Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường - hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6)

Ngày 05 tháng 6 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Môi trường thế giới. Đây là sự kiện môi trường quốc tế thường niên hết sức quan trọng và được Việt Nam hưởng ứng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.​

Môi trường được hiểu chung là tất cả những gì xung quanh chúng ta. Theo Luật bảo vệ môi trường Việt Nam: Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.

Môi trường có vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia, vùng, lãnh thổ. Bởi vì: Phát triển kinh tế - xã hội là quá trình nâng cao điều kiện sống về vật chất và tinh thần thông qua việc sản xuất ra của cải vật chất, cải tiến quan hệ xã hội, nâng cao chất lượng văn hóa. Giữa môi trường và sự phát triển luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Môi trường là đối tượng của sự phát triển, còn phát triển là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường. Vì vậy, phải luôn đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Mặt khác, môi trường có liên quan tới tương lai của đất nước, của dân tộc. Việc bảo vệ môi trường chính là để giúp cho sự phát triển kinh tế - xã hội được bền vững. Khi kinh tế - xã hội phát triển cao sẽ góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc. Bảo vệ môi trường không chỉ có ý nghĩa với hiện tại, mà quan trọng hơn nó đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững trong tương lai. Nếu chúng ta không quan tâm tới môi trường, không làm tốt công tác bảo vệ môi trường, tàn phá, hủy hoại môi trường thì thế hệ mai sau sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Việc ô nhiễm môi trường trên các lĩnh vực ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống con người. Cụ thể:

Ô nhiễm môi trường đất được xem là hậu quả của sự tác động của con người. Theo đó, các nhân tố sinh thái chịu sự ảnh hưởng đã vượt qua những giới hạn của các quần xã sinh vật sống trong đất. Với nhịp độ gia tăng dân số, tốc độ phát triển công nghiệp và hoạt động đô thị hoá như hiện nay thì diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp. Chất lượng đất ngày càng bị suy thoái, diện tích đất bình quân đầu người giảm. Việc sử dụng hoá dược trong sản xuất nông nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu không được sử dụng với đúng liều lượng sẽ dẫn đến lượng hoá chất bị dư thừa và ngấm trong đất. Điều này gây mất cân bằng sinh học giữa đất và cây trồng. Ngoài việc ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, ô nhiễm đất còn khiến nông sản bị nhiễm độc. Nếu con người sử dụng những nông sản này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Các bệnh có thể gây ra khi sử dụng nông sản bị nhiễm độc là gan to, hệ thần kinh, hệ di truyền, giảm chỉ số thông minh ở trẻ em…

Ô nhiễm môi trường nước là sự thay đổi theo chiều tiêu cực của các tính chất vật lý - hoá học - sinh học của nước, với sự xuất hiện các chất lạ ở thể lỏng, rắn làm cho nguồn nước trở nên độc hại với con người và sinh vật. Làm giảm độ đa dạng sinh vật trong nước. Xét về tốc độ lan truyền và quy mô ảnh hưởng thì ô nhiễm môi trường nước là vấn đề đáng lo ngại hơn ô nhiễm môi trường đất. Ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến sức khoẻ con người thông qua con đường ăn uống và do tiếp xúc trực tiếp với môi trường nước bị ô nhiễm. Các bệnh gây ra do ô nhiễm nước là tiêu chảy, dịch tả, thương hàn, viêm gan, viêm não, bệnh do muỗi truyền, thiếu máu…

Ô nhiễm môi trường không khí là sự có mặt một chất lạ hoặc một sự biến đổi quan trọng trong thành phần không khí. Điều này làm cho không khí không sạch hoặc có mùi khó chịu, giảm thị lực khi nhìn xa do bụi. Ô nhiễm không khí có ảnh hưởng khá lớn đến hệ hô hấp của cả con người. Khí thải từ các phương tiện giao thông gây hại rất nhiều cho phổi. Ngoài ra, bụi mịn là yếu tố gây ô nhiễm nguy hiểm nhất vì nó tồn tại khá lâu trong không khí và phát tán rất xa. Do kích thước khá nhỏ, nếu xâm nhập sâu vào phổi, máu sẽ gây nên các bệnh hô hấp, vô sinh… Ô nhiễm không khí còn khiến con người bị chóng mặt, đau đầu, tim mạch… Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người đang mang bệnh, trẻ em dưới 15 tuổi… Từng nhóm đối tượng sẽ bị ảnh hưởng khác nhau tuỳ tình trạng sức khoẻ và mức độ ô nhiễm. Ngoài ra, sóng nhiệt hay tiếng ồn cũng gây ra những tác hại nhất định đối với con người. Tiếng ồn ngoài khả năng gây thương tích đối với tai còn gây đau đầu, stress, dễ bị căng thẳng thần kinh… Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu khiến cho nhiệt độ tăng giảm bất thường có chiều hướng gia tăng. Điều này khiến gây ra các bệnh như đột quỵ nhiệt, chuột rút do nhiệt hoặc thậm chí là tử vong.

Hằng năm, Tổ chức Liên Hiệp quốc đều đưa ra chủ đề cụ thể để kêu gọi mọi người trên toàn cầu cùng chung tay bảo vệ môi trường. Chủ đề Ngày môi trường thế giới năm 2019 là “Chống lại ô nhiễm không khí”. Theo báo cáo của tổ chức Liên Hiệp quốc, mỗi năm khoảng 7 triệu người trên toàn thế giới chết sớm do ô nhiễm không khí với khoảng 4 triệu ca tử vong xảy ra ở Châu Á -Thái Bình Dương. 9/10 người trên toàn thế giới bị phơi nhiễm với mức độ ô nhiễm không khí vượt quá mức an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế. Nhiều chất gây ô nhiễm gây ra sự nóng lên toàn cầu. Động cơ diesel, đốt rác và bếp lò bẩn sản sinh ra khí carbon đen. Carbon đen gây chết người và là một chất gây ô nhiễm khí hậu. Nếu chúng ta giảm lượng khí thải các chất ô nhiễm như vậy, chúng ta có thể làm chậm sự nóng lên toàn cầu tới 0,5°C trong vài thập kỷ tới. Khí mêtan cũng là một loại khí gây nóng lên toàn cầu mạnh hơn so với carbon dioxide. Theo Ủy ban quốc tế về biến đổi khí hậu thì tác động của khí mêtan tăng 34 lần trong khoảng thời gian 100 năm. Khí mêtan, phần lớn đến từ nông nghiệp góp phần dày lên tầng ozone, gây ra hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp khác.

Trong thời đại công nghiệp hiện nay, ô nhiễm không khí khó có thể được loại bỏ hoàn toàn, nhưng có thể giảm bớt ô nhiễm bằng các biện pháp như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa, đạo đức môi trường cho mọi người dân; mở rộng các hoạt động “trồng cây gây rừng” đối với mọi công dân; chôn lấp và đốt cháy rác một cách khoa học; thực hiện đúng các luật giữ gìn môi trường; phát triển công nghệ sản xuất sạch hơn ở tất cả các khu công nghiệp và cơ sở công nghiệp; thực hiện chiến dịch trồng cây xanh trong thành phố; quản lý và kiểm tra chặt chẽ các nguồn thải ô nhiễm từ hoạt động xây dựng…

Lễ kỷ niệm Ngày môi trường thế giới 2019 được tổ chức tại Trung Quốc nhằm kêu gọi mọi người thay đổi cuộc sống hàng ngày như thế nào để giảm lượng ô nhiễm không khí, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm không khí gây nên sự nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng đối với sức khỏe của con người. Để cùng chung tay bảo vệ môi trường, thiết nghĩ mỗi người chúng ta không ngừng nâng cao nhận thức về môi trường, vai trò của môi trường, tác hại của ô nhiễm môi trường đối với đời sống con người, từ đó cùng nhau bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực, cụ thể phù hợp với từng lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp… nhằm mang lại hiệu quả và sức lan tỏa với chủ đề “Chống lại ô nhiễm không khí” của Ngày Môi trường thế giới năm 2019./.  

 


Các tin khác