đã bị che giấu, cho tới cuối năm 1969, vụ việc mới bị phát hiện. Tuy nhiên, tòa án Mỹ đã không kết tội bất cứ sĩ quan hay binh lính Hoa Kỳ nào sau vụ thảm sát này, ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội bị tuyên án chung thân, nhưng chỉ 1 ngày sau, Tổng thống Mỹ ra lệnh ân xá và người này chỉ phải chịu quản thúc tại gia 3 năm rưỡi.

Sơn Mỹ hôm nay?

Ngày hôm nay, những gì đoàn chúng tôi nhìn thấy tại nơi này là Khu Chứng tích với nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật, khu tượng đài tưởng niệm và khu nhà phục dựng lại khung cảnh yên bình trước vụ thảm sát Mỹ Lai, xung quanh vẫn là những cảnh làng quê yên bình đang chuyển mình theo nhịp sống hiện đại.

Những hình ảnh trưng bày tại nơi đây cùng với những lời kể đầy cảm xúc của người thuyết minh Khu Chứng tích này khiến những người tham quan không khỏi bồi ngồi xúc động, có những người đã không thể cầm nỗi nước mắt khi nhìn thấy những hình ảnh thương tâm, những nỗi đau tột cùng của người mẹ, người cha, những hình ảnh về những cái chết không trọn vẹn về thân thể và những hình ảnh về những gương mặt ngơ ngác của những đứa trẻ nhỏ khi chứng kiến cảnh tượng người mẹ mình bị cưỡng hiếp, người cha mình bị phanh thây và ngây thơ khi không biết được chúng cũng chuẩn bị không còn thấy được những hình ảnh ấy nữa khi hàng loạt mũi đạn xối xả đang bắn vào đầu mình.

51 năm đã trôi qua, nhưng những gì đã diễn ra ở Sơn Mỹ vẫn còn là nỗi đau, nỗi ám ảnh. Sau vụ thảm sát và sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước tháng 4/1975, người dân Sơn Mỹ đã nén đau thương, chung nhau góp phần tái thiết, xây dựng quê hương. Hôm nay đến Sơn Mỹ đoàn chúng tôi cũng nhận thấy sự hồi sinh và sự phát triển mạnh mẽ của mảnh đất và con người nơi đây và năm 2015 vừa qua, xã Tịnh Khê đã được công nhận đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới. Đến nay năm 2019,tình hình kinh tế của xã tiếp tục giữ vững và phát triển. 

Chuẩn bị rời chân khu chứng tích này, tôi thấy có rất nhiều đoàn xe, đoàn tham quan từ những nơi khác và tại địa phương đang dồn chân bước vào khu trưng bày, hình ảnh nhiều em học sinh nối bước nhau tiến vào thăm, nghiên cứu khiến tôi thêm tin tưởng về sự truyền cảm hứng từ những dấu tích lịch sử này sẽ thổi hồn vào các em về niềm tự hào truyền thống dân tộc, hiểu hơn về sự hy sinh, sự mất mát của thế hệ đi trước để thế hệ sau này có được sự hòa bình, sung túc và tự do.

Sau khi thăm khu chứng tích Sơn Mỹ, đoàn chúng tôi cũng ghé thăm quan một vài địa điểm khác và rời Quãng Ngãi vào lúc buổi đầu giờ sáng hôm sau trong màn đêm thanh vắng để kịp đón chuyến tàu đêm về Bình Thuận rời xa vùng đất thân thương, nghĩa tình.

Qua chuyến đi tham quan, nghiên cứu thực tế tại vùng đất này, đặc biệt là Khu chứng tích Sơn Mỹ, đã để lại trong mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi nhiều cảm xúc, đặc biệt là một lòng tự hào về một ý chí kiên cường bất khuất của người dân Việt Nam nói chung và người dân Sơn Mỹ nói riêng. Mỗi thành viên trong đoàn đều mang theo những xúc cảm đặc biệt, riêng tôi, vẫn còn ám ảnh về những hình ảnh đau thương được trưng bày trong khu chứng tích, và nguyện rằng mình phải cố gắng, phấn đấu hơn nữa, đem sức trẻ tiếp tục cống hiến cho quê hương, cho đất nước./.


Các tin khác