Bài học về Xây dựng Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Từ khi ra đời năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến tháng lợi khác, trong đó, thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đưa đến sự ra đời của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thắng lợi ấy đã để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học vô giá, trong đó nổi lên hàng đầu là bài học về xây dựng Đảng.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thành quả của 15 năm đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945) dưới sự lãnh đạo của Đảng. Suốt 15 năm ấy, Đảng ta đã tự đặt cho mình nhiệm vụ xây dựng thành một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, được vũ trang bằng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác.

Sau cao trào cách mạng đầu tiên (1930 - 1931), thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, Đảng ta bị tổn thất nặng nề: toàn bộ các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương bị địch bắt, các xứ ủy Bắc kỳ, Trung Kỳ, Nam kỳ đều bị phá vỡ, đa số đảng viên bị tù đày hoặc bị giết; cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ tạm thời thoái trào. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh vô cùng khốc liệt đó, những người cộng sản Việt Nam vẫn kiên cường, kiên trì đấu tranh để khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng. Trong hoàn cảnh bị tù đày, các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, thành trận tuyến đấu tranh với kẻ thù; thành lập các chi bộ đảng để hoạt động, lãnh đạo tù nhân đấu tranh.  Cuối năm 1934, đầu năm 1935, hệ thống tổ chức đảng được khôi phục. Tháng 3/1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu trước mắt, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là củng cố và phát triển Đảng. Nhiệm vụ củng cố và phát triển Đảng bao gồm: mở rộng tổ chức đảng, củng cố lực lượng hiện tại; khôi phục liên lạc với những tổ chức và đảng viên mất liên lạc, phát triển đảng ở vùng công nghiệp, kết nạp thêm công nhân, nông dân, trí thức, phụ nữ, dân tộc thiểu số; cho tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, thống nhất về ý chí và hành động, thường xuyên giáo dục lý luận cho đảng viên và quần chúng.

Bước sang cao trào cách mạng 1936 - 1939, trong quá trình lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, Đảng đã kịp thời, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái với đường lối, chủ trương của Đảng, uốn nắn một số vấn đề về nhận thức tư tưởng trong nội bộ Đảng để thống nhất quan điểm đánh giá về những vấn đề chiến lược, sách lược của Mặt trận dân chủ, trên cơ sở đó tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, với mục đích phê bình và tự phê bình, uốn nắn những lệch lạc trong phong trào dân chủ, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng: “Phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển. Muốn vậy, phê bình phải nắm vững mục đích xây dựng Đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm khuyết điểm của đồng chí mình”. Đây là tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc không những đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng lúc bấy giờ mà còn mang tính thời sự nóng hổi, có giá trị hiện thực sâu sắc đối với

công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta hiện nay.

Trong cao trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945), công tác xây dựng Đảng càng được Đảng ta chú trọng. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (5/1941), Đảng ta chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; đồng thời đặc biệt coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng, bảo đảm cho Đảng thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đủ năng lực lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi; gấp rút đào tạo cán bộ và coi đó là một công tác cấp bách, “không thể bỏ qua một giờ phút”.

Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào - Tuyên Quang đã quyết định phát động tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành chính quyền về tay nhân dân. Vừa tròn 15 tuổi, với gần 5.000 đảng viên, với đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đem lại “một cuộc đổi đời chưa từng có đối với mỗi người dân Việt Nam”. Để có 5.000 đảng viên ấy, một đội ngũ chiến đấu vì lý tưởng cao cả mà sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc; để có một đội tiên phong của giai cấp công nhân với đường lối lãnh đạo đúng đắn, tài tình, suốt 15 năm đấu tranh giành chính quyền, Đảng ta đã không ngừng chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo.

Bài học về xây dựng Đảng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng thắng lợi là bài học xuyên suốt được Đảng ta quán triệt và thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta, cùng với việc xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Điều đó có nghĩa là, Đảng ta đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng lên vị trí có ý nghĩa quyết định, nếu không thực hiện tốt nhiệm vụ này thì không thể nào đẩy mạnh các nhiệm vụ khác, kể cả nhiệm vụ trung tâm. Tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội X của Đảng khẳng định: “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là khâu then chốt, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới”.

Thấm nhuần bài học xây dựng Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hiện nay để  xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh cần thực hiện những nội dung chủ yếu sau:

Một là, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất; đặc biệt chú trọng sự nêu gương của những người đứng đầu giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Ba là, tăng cường đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, đạo đức, có trình độ trí tuệ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thực sự tiêu biểu về bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, đoàn kết, tập hợp sức mạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, có tầm nhìn và tư duy chiến lược. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đội ngũ cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và Nhà nước; ngăn ngừa sự suy thoái, biến chất và loại bỏ những phần tử cơ hội, tham nhũng ra khỏi hàng ngũ của Đảng. 

Bốn là, đẩy mạnh đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.

Năm là, đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế, khuyết điểm, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái, biến chất, quan liêu, tham nhũng; quyết tâm, nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Sáu là, tăng cường liên hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân, dựa vào dân, phát huy vai trò và sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng Đảng.

Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc bài học về xây dựng Đảng trong Cách mạng Tháng Tám cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, từ đó tự giác thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn đạo đức cách mạng, học tập nâng cao trình độ mọi mặt, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng./.


Các tin khác