Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị 45-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về Một số công tác ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tỉnh Bình Thuận đã nhận thức sâu sắc và đồng bộ từ cấp ủy đến từng ngành, từng địa phương, nghiêm túc quán triệt, triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết 24-NQ/TW của Trung ương. Ngày 27/5/2002, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa X (nhiệm kỳ 2001 - 2005) ra Nghị quyết số 04-NQ/TU về Xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên theo từng năm. Kết quả nổi bật của tỉnh Bình Thuận trong thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, cụ thể hóa là Nghị quyết số 04-NQ/TU chính là quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; có nỗ lực rất lớn trong giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả giảm nghèo bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất tích cực, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số thấp so với người Kinh.
Về lĩnh vực kinh tế - xã hội: Kinh tế nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển ổn định. Từ nhiều nguồn vốn, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hàng trăm công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng. Hiện nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã; 98% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nước sinh hoạt hợp vệ sinh 100% xã phủ sóng phát thanh, truyền hình; đã giải quyết căn bản đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số với tổng diện tích 15.281,08 ha/14.279 hộ (bình quân trên một ha/hộ), phần lớn diện tích đất được đưa vào sản xuất, hạn chế tình trạng lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng đất trái phép; xây dựng 5.543 căn nhà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được duy trì, đem lại hiệu quả thiết thực với tổng diện tích là 86.252,59 ha/2.379 hộ. Toàn tỉnh hiện có 4/17 xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả khá. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm đáng kể. Qua 15 năm (từ năm 2013 đến năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc giảm đáng kể 14,59%, bình quân giảm 0,97%/năm. Đến đầu năm 2018, toàn tỉnh còn 3.061 hộ/12.109 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, chiếm 13,38% và 2.864 hộ/12.387 khẩu thuộc diện cận nghèo, chiếm 12,52%. Kết quả giảm nghèo so năm trước là 490 hộ, tương ứng giảm 2,14%/năm. Công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm. Đến cuối năm 2017, đã đào tạo nghề cho thêm 9.576 lao động. Nhờ đó, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 17,6% so với tổng số lao động người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội: tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chăm lo. Các hoạt động thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc được duy trì, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh đã có 17/17 xã thuần có nhà văn hóa; 100 thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; thực hiện kịp thời các chế độ cấp phát báo, tạp chí miễn phí cho các tập thể và cá nhân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục tăng lên. Công tác giáo dục có nhiều chuyển biến, hệ thống trường lớp được đầu tư nâng cấp, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học được nâng lên; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng; tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm; các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số được triển khai đầy đủ, kịp thời. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, tỉnh Bình Thuận trích một phần ngân sách thêm 20%, ngoài phần hỗ trợ của Trung ưong là 70% để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số mua bảo hiểm y tế. Việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc được quan tâm, mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố, tăng cường và cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại chỗ.
Hệ thống chính trị cơ sở: Được giữ vững, bảo đảm ổn định; người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tốt vai trò trong việc vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chất lượng nguồn nhân lực được tăng lên. Có nhiều mô hình trong bảo vệ an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, như “Dòng tộc văn hóa tự quản về an ninh trật tự”; “Đội thanh niên xung kích giữ gìn an ninh trật tự”; mô hình “Lực lượng vũ trang tỉnh tăng cường đoàn kết với dân tộc, tôn giáo”,...
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hiện nay tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Thuận vẫn còn tồn tại một số bất cập như: đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn kinh tế -xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; một số vấn đề bức xúc trong đồng bào dân tộc thiểu số như: Di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… giải quyết chưa hiệu quả, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn. Vẫn còn tỷ lệ cao người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Tỷ lệ được cấp thẻ BHYT cao nhưng tỷ lệ khám, chữa bệnh còn thấp. Tỷ lệ người không còn mặc trang phục dân tộc, không biết nói tiếng dân tộc của mình ngày càng tăng; dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chỉ được phục dựng khi lễ hội, ít được diễn ra trong đời sống hàng ngày. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp địa phương có xu hướng giảm, chưa đạt được tỷ lệ theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Vì vậy, để việc thực hiện phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, trong thời gian tới Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quyết định, nghị quyết như: Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ Tướng Chính phủ về Phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 102/2009/QĐ-TTG ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; Quyết định số 05/2016/UBND của UBND tỉnh Bình Thuận vào ngày 01/02/2016 về Quy định chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư để hổ trợ sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã vùng cao và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND ngày 15/01/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận về Sửa đổi một số điều của Quyết định 09/2009/QĐ-UBND ngày 09/02/2009 của UBND tỉnh Bình Thuận về Chế độ trợ cấp đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số của tỉnh đang học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trong cả nước; Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND ngày 14/12/2011 của HĐND tỉnh Bình Thuận về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
Thứ hai, tăng cường kiểm tra, rà soát các chương trình, chính sách, đề án, dự án còn bất cập, không phù hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý và tập trung thực hiện các mục tiêu đề ra, như: Đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan quan tâm trình cấp thẩm quyền phê duyệt bố trí vốn cho tỉnh Bình Thuận thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Nhằm nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo vệ rừng, đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 09/9/2015 về một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ ba, tăng cường nắm bắt tình hình đời sống, nguyện vọng, sản xuất, an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời, phối hợp, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Thứ tư, tăng cường phối hợp thực tốt công tác tuyên truyền, vận động các hội, đoàn thể, người có uy tín và nhân dân tham gia tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới, đề ra giải pháp thiết thực, hiệu quả để giải quyết căn cơ hơn tình trạng di dân tự phát, từng bước sắp xếp ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào, bài trừ dần các hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ năm, phấn đấu bảo đảm tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cấp địa phương đạt được tỷ lệ theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới./.