Nhớ về Điện Biên Phủ, nhớ đến thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thiên tài quân sự đã vĩnh biệt chúng ta cách đây gần 5 năm. Ông không còn nữa nhưng tên tuổi và sự nghiệp vẫn khắc sâu trong tâm trí của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế về một “Vị tướng huyền thoại”, “Vị tướng của hòa bình”.

Kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi lục lại những tư liệu của mình có được, trong đó có các tư liệu từ chuyến đi cách đây 7 năm của tập thể cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Bình Thuận (tháng 1/2012) về thăm chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Đến đây càng biết thêm về thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh chiến dịch đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới như một huyền thoại của thế kỷ XX.

Được Bác giao trọng trách lớn

Ngày 5/1/1954, từ núi rừng Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường đi Tây Bắc để trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông được Hồ Chủ tịch trao toàn quyền chỉ huy chiến dịch (Tướng quân tại ngoại). Trận đánh này sẽ là một thử thách chưa từng có đối với ta trong chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Theo kế hoạch từ tháng 10/1953 cho đến Đông - Xuân 1953, 1954, ta đã chọn miền rừng núi Tây Bắc, trong đó Điện Biên Phủ làm chiến trường chính. Ở đây có cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc là lòng chảo Mường Thanh, có rất nhiều cứ điểm Pháp chiếm đóng. Bộ đội ta sẽ phải tiến hành nhiều trận đánh đối đầu với quân địch có vũ khí hiện đại như máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ.  Đại tướng ngẫm nghĩ rất nhiều về so sánh lực lượng giữa ta và địch để tìm ra cách đánh thích hợp nhất với chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh”. Thời điểm đó, Thực dân Pháp mới nhảy dù đổ bộ xuống Điện Biên Phủ nên Trung ương Đảng và Bác Hồ đề ra chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm không cho quân địch kịp cũng cố và tăng cường binh lực. Tuy nhiên, xem tình hình chuẩn bị chiến trường thấy cần một thời gian nữa để chuẩn bị tốt về các mặt cho ta mới có khả năng mở màn chiến dịch. Đại tướng cho rằng ngay bây giờ đánh nhanh đã khó, thắng nhanh lại càng khó hơn.  

Để giành thắng lợi nhưng ít tổn thất, nhất là xương máu của chiến sĩ, nên trước mỗi trận đánh, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường khuyến khích cán bộ nói hết khó khăn, để cùng bàn cách khắc phục. Tuy vậy với khí thế  bừng bừng tiến công, ai cũng muốn đến giờ nhận lệnh nổ súng, không ai muốn nói ra điều khó, chỉ có Đại tá Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ đề nghị gặp Đại tướng để báo cáo: "Khó khăn lớn lúc này là đưa được pháo vào trận địa. Pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị đánh sẽ khó tránh tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được đến trận địa". Mỗi ngày càng thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Chúng ta không thể giành chiến thắng với bất kể giá nào. Đại tướng xác định ba khó khăn hiện lên rất rõ: Thứ nhất, Bộ đội chủ lực ta chỉ tiêu diệt cao nhất là đến mức tiểu đoàn địch tăng cường; Thứ hai, Trận này ta đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh- pháo binh với quy mô lớn lần đầu, trong khi chưa qua diễn tập; Thứ ba, Bộ đội ta mới chỉ quen tác chiến ban đêm, chưa có kinh nghiệm đánh ban ngày trên trận địa bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Đó là những điều mà Võ Nguyên Giáp đắn đo, suy nghĩ nhiều nhất, do đó Đại tướng đã tính đến việc phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa, để nghiên cứu một cách đánh khác, dù thời gian chuẩn  bị có thể phải kéo dài.

Chuyển phương châm đánh, giành thắng lợi

Trước trọng trách lớn mà Trung ương Đảng và Bác Hồ giao, sự tính toán để đi đến quyết định lúc này đòi hỏi phải quyết đoán và cẩn trọng. Ngày 25/1/1954, Đại tướng đến gặp Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh (có mặt tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ) để trao đổi. Đại tướng đã phân tích các khó khăn của ta và nhận định: Lựa chọn phương án đánh nhanh thắng nhanh là quá mạo hiểm, nếu đánh sẽ thất bại, đồng thời nêu ý định của mình ra lệnh cho hoãn cuộc tấn công ngay chiều 25/1/1954, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Những phân tích và nhận định có lý của Đại tướng đã thuyết phục được cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh. Tuy vậy khi cuộc họp Đảng ủy Mặt trận vào sáng ngày 26/1/1954, với tư cách là Bí thư Đảng ủy mặt trận, Tổng tư lệnh, ông trình bày những suy nghĩ, nhận xét về tình thế của ta, của địch và đưa ra chủ trương mới: Vẫn giữ quyết định tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh và chuẩn bị lại chiến trường. Nghe chủ trương này, một số đồng chí trong Đảng ủy không khỏi ngạc nhiên và vẫn bảo lưu cách đánh cũ, cho rằng nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi. Dù vẫn còn những quan điểm khác nhau, nhưng trước thời khắc có tính quyết định đối với lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu ra vấn đề lớn: Tình thế khẩn trương, cần sớm có quyết định, vô luận tình hình nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là đánh chắc, thắng chắc. Trước khi tôi ra đi, Bác giao nhiệm vụ: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Nay với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: Nếu đánh, có chắc thắng trăm phần trăm không? Trước câu hỏi lớn đó, Đảng ủy mặt trận đi đến nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục. Khi tập thể Đảng ủy đã có sự đồng thuận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng" cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công, ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết; đồng thời kéo pháo ra. Mệnh lệnh lui quân lúc này như mệnh lệnh chiến đấu. Sau này khi thể hiện trong hồi ký của mình, Đại tướng cho biết đó là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình.

Sau một thời gian hoãn binh, quân ta đã cũng cố lực lượng, bày binh bố trận lại theo kịch bản của “Tổng tư lệnh” Võ Nguyên Giáp, đến ngày 13 tháng 3 năm 1954 là ngày mở màn chiến dịch, bắt đầu chuỗi ngày “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” trong mưa bom bão đạn của bộ đội ta. 

Với sự nhận định tài ba và sáng suốt, đi đến thay đổi táo bạo cách đánh địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là người chiến thắng trong cuộc đọ trí với tướng Pháp Nava và  Đờ Ca-xtơ-ri; đồng thời quân ta đã thắng trong cuộc đọ sức với quân Pháp trên chiến trường qua 56 ngày đêm để đi đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc hoàn toàn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược./.


Các tin khác