Học tập và làm theo phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc trong lòng tất cả mọi người về phong cách ứng xử. Tùy từng đối tượng mà Bác có cách giao tiếp khác nhau, với cách ứng xử linh hoạt tạo nên phong cách riêng của Người. Học tập và làm theo phong cách ứng xử của Bác, giúp chúng ta khắc phục được những hạn chế, yếu kém khi ứng xử trong công tác để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống giản dị trong sáng, gắn bó mật thiết với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ứng xử dựa trên cơ sở của tình người, yêu thương con người. Đó là lòng nhân đạo, tính nhân văn, là sự khoan dung, độ lượng trong hành xử ở cuộc sống. Với Người, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp đều phải đi đến giải phóng con người thì mới có ý nghĩa thiết thực. Tình yêu thương của Người không giới hạn ở một đối tượng cụ thể, một tầng lớp, thành phần nào trong xã hội. Đối với cán bộ và quần chúng nhân dân, Người luôn ân cần, niềm nở; vừa thân ái, lại nhiệt tình; khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình nghiêm khắc, nhưng nghiêm khắc mà vẫn độ lượng, khoan dung để nâng con người lên chứ không phải hạ thấp, vùi dập con người. Trong công tác xây dựng Đảng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Người chỉ rõ khi tự phê bình và phê bình phải góp ý cho nhau một cách thẳng thắn, có tính xây dựng, vì mục đích, lợi ích chung chứ không vì quan điểm cá nhân mà trù dập, công kích, kéo bè, kéo cánh, nói xấu, hạ bệ lẫn nhau. Đối với cán bộ, đảng viên có lỗi, Hồ Chí Minh bao giờ cũng mong muốn và tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm, vì theo Người: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng, Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đạp cho tơi bời”...(1)

Những năm qua, trên cơ sở quán triệt Chỉ thị 05-CT/TW về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có ý thức xây dựng, đổi mới phong cách làm việc; đặc biệt chú trọng đến phong cách ứng xử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Thông qua việc học tập và làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức tư tưởng, ý thức rèn luyện đạo đức; có sự nhìn nhận toàn diện, cụ thể hơn về đạo đức, lối sống ứng xử của mình, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và hoàn thành tốt công việc mình phụ trách, xứng đáng là người đầy tớ của nhân dân.

Có thể nói, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, của dân tộc, hướng mọi người đến với cuộc sống chân, thiện, mỹ. Học tập, rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách ứng xử nói riêng là yêu cầu, trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là tình cảm, nguyện vọng của mỗi cán bộ, đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp đã và đang phấn đấu học tập, rèn luyện phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng cách ứng xử có văn hóa với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em; xuất phát từ thái độ yêu thương, quý mến con người, trân trọng, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người.

Thực hiện Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ; Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG, ngày 26/10/2017 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành Quyết định 134/QĐ-TCT, ngày 14/5/2019 quy định về ứng xử văn hóa của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường Đảng: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử.Đây cũng là một trong các căn cứ để đánh giá, phân loại, khen thưởng VC, NLĐ, HV hàng năm và cuối khóa học; xử lý trách nhiệm khi VC, NLĐ, HV vi phạm.

Những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã học tập và làm theo phong cách ứng xử của Bác trong các mối quan hệ giao tiếp giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đồng nghiệp với nhau và giữa giảng viên, VC, NLĐ với học viên, luôn giữ thái độ chuẩn mực, giữ gìn kỷ luật phát ngôn, không nói, viết và làm những việc trái với lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống lại những lời nói và việc làm sai trái, xuyên tạc, phản động. Không ngừng hoàn thiện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu phù hợp với tình hình tực tiễn. Phát huy dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử; tạo môi trường và cơ hội để cấp dưới bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, quan điểm của mình; Sống bao dung, tôn trọng và tạo niềm tin đối với cấp dưới; kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Luôn giúp đỡ nhau, không chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ và luôn giữ thái độ khiêm tốn, tôn trọng, lịch sự, hợp tác khi trao đổi công việc…

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều chuyển biến lớn. Do vậy, học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, trong đó có phong cách ứng xử của Người nói riêng luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.Mặc dù Người đã đi xa nhưng giá trị văn hóa ứng xử của Người luôn sống mãi trong lòng dân tộc việt Nam, là hành trang quý giá để Đảng và Nhà nước ta vận dụng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ./.


(1)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập. 12, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tr.558


Các tin khác