Văn hóa giao tiếp của người cán bộ làm công tác thanh tra ở Trường Chính trị là giao tiếp đặc thù, xuất phát từ những nhu cầu đời sống xã hội liên quan đến thanh tra, nhằm ngăn ngừa những sai phạm; đồng thời, xét giải quyết đến quyền, lợi ích của nhiều đối tượng. Do vậy, cán bộ làm công tác thanh tra phải lấy con người làm trọng tâm trong giao tiếp - không có người tử tế, không có thanh tra tốt. Muốn có thanh tra tốt, phải có văn hóa thanh tra phù hợp. Người xưa dạy rằng “tiên học lễ, hậu học văn”. Học lễ là học làm người, học văn là học về sự hiểu biết của con người với thế giới xung quanh. Ngày nay, làm nghề gì cũng phải học để biết và để hành xử cho đúng; cán bộ thanh tra cũng phải vậy, học cách sống có nhân văn để thực thi nhiệm vụ tốt hơn. Phong cách ứng xử, lối làm việc chuẩn mực, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả của cán bộ tổ thanh tra ở trường Chính trị được thể hiện qua các nội dung sau:
Thứ nhất: tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ tổ thanh tra
Trước hết, người cán bộ tổ thanh tra phải có ý thức học tập nâng cao trình độ, nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, tu dưỡng và rèn về đạo đức, lối sống; thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, trung thực, thẳng thắn, chân thành. Công tác thanh tra phải tiếp xúc với rất nhiều đối tượng như: người quản lý, cán bộ CCVC, giảng viên, giáo viên chủ nhiệm, học viên, đơn vị phối hợp mở lớp…, thái độ mỗi đối tượng đó đều khác nhau, do vậy cán bộ tổ thanh tra phải tinh tế, bình tĩnh, không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, không thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của mỗi đối tượng. Cán bộ tổ thanh tra phải ứng xử có văn hóa, làm cho mọi đối tượng đều “tâm phục khẩu phục” trên cơ sở pháp luật, quy chế, quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và của nhà trường cùng với chứng cứ, thái độ đúng mực, tình lý rõ ràng và đối thoại thẳng thắn.
Thứ hai:Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ tổ thanh tra
Một, trong giao tiếp với mọi đối tượng cán bộ tổ thanh tra phải tôn trọng lắng nghe, tận tình, hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của cán bộ CCVC, giảng viên, giáo viên chủ nhiệm, học viên, đơn vị phối hợp mở lớp... phải thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cám ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Hai, cán bộ thanh tra chấp hành sự phân công của Ban Giám hiệu, không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; với đồng nghiệp trong trường phải tương trợ trong thực hiện công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết, nội bộ trong đơn vị.
Ba, cán bộ tổ thanh tra phải tuân thủ pháp luật, xử lý mọi tình huống linh hoạt “có lý, có tình” trong từng trường hợp giao tiếp cụ thể, phải lấy giáo dục, thuyết phục làm chính. Tất cả nhằm đảm bảo xây dựng tổ thanh tra của nhà trường trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”.
Ba, tác phong làm việc của cán bộ thanh tra
Hình ảnh giao tiếp người cán bộ tổ thanh tra được thể hiện thông qua tác phong, cử chỉ, lời nói, thái độ, tư thế, nét mặt gắn liền với cách ăn mặc nghiêm túc. Trước hết về trang phục người ta thường nói “người đẹp nhờ lụa”, trang phục cán bộ tổ thanh tra phải mặc gọn gàng, lịch sự; sau đó, tác phong chỉnh tề, dáng đi vững vàng, phát ngôn có tổ chức chu đáo. Đồng thời, khi nói chuyện và tranh luận phải có phép lịch sự, nói ngắn gọn, rõ ràng, mạnh lạc, chính xác, vui vẻ để người nghe hiểu đúng ý. Thái độ trong làm việc phải nghiêm túc, chân thành, từ tốn, có chú ý và tôn trọng người nghe.
Thiết nghĩ để hoàn thành nhiệm vụ mà Ban giám hiệu phân công, văn hóa giao tiếp của người cán bộ tổ thanh tra của trường Chính trị rất quan trọng và muốn được mọi người tin yêu, nể phục thì mỗi cán bộ tổ thanh tra phải tự hoàn thiện mình, tự chỉnh đốn mình về: tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; tác phong làm việc./.