Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong hoạt động của Hệ thống chính trị ở Việt Nam

Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ vừa là quan hệ chính trị vừa là cơ chế hoạt động chung củacả hệ thống chính trịở nước ta. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta đã khẳng định “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là cơ chế chung trong quản lý xã hội”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Tiếp tục nhận thức rõ và giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong quá trình thực hiện đổi mới hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII), Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cần phân định, giải quyết tốt ba mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thứ nhất: VềĐảng lãnh đạo

Tại Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Đảng lãnh đạo là yếu tố tiên quyết bảo đảm sự vận hành của cơ chế, làm cho cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ đạt hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống.Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện hoạt động của hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng không phải tự nhiên mà có, không phải cứ tự nhận mà được. Vai trò đó đã được kiểm nghiệm trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhân dân tin tưởng, thừa nhận, trao cho Đảng vai trò lãnh đạo và được khẳng định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013:“Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Sự lãnh đạo của Đảng bằng việc đề ra các chủ trương, đường lối để định hướng cho hệ thống chính trị hoạt động trên các lĩnh vực đời sống xã hội theo mục tiêu của Đảng đề ra; lãnh đạo bằng việc giáo dục tuyên truyền, vận động, nêu gương tốt của cán bộ đảng viên để quần chúng nhân dân noi theo; lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ; công tác xây dựng tổ chức bộ máy, đối với công tác quy hoạch cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp bố trí cán bộ đảng viên giữ các chức vụ chủ chốt trong các tổ chức của hệ thống chính trị.Bên cạnh đó,sự lãnh đạo của Đảng còn thể hiện thông qua công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; kiểm tra giám sát đội ngũ cán bộ đảng viên chấp hành đường lối, chủ trương, Điều lệ của Đảng và pháp luật, chính sách của nhà nước.

Như vậy, chỉ khi Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền thì mới xây dựng được chính quyền của Nhân dân, Nhà nước mới thực sự là của Nhân dân. Nhà nước chính là công cụ chủ yếu để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài ra, chỉ khi Đảng tổ chức, giáo dục, lãnh đạo thì Nhân dân mới phát huy được quyền làm chủ của mình dưới các hình thức đa dạng khác (thông qua các tổ chức đoàn thể, các hội đoàn...) 

            Thứ hai: Nhà nước quản lý

 Đại hội XII chỉ rõ: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.Như vậy, Nhà nước là phương tiện để cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, chính sách để trở thành công cụ quản lý xã hội; Nhà nướcthực hiện quản lý xã hội bằng hệ thống các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương tới cơ sở, cùng với đó là hệ thống pháp luật, chính sách để tác động đến các lĩnh vực đời sống xã hội, nhằm điều chỉnh các hoạt động đó đi đúng định hướng, mục tiêu của Đảng đề ra.Ngoài ra,Nhà nước đề ra các nhiệm vụ kinh tế-xã hội để chăm lo đời sống Nhân dân, từ đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội; tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục; đồng thời, sử dụng quyền lực thông qua công cụ pháp luật để bắt buộc cá nhân và tổ chức phải tuân theo mệnh lệnh của Nhà nước.

Nhà nước quản lý, thực hiện quyền lực của mình, về thực chất, cũng là thực hiện quyền lực của Nhân dân đã ủy quyền cho Nhà nước, từ đó, Nhà nước sẽ hiện thực hóa các quyền, ý chí và nguyện vọng của Nhân dân để thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân trong công việc quản lý đất nước và xã hội. Đó là hình thức chủ yếu để nhân dân làm chủ trong điều kiện nước ta hiện nay.

Thứ ba: Nhân dân thực hiện quyền làm chủ

Là đề cập đến quyền lực của Nhân dân, Nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Nhân dân phát huy quyền làm chủ và thực hiện quyền lực nhà nước thông qua hai hình thức:hình thức dân chủ trực tiếp(thông qua phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở); hình thức dân chủ đại diệnthông qua các cơ quan quyền lực (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) và thông qua các cơ quan của nhà nước. Ngoài ra, nhân dân phát huy quyền làm chủ thông Mặt trận, Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể do nhân dân tổ chức. Nhân dân phát huy quyền làm chủ củatrên các lĩnh vựcđể đưađường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước được triển khai đi vào thực tế cuộc sống.

Nhân dân làm chủ vừa là mục tiêu cao nhất của quan hệ tổng thể trên vừa là thành tố có sự tác động trở lại đối với Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý. Dân chủ được phát huy sẽ là nhân tố quan trọng góp phần cho tính đúng đắn của sự lãnh đạo của Đảng và đảm bảo cho việc giữ gìn bản chấtNhà nước pháp quyền XHCN “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Để “ý Đảng hợp với lòng Dân”, để tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, thì Nhân dân phải tham gia tích cực vào công việc Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước. Đó là nhân tố hết sức quan trọng và cần thiết để Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý xứng đáng là những thành tố quan trọng trong bộ ba của cơ chế tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Nếu Nhân dân thờ ơ, không thiết tha gì về dân chủ, Nhân dân thụ động, chờ đợi sự ban phát dân chủ từ Đảng, Nhà nước, chờ đợi sự ban phát dân chủ từ trên xuống, thì sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước hiệu quả sẽ không cao. Tuy nhiên, trong thực tế, có lúc, có nơi, chưa thực hiện tốt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân, đôi khi vai trò làm chủ của nhân dân vẫn còn mờ nhạt. Ở một số nơi, các quyền dân chủ của Nhân dânchưa được thực hiện thường xuyên trong thực tế... Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân” và “Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế, hoặc mang tính hình thức”. Đây, chính là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta cần phải nghiên cứu, giải quyết, nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò làm chủ của Nhân dân trong thời kỳ mới.

Như vậy, Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” chỉ có thể thực hiện tốt và đem lại kết quả thiết thực khi các mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân được phân định rành mạch về quyền và trách nhiệm của mỗi chủ thể thông qua một hệ thống thể chế và quy chế hoạt động cụ thể./.


Các tin khác