Khoản 1 Điều 3 của Luật đề cập đến khái niệm về Tham nhũng “là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Khoản 2 Điều 3 của Luật cũng đề cập cụ thể “Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức;
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.”
Điều 2 của Luật Phòng, chống tham nhũng quy định rõ về các hành vi tham nhũng. Theo đó, Luật xác định 2 nhóm hành vi tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện (gồm 12 hành vi) và hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước thực hiện (gồm 3 hành vi). Đây cũng là điểm mới của Luật khi điều chỉnh đến các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước. Để làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong công tác này, Luật đã dành riêng Chương VI quy định về “Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (gồm mục 1 : Xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng và mục 2: Áp dụng Luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước).
Tại Chương II quy định về “Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” đã xác định rõ ràng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (mục 1); xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (mục 2); thực hiện các quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức đơn vị (mục 3); chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (mục 4); cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán tài khoản không dùng tiền mặt (mục 5); kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (mục 6).
Riêng mục 6 về việc kiểm soát, tài sản thu nhập có nhiều điểm mới. Trước hết, Luật quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong kiểm soát tài sản thu nhập (Điều 30, Điều 31, Điều 32).
Đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập được quy định tại Điều 34 bao gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Luật cũng quy định phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập được quy định tại Điều 36. Theo đó, tất cả các đối tượng phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập lần đầu từ ngày 01/7/2019 đến 31/12/2019 (trừ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND). Việc kê khai hằng năm được thực hiện đối với những người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên, người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Để làm cơ sở lưu giữ những thông tin kê khai tài sản, thu nhập của các đối tượng có nghĩa vụ kê khai, Luật có quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Chương VIII của Luật quy định “Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng”, gồm 3 điều xác định nguyên tắc chung về hợp tác quốc tế, trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế và hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng. Điều 91 tại chương này quy định “Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam”. Bên canh đó, “Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng”.
Có thể nói, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có quy định mới, hoàn thiện hơn so với Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2007 và 2012). Với các biện pháp về phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp; xác định trách nhiệm của người đứng đầu, các cơ quan chuyên trách, các đơn vị hữu quan, trách nhiệm của công dân và cộng đồng…được thực thi tốt sẽ đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam đạt kết quả, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ kỷ cương, liêm chính, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh - một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam./.